Hiệu trưởng Canada đau đầu vì thiếu giáo viên

GD&TĐ - Canada đã đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên giáo dục trong nhiều năm nhưng tác động ở mỗi địa phương là khác nhau.

Nhiều trường học tại Canada cắt môn học vì thiếu giáo viên.
Nhiều trường học tại Canada cắt môn học vì thiếu giáo viên.

Vì thiếu giáo viên, hiệu trưởng các trường phổ thông tại Canada phải cân nhắc có nên cắt bỏ môn học hay ghép các lớp nhỏ thành lớp lớn hay không? Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời trong khi tình trạng thiếu giáo viên ngày càng nghiêm trọng.

Canada đã đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên giáo dục trong nhiều năm nhưng tác động ở mỗi địa phương là khác nhau. Đơn cử, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa từ lâu đã phải vật lộn với tình trạng này vì tỷ lệ giáo viên bỏ việc cao.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Nhiều giáo viên bỏ việc, số khác về hưu sớm. Dù đã hơn 2 năm kể từ khi dịch Coivd-19 được đẩy lùi, hệ thống giáo dục Canada vẫn chưa khắc phục được lỗ hổng về mặt nhân sự.

Các chuyên gia giáo dục đánh giá thiếu giáo viên đã đạt đến tình trạng khủng hoảng trên toàn quốc. Đơn cử, tại bang Ontario, 24% trường tiểu học và 35% trường trung học thiếu giáo viên biên chế. Vì vậy, gánh nặng được đặt lên vai ban giám hiệu các nhà trường.

Ông Ralph Nigro, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng bang Toronto, cho biết, người đứng đầu nhà trường phải quyết định có nên hủy bỏ các môn học như Âm nhạc, Thể dục hay không? Hoặc liệu họ có thể gộp lớp 3 với lớp 4 hay không.

Thậm chí, họ có thể yêu cầu giáo viên không giao bài tập về nhà, không nhận xét về học sinh trong sổ liên lạc điện tử... Bởi vì đó là những công việc hành chính chiếm nhiều thời gian trong khi giáo viên phải dạy gấp đôi hay gấp 3 bình thường.

“Không lựa chọn nào trong số này là tốt cho học sinh lẫn giáo viên. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải cân nhắc những lựa chọn này hàng ngày vì vấn đề thiếu giáo viên đã không thể giải quyết”, ông Nigro chia sẻ.

Bên cạnh những giải pháp tạm thời, các trường đang tăng cường thuê nhân viên không được đào tạo chính quy, kêu gọi giáo viên nghỉ hưu trở lại làm việc. Nhưng các chuyên gia giáo dục cho rằng thiếu giáo viên là vấn đề nhiều mặt, đòi hỏi các giải pháp bền vững hơn.

Ông Nigro cho rằng, giải pháp cấp thiết là thu hút giáo viên trẻ và giữ họ ở lại với nghề. Giáo viên chưa qua đào tạo, giáo viên đã nghỉ hưu chỉ là giải pháp tạm thời. Điều quan trọng là hệ thống giáo dục cần bồi dưỡng và duy trì một nguồn giáo viên trẻ, liên tục, bởi người trẻ là chìa khóa cho tương lai của hệ thống giáo dục.

Hơn nữa, trong bối cảnh giáo dục gắn liền với kỹ thuật số như hiện nay, giáo viên trẻ, những người sinh ra trong thế hệ số, có thể tiếp cận công nghệ nhanh chóng và giảng dạy cho học sinh về vấn đề này. Trong khi giáo viên lớn tuổi sẽ mất thời gian để làm quen và thành thạo cái mới.

Còn GS Nathalie Reid, nhà nghiên cứu giáo dục tại Đại học Regina, cho biết Bộ Giáo dục và văn phòng giáo dục các địa phương cần tập trung vào phúc lợi của giáo viên. Đơn cử, trợ cấp nhà ở cho giáo viên làm việc ở vùng sâu, vùng xa, quan tâm đến sức khỏe tâm thần của giáo viên, tuyển dụng trợ giảng hỗ trợ công việc hành chính cho giáo viên...

Theo CBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.