Hiểu sao cho đúng chuyển trường đại học thành đại học?

GD&TĐ - Việc chuyển trường đại học thành đại học không đơn thuần là chuyển tên cơ sở giáo dục đại học, mà là chuyển mô hình hoạt động.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy 2022 do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy 2022 do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Việc chuyển đổi này là con đường phù hợp với các trường đại học có bề dày hoạt động và đã xây dựng được uy tín, thương hiệu trong xã hội. Với trường nhỏ, nếu muốn phát triển thành đại học thì có thể liên kết với nhau.

Có hai cách để hình thành đại học

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH),Bộ GD&ĐT; hiện là Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long – CEA Thăng Long, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) quy định có 2 loại hình chủ yếu của cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) là: Trường đại học hoặc học viện (gọi chung là trường đại học) và đại học.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng phân tích, đại học là mô hình tổ chức GDĐH có chức năng, nhiệm vụ rộng lớn hơn, mang tính đa lĩnh vực và liên ngành; có quy mô, cơ cấu đồ sộ hơn; được thừa nhận năng lực tự chủ và quyền tự chủ cao hơn. Còn trường ĐH thì thực hiện chức năng nhiệm vụ ở mức đa ngành, trong một hoặc một số lĩnh vực. Trường đại học quy mô và cơ cấu đơn giản hơn, quyền tự chủ phụ thuộc vào năng lực tự chủ mà một phần thể hiện thông qua kết quả kiểm định chất lượng.

“Việc chuyển trường đại học thành đại học không thể là “bình mới rượu cũ” mà cần phải có thời gian để phát triển theo định hướng đã được quy định và ngày càng phải chất lượng, hiệu quả hơn trước” - TS Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh.

Theo quy định, việc chuyển trường đại học thành đại học không đơn giản là chuyển tên cơ sở GDĐH, mà là chuyển mô hình hoạt động từ đơn sang đa lĩnh vực và có sự phát triển cả chiều rộng về quy mô, đến chiều cao về trình độ đào tạo. Qua đó, cơ sở GDĐH đã xây dựng được lực lượng lớn mạnh, quản trị hiệu quả, thể hiện năng lực tự chủ cao, có khả năng đào tạo, nghiên cứu liên ngành và đảm bảo chất lượng trong mọi hoạt động.

Nguyên lãnh đạo Vụ GDĐH viện dẫn, theo Luật số 34, có hai cách để hình thành đại học là: Chuyển trường đại học thành đại học theo cách mà Đại học Bách khoa Hà Nội vừa thực hiện. Cách thứ hai là các trường đại học đang hoạt động tự nguyện liên kết thành đại học.

Trong Luật số 34, các chuẩn tối thiểu cho loại hình đại học được quy định để trường đại học nào muốn phát triển thành đại học thì có thể đầu tư, liên kết phát triển theo các chuẩn mực đó. Đồng thời thực hiện các thủ tục hành chính để được thành lập/cho phép thành lập đại học. Các chuẩn đại học này cũng có thể thay đổi theo thời gian để phù hợp với định hướng phát triển hệ thống GDĐH theo từng thời kỳ.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh, nếu theo đúng định hướng của Luật số 34, việc trường đại học chuyển thành đại học, trước hết nhằm mục tiêu khẳng định vị thế của mình trong hệ thống. Đồng thời khẳng định năng lực tự chủ và để được hưởng quyền tự chủ cao hơn mà pháp luật quy định cho đại học như: Tự chủ mở ngành, liên kết quốc tế và các hoạt động khác...

Việc trường đại học chuyển/liên kết thành đại học thường để cộng các nguồn lực về nhân lực, cơ sở vật chất, đối tác hợp tác, thế mạnh của mỗi lĩnh vực/môi trường... Qua đó, nhằm phát triển, tăng sức cạnh tranh trong nước và quốc tế cũng như có thể đạt được vị thế cao hơn trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế...

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân học tại thư viện. Ảnh: INT

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân học tại thư viện. Ảnh: INT

Mỗi trường cần tìm mô hình phù hợp

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thuộc nhóm trường đầu tiên được hưởng cơ chế tự chủ toàn diện, nhất là về đào tạo, học thuật. GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, mở rộng tự chủ đã tạo điều kiện để nhà trường bứt phá, trong đó có việc mở ngành và chương trình đào tạo.

Hiện trường có 39 ngành đào tạo cấp IV, với 72 chương trình đào tạo, thuộc 15 nhóm ngành, 10 lĩnh vực. Trong kế hoạch 5 năm tới, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có định hướng chiến lược để trở thành đại học. Trong cơ cấu sẽ có ít nhất 3 trường trực thuộc là Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh và Trường Khoa học công nghệ.

Từ việc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trở thành ĐH Bách khoa Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi, mỗi trường đại học cần xác định một cấu trúc tổ chức bên trong tối ưu để phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển cũng như sứ mệnh đã đặt ra. Với những trường có quy mô lớn và số lượng ngành đào tạo nhiều, nhu cầu bên trong cần phân cấp, tự chủ đa dạng như ĐH Bách khoa Hà Nội thì việc chuyển thành đại học là phù hợp và cần thiết. Ngược lại, những trường nhỏ mà tổ chức theo mô hình của trường lớn thì không hợp lý.

Trở thành đại học không phải là mục tiêu để các trường phải phấn đấu. Quan trọng là mỗi trường phải tìm được mô hình thật phù hợp để phát huy nội lực. Khi đó, các trường sẽ đóng góp chung cho sự phát triển của cả hệ thống.

Trước đó, ngày 2/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Lãnh đạo cơ sở GDĐH này cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị; thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên và thống nhất quan điểm “Một Bách khoa Hà Nội”.

Quan điểm này thể hiện sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng của toàn đại học. Mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng thống nhất với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định. Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của đại học.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, nếu có nhu cầu, điều kiện phát triển thành đại học thì phải có chiến lược, kế hoạch chi tiết để đầu tư hiệu quả. Việc phát triển thành đại học không phải là vấn đề vị thế hay tên gọi, mà là để hoạt động hiệu quả và chất lượng hơn. Nếu việc chuyển đổi này không phải là kết quả của quá trình phát triển thực chất, chưa đủ tầm để thay đổi về chất trong hoạt động, cũng như năng lực quản trị... sẽ giống như chui vào một cái áo quá khổ, tạo ra lực cản đối với các hoạt động. Điều đó sẽ không mang lại hiệu quả. Như vậy, cứ là một trường đại học tốt còn hơn trở thành một đại học không xứng tầm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ