Tuy vậy, trên thực tế thì nhiều năm nay, các trường THPT ở Quảng Ngãi như THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Võ Nguyên Giáp, THPT Trần Quốc Tuấn, THPT Chu Văn An, THPT số 1 Tư Nghĩa, THPT Chuyên Lê Khiết… đã tiến hành tổ chức kiểm tra chung các môn văn hóa như: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Ngoại ngữ… từ một tiết trở lên.
Đề kiểm tra và đáp án giao cho một người đến hai người trong nhóm, tổ chịu trách nhiệm trên cơ sở thống nhất nội dung, chương trình, mức độ đề ở những khối lớp. Nhà trường lên kế hoạch kiểm tra chung, lập danh sách HS theo bảng chữ cái A, B, C; mỗi phòng có 24 HS, phân công giám thị coi kiểm tra. Có một bộ phận thu bài và cắt phách riêng, sau đó giao bài cho từng giáo viên chấm, chấm xong, giáo viên nộp phiếu điểm về cho bộ phận giáo vụ, nếu sửa điểm thì phải có giải trình, ý kiến đồng ý của tổ trưởng, tổ phó, Ban Giám hiệu.
Kết quả, tỉ lệ bài kiểm tra ở từng khối lớp được niêm yết, công khai tại thông báo của nhà trường. Qua đây, từng thầy cô giáo có thể đối chiếu, so sánh giữa kết quả, tỉ lệ lớp mình dạy với các lớp khác trong khối và từ đó suy ngẫm, thay đổi, điều chỉnh về cách dạy của mình, nếu như kết quả còn quá thấp so với mặt bằng chung. Quy trình kiểm tra chung ở đây được làm chặt chẽ, nghiêm túc gần giống với kỳ thi học kỳ 1, học kỳ 2 do Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức kiểm tra chung các môn văn hóa ở ba khối 10, 11, 12.
Diễn biến thực tế cho thấy, sau một thời gian tổ chức kiểm tra chung, chất lượng dạy học của thầy và trò có chiều hướng tiến bộ tích cực. Giáo viên giảng dạy nhiệt tình hơn, chú trọng nhiều đến đổi mới phương pháp dạy học và hiệu quả nắm vững kiến thức, kỹ năng của học sinh. Khâu chấm trả bài của một số giáo viên thường ỳ ạch, chậm trễ thì nay buộc phải khẩn trương, kịp thời hơn. HS phấn khích với những bài kiểm tra được phát, trả bài đúng quy định.
Việc ôn tập sát bài, đề cương, mớn câu hỏi không còn nữa, tạo thêm động lực cho giáo viên và HS chuẩn bị bài, dạy và học chắc chắn, kỹ lưỡng, toàn diện hơn mới mong có những điểm số tốt lên. Giúp các em tập dượt, thích nghi dần với những kỳ thi quan trọng với các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cao hơn. Tính công bằng, khách quan trong đánh giá, cho điểm bài kiểm tra học sinh được xem là ưu điểm nổi bật, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường giáo dục, đẩy lùi những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực như chèn ép học sinh học thêm ở nhà.
Cách tổ chức kiểm tra chung của nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi rất cần thiết và phù hợp với xu thế thi cử mới hiện nay, khi ý thức học tập của nhiều học sinh chưa tốt, tính đồng bộ, thống nhất, công tâm, khách quan của một số thầy cô giáo còn hạn chế. Đây là một mô hình, cách làm hay, cần được cổ vũ, nhân rộng; các địa phương, trường khác có thể vận dụng và thực hiện để góp phần nâng cao chất lượng GD, bớt đi chuyện tiêu cực, ép học thêm - một vấn đề gây bức xúc, nhức nhối dư luận xã hội lâu nay.