Để học sinh không “ngại” học Văn

GD&TĐ - Sợ học, học một cách thụ động, ngại phát biểu xây dựng bài, kĩ năng đọc – hiểu, nói – viết không tốt đó là tình trạng của nhiều học sinh khi học môn Văn học. Điều đó dẫn tới chất lượng dạy và học môn Văn chưa cao.

Để học sinh không “ngại” học Văn

Với kỳ vọng 80% học sinh chuyển biến nhận thức, yêu thích học môn Ngữ văn và tích cực tham gia xây dựng bài… thầy giáo Đặng Quốc Trung (THPT Chu Văn An – Đồng Tháp) đã có những đổi mới sáng tạo trong phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh đáng quan tâm.

Hạn chế năng lực học tập

Qua quan sát của thầy Trung, học sinh gặp nhiều hạn chế về năng lực học tập. Trước hết, các em còn thụ động trong quá trình học tập. Chỉ khi nào giáo viên yêu cầu phát biểu thì các em mới dám nói, thậm chí có trường hợp học sinh ngại nói, có tâm lí ỷ lại hoặc không có chính kiến của riêng mình. Khi giáo viên hỏi ý kiến đến học sinh thứ 2, thứ 3 thì các em đều trả lời: Ý kiến của em giống ý kiến của bạn…

Cùng đó, kĩ năng đọc – hiểu văn bản cũng như kĩ năng viết của các em còn nhiều hạn chế. Cụ thể, khi đứng trước văn bản nhật dụng thường gặp mà các em tỏ ra không hiểu nội dung chính, chưa xác định được phương thức biểu đạt của văn bản, các thao tác lập luận, các phong cách ngôn ngữ… Trong khi các kiến thức này, các em đã được giáo viên năm học trước ôn tập lại mà vẫn chưa nắm kiến thức cơ bản và kĩ năng xác định vấn đề… Đáng nói, kĩ năng viết của học sinh mắc khá nhiều lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu chưa rõ nghĩa. Đặc biệt, có em không xác định được đoạn văn và bài văn. Điều này thể hiện rõ nhất trong các bài kiểm tra chung, kiểm tra chất lượng học kì.

Một tình trạng khác, học sinh có tâm lí ngại viết văn, nhất là khi giáo viên yêu cầu học sinh làm bài tập trên lớp hoặc trong giờ kiểm tra chung, học sinh thường viết rất ngắn.

Kết quả dạy và học văn chưa được khả quan theo thầy Trung nguyên nhân chính không chỉ do học sinh lười học, học còn thụ động, ngại phát biểu ý kiến xây dựng bài, ngại viết, ngại thực hành… mà bản thân các em thật sự chưa yêu thích môn Ngữ văn, gia đình các em không muốn các em đi theo học các ngành thuộc khối khoa học xã hội sau khi ra trường. Ngoài ra nguyên nhân còn phụ thuộc một phần trách nhiệm không nhỏ ở phía giáo viên. Mặc dù giáo viên đã có đổi mới phương pháp giảng dạy và kết hợp nhiều hình thức hoạt động dạy học nhưng thật sự chưa thường xuyên.

Đổi mới sáng tạo giảng dạy

Quá trình đổi mới sáng tạo để việc dạy và học môn Văn đạt hiệu quả cao hơn thầy Trung đã tiến hành nhiều giải pháp. Trước hết, đã rà soát lại nội dung chương trình để điều chỉnh nội cung cũng như phương pháp giảng dạy để tiến hành soạn giáo án sao cho phù hợp với đối tượng giảng dạy. Bên cạnh giáo án giảng dạy chương trình chính khóa, chủ động lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, rèn kĩ năng sống… cho học sinh thông qua các tiết dạy chủ đề tự chọn bám sát và giờ tăng tiết dạy 2 buổi/ngày. Biên soạn giảng dạy đã giúp cho giáo viên rèn cho học sinh kĩ năng đọc hiểu, kĩ năng viết qua từng giờ dạy học theo chuyên đề.

Khi lên lớp, chủ động đổi mới phương pháp dạy học với nhiều hình thức hoạt động giảng dạy khác nhau kết hợp với nhiều phương pháp dạy học tích cực. Chẳng hạn, giáo viên không gọi học sinh trả bài liền theo các bước lên lớp như thông thường mà luôn cố gắng xây dựng không khí lớp thật sự thoải mái bằng cách sử dụng lời nói thân thiện khi giao tiếp với HS.

Đổi mới cách kiểm tra miệng, đánh giá kiến thức cũ của học sinh trong suốt quá trình dạy học trên lớp vừa tránh áp lực vừa tạo động lực cho nhiều học sinh có cơ hội xây dựng bài và tích lũy điểm kiểm tra miệng.

Nếu tiết học rơi vào cuối buổi thì giáo viên cố gắng liên hệ thực tế các nội dung thực tiễn có liên quan bài dạy hoặc kể câu chuyện vui để tạo tiếng cười giải tỏa tâm lí cho học sinh.

Đối với đối tượng học sinh khá giỏi, càng quan tâm hơn đến cách hành văn bởi các em tuy có kiến thức rộng hơn các đối tượng học sinh khác nhưng hành văn lại lan man, sa vào lỗi phô trương kiến thức…

Việc đổi mới sáng tạo phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh đã thu được kết quả đáng khích lệ. Số lượng học sinh tham gia phát biểu xây dựng bài tăng gấp nhiều lần so với đầu năm. Nếu ở đầu năm học, giáo viên thường đọc diễn hoặc chỉ một hai học sinh phát biểu xây dựng bài thì sau khi áp dụng các bước thử nghiệm học sinh đã tích cực chủ động xây dựng bài hơn. Mặt khác, mỗi tiết học trở nên sinh động hơn trước. Đặc biệt kĩ năng đọc – hiểu, nói – viết của các em đã được cải thiện rất nhiều. ..

Quá trình đổi mới sáng tạo dạy học, thầy Trung cho rằng khâu trả bài quan trọng. Ngoài việc tuân thủ các bước cần làm trong một tiết trả bài trên lớp, giáo viên cần đặc biệt quan tâm đến lỗi chính tả, cách dùng từ, đặt câu của học sinh. Giáo viên phải chỉ ra lỗi sai của các em trong bài. Không chỉ ghi nhận ở phần lời phê dành cho giáo viên mà còn ghi nhận đánh giá ngay ở chỗ sai của học sinh trong bài viết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.