Hiệu quả từ những mô hình giáo dục tình yêu biển đảo

GD&TĐ - Những mô hình GD biển đảo, cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc được xây dựng ngay trong khuôn viên trường học, kết hợp với những bài giảng sinh động, hấp dẫn, cùng các hoạt động GD ngoài giờ hết sức bổ ích… đã thực sự giúp HS nắm vững những kiến thức về chủ quyền biển đảo, làm giàu thêm tình yêu, niềm tự hào đối với biển đảo quê hương.

Hiệu quả từ những mô hình giáo dục tình yêu biển đảo

Việc làm hay mang ý nghĩa thiết thực

Được xây dựng ngay giữa sân trường, công trình mô hình GD biển đảo của Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Đức Thiệu (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam) có diện tích rộng gần 100 m2. 

Mô hình không chỉ thể hiện trọn vẹn vùng lãnh thổ, lãnh hải của đất nước, mà còn thể hiện các quốc gia giáp giới với Việt Nam. Thầy Đỗ Xuân Thưởng - Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Đức Thiệu (người đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình độc đáo này) - cho biết: GD tình yêu biển đảo cho HS đã được nhà trường, giáo viên (GV) triển khai thực hiện trong nhiều năm học qua. 

Tuy nhiên, làm thế nào để mỗi giờ học về biển đảo thực sự có chất lượng, mang lại ý nghĩa thiết thực và thu hút, lôi cuốn HS là điều mà nhà trường hết sức trăn trở.

Chính vì vậy, khi triển khai xây dựng ý tưởng mô hình biển đảo, nhà trường gặp phải không ít khó khăn và phải trải qua 3 giai đoạn vừa xây dựng, vừa bổ sung các chi tiết nội dung thì mô hình mới được hoàn thiện. 

“Đáp lại những công sức cũng như chi phí bỏ ra đầu tư xây dựng mô hình, hoạt động GD cho HS về chủ quyền, tình yêu biển đảo thật sự mang lại những kết quả hết sức tích cực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong ngành GD&ĐT địa phương. 

Công trình không chỉ cụ thể hóa niềm tự hào về tình yêu biển đảo của cán bộ, GV, HS nhà trường, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động GD sôi động, hấp dẫn của GV, HS trên địa bàn mỗi khi đến tham quan học tập” - Thầy Thưởng tự hào chia sẻ.

Cũng như mô hình GD biển đảo tại Trường TH Nguyễn Đức Thiệu, các mô hình cột mốc Trường Sa khẳng định chủ quyền Tổ quốc được xây dựng giữa sân Trường THCS Mỹ Hòa (xã Đại Hòa, Đại Lộc) và Trường THCS Nguyễn Du (xã Đại Quang, Đại Lộc) tượng trưng cho lòng tự hào dân tộc, tình yêu biển đảo của GV, HS nhà trường, đồng thời vừa thể hiện tâm nguyện của lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể địa phương trong việc đẩy mạnh công tác GD lịch sử, truyền thống cách mạng cho con em địa phương.

Thầy Huỳnh Văn Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hòa - chia sẻ: Để xây dựng được công trình mô hình cột mốc chủ quyền có chiều cao 4,2m, bề ngang 1,2m bằng bê tông cốt thép, bên ngoài được ốp đá và có ghi rõ vĩ độ, kinh độ của đảo Trường Sa là công sức, tâm huyết của cả hệ thống chính trị. 

Qua đó để khẳng định rằng, việc GD truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, HS là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên của các cơ sở giáo dục, trong đó có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Trường học phát huy tính hiệu quả

Không dừng lại ở những tiết dạy, bài giảng tích hợp, lồng ghép kiến thức GD biển đảo trong chương trình các môn học, GV Trường TH Nguyễn Đức Thiệu còn xây dựng thành các chuyên đề, chủ đề riêng về GD biển đảo để giảng dạy cho HS. 

Bài học càng trở nên sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn HS khi được tổ chức theo phương pháp trực quan sinh động, lấy mô hình GD biển đảo làm công cụ học tập, để HS tự khám phá, chiếm lĩnh kiến thức.

Từ kinh nghiệm đúc rút trong quá trình tổ chức dạy học và tập huấn về chuyên đề GD biển đảo, cô Nguyễn Thị Kim Đính – Tổ trưởng tổ chuyên môn khối 5 (Trường TH Nguyễn Đức Thiệu) cho biết: 

Có thể khẳng định rằng, hiện nay với những điều kiện CSVC, thiết bị dạy học và CNTT được trang bị một cách rất đầy đủ và hiện đại đã giúp người GV có rất nhiều thuận lợi trong việc xây dựng bài giảng, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động dạy học. 

Chuyên đề GD biển đảo là một nội dung đã được nhà trường, GV triển khai thực hiện từ nhiều năm nay, tuy nhiên, làm thế nào để bài học luôn luôn là tâm điểm thu hút, lôi cuốn HS là một điều không phải GV nào cũng thực hiện được.

Theo kinh nghiệm tổ chức bài giảng của cô Đính, ngoài việc GV phải xây dựng được những chủ đề hay về nội dung bài học, kết hợp linh hoạt các phương tiện truyền giảng trong quá trình thực hiện bài giảng, mà còn phải biết khơi dậy tinh thần tự học, tự khám phá đối với HS để các em tự chiếm lĩnh kiến thức. 

Chẳng hạn, khi dạy về các đảo, quần đảo và vùng biển đảo của Việt Nam, HS sẽ được phân vai làm hướng dẫn viên du lịch của 3 vùng Bắc, Trung, Nam để lần lượt giới thiệu… 

Hay như việc giúp HS nắm những đặc sản vùng miền địa phương gắn với các vùng biển đảo sẽ giúp HS nắm vững được những điều kiện tự nhiên, văn hóa – xã hội ở vùng đảo đó…

Có dịp đến Trường THCS Mỹ Hòa, chúng tôi được hòa chung không khí trang trọng diễn ra đầy xúc động của buổi chào cờ đầu tuần. Cứ sau mỗi giờ chào cờ, toàn thể thầy trò Trường THCS Mỹ Hòa cùng uy nghiêm hướng về mô hình cột mốc Trường Sa và dành phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. 

Ngày ngày, từng nhóm HS ngồi dưới chân mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa cùng đọc sách, ôn bài làm cho khung cảnh trường càng thêm tươi đẹp.

Theo thầy Huỳnh Văn Bình, việc xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa, đã không chỉ góp phần tạo thuận lợi cho GV, HS tổ chức các hoạt động giáo dục về chủ đề biển đảo, truyền thống lịch sử cách mạng hết sức sinh động và hiệu quả tổ chức được nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích, không chỉ thu hút GV, HS trong trường, mà còn có cả đội ngũ cựu chiến binh, đoàn thanh niên Huyện đoàn tham gia, biến không khí những cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền biển đảo thành những ngày hội hết sức ý nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

GD&TĐ - Truyền thông Singapore nhận định tiền đạo nhập tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Son là ‘hiểm hoạ’ đối với ‘Bầy sư tử’ tại bán kết ASEAN Cup 2024.