Hiệu quả từ hướng nghiệp: Không nên chọn nghề theo phong trào

GD&TĐ - Làm thế nào để lựa chọn nghề nghiệp tốt cho tương lai không chỉ là băn khoăn của học sinh mà cũng được phụ huynh quan tâm.

Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: Hồ Phương
Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: Hồ Phương

Bối rối giữa “rừng” thông tin

Thời điểm này, cùng với công tác ôn tập, nhiều trường học tại Hà Tĩnh đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Dù được tìm hiểu thông tin kỹ nhưng không ít em còn đắn đo, suy nghĩ trước ngưỡng cửa quan trọng cuộc đời.

Mong được học theo đúng sở trường nhưng có quá nhiều mã ngành để lựa chọn, Hồ Khánh Ly - Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Không chỉ tham gia các buổi tư vấn tại trường, em còn thường xuyên kết nối và hỏi anh chị đi trước để tìm hiểu thông tin các trường dự định theo học. Càng xem càng rối vì cùng một ngành nghề đào tạo nhưng có nhiều trường tuyển sinh. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới khiến em khá mơ hồ”.

Tương tự, Lê Văn Quốc - Trường THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên) học tốt các môn tự nhiên và dự định thi khối A vào trường quân sự hoặc ngành Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ các nguồn thông tin và được tư vấn hướng nghiệp, Quốc thấy hiện có nhiều ngành nghề “hot” như: Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Logistics…

“Đây là những mã ngành mới, có tiềm lực trong tương lai. Tuy nhiên, chỉ sau ít năm nữa, em không biết có còn phù hợp không? Quan điểm của em về việc chọn ngành nghề là phải có tính ổn định, phát triển, không bị hết thời”, Quốc băn khoăn.

Nỗi niềm này không chỉ của riêng các sĩ tử mà một số phụ huynh cứ đến mùa tuyển sinh là mất ăn, mất ngủ. Đã có không ít cuộc tranh cãi giữa cha mẹ và con cái trong việc chọn nghề, định hướng cho tương lai.

Chị Phan Thị Hằng (trú tại phường Nam Hà) có con gái học lớp 12. Từ đầu năm học, 2 mẹ con cùng lên mạng tìm hiểu thông tin các trường đại học, cao đẳng, phương thức xét tuyển trong toàn quốc. Tuy nhiên, theo chị càng tìm hiểu lại càng rối.

Hiệu quả từ hướng nghiệp: Không nên chọn nghề theo phong trào ảnh 1

“Nhiều ngành nghề mới sẽ có thêm lựa chọn, cơ hội nhưng chọn ngành nào phù hợp là chuyện khác. Không những thế, cách xét tuyển đại học quá nhiều như: Xét học bạ, điểm thi tốt nghiệp, điểm thi đánh giá năng lực, có khi xét thêm tiêu chí phụ, kèm theo chứng chỉ ngoại ngữ, có trường còn phỏng vấn riêng... Bản thân cũng áp lực vì sai một li, đi một dặm”, chị Hằng nói.

Gắn bó nhiều năm với công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, ThS Biện Văn Quyền - Phó Trưởng ban Quảng bá tuyển sinh, Trường Đại học Hà Tĩnh cho hay, đa phần học sinh lớp 12 đã quan tâm việc chọn ngành nghề để không bị thất nghiệp, chọn trường uy tín…

Tuy nhiên, trong quá trình chọn nghề, các em thường mắc một số sai lầm như chạy theo phong trào, ước mơ của người khác; không hiểu rõ năng lực bản thân; khả năng kinh tế gia đình; chưa phân biệt được ngành và nghề, không hiểu rõ ngành, trường mình dự định theo học. Những sai lầm trên khiến các em dễ nảy sinh chán nản sau thời gian theo học, phải bỏ nửa chừng.

Chính vì vậy, từ bây giờ, học sinh cần xác định rõ sở trường, năng lực và điều kiện kinh tế gia đình để chọn cho phù hợp. Cùng đó, sự định hướng ngành nghề từ phía nhà trường và gia đình cũng cần thiết.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trải nghiệm tham quan trường nghề. Ảnh: Hồ Phương

Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trải nghiệm tham quan trường nghề. Ảnh: Hồ Phương

Tỉnh táo khi chọn ngành

Nắm bắt tâm lý của học sinh và phụ huynh, thời gian qua các trường THPT tại Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp để học trò có thêm kiến thức về ngành nghề mình dự kiến theo học.

Mỗi tháng một lần, tại buổi chào cờ, Trường THPT Lê Quý Đôn (Thạch Hà) dành thời gian để nói về chủ đề hướng nghiệp cho học sinh. Trong các buổi tư vấn, nhà trường cùng chuyên gia giúp học sinh giải đáp nhiều thắc mắc về ngành, nghề nào đang “hot”, nên học nghề hay đại học, vì sao nhiều cử nhân thất nghiệp…

“Ngoài ra, mỗi giáo viên là một tư vấn viên hướng nghiệp thực sự hiệu quả cho học sinh. Qua công tác giảng dạy, thầy cô tìm hiểu nguyện vọng, năng lực, khối thi… mà học sinh quan tâm để kịp thời tư vấn, lựa chọn ngành, nghề phù hợp, tránh vì thiếu hiểu biết mà đăng ký ngành, nghề theo cảm tính, chạy theo đám đông”, thầy Lê Hồng Nhật - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ.

Từ đầu năm học, Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc) tổ chức lồng ghép tư vấn hướng nghiệp vào giờ sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm. Không chỉ lựa chọn chuyên gia đến từ các trường đại học, nhà trường còn chủ động mời một số trường nghề, công ty du học trao đổi thông tin, tư vấn cho học sinh trong các buổi chào cờ hoặc tư vấn trực tiếp.

“Việc chọn đúng ngành nghề là nền tảng đầu tiên giúp học sinh có được công việc tốt, phù hợp để xây dựng cuộc sống trong tương lai. Thời gian còn lại của năm học 2023 - 2024 không nhiều, vì vậy học sinh lớp 12 cần nghiên cứu để đưa ra cho mình sự lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất. Không nên nóng vội cũng như tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy”, thầy Nguyễn Văn Thuần - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc nhắn nhủ.

Không theo đuổi con đường vào đại học, lựa chọn làm thợ để thực hiện ước mơ khởi nghiệp là xu hướng khá phổ biến trong giới trẻ ở Hà Tĩnh hiện nay. Những năm gần đây, nhiều trường học tổ chức hướng nghiệp cho học sinh bằng cách tham quan trực tiếp tại các trường nghề trên địa bàn. Chuyến đi trực quan, giúp các em có thêm lựa chọn và hiểu rõ hơn ngành nghề dự định theo học.

Thầy Ngô Văn Vinh - Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) cho biết, việc tổ chức cho học sinh trải nghiệm tại trường nghề không đơn thuần là chuyến đi thực tế. Mà qua đây, nhà trường mong muốn học sinh định hướng lại nghề nghiệp, chuẩn bị cho mình hành trang cần thiết để thực hiện ước mơ.

Theo ThS Biện Văn Quyền - Phó Trưởng ban Quảng bá tuyển sinh, Trường Đại học Hà Tĩnh, nghề phù hợp là nghề bản thân phải yêu thích, đam mê, sẽ gắn bó suốt đời. Bên cạnh đó, các em cần tính bài toán kinh tế gia đình, nhu cầu xã hội… không nên chọn nghề theo phong trào, dễ lãng phí thời gian và tiền bạc.

Bởi ngành chỉ theo các em 4 năm đào tạo còn nghề theo cả cuộc đời. Đã có nhiều sinh viên sau khi học hết năm nhất đành bỏ cuộc vì cảm thấy mình không phù hợp ngành nghề đã chọn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu rõ gen z là gì Cách viết đơn xin việc chuyên nghiệp