Nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật về ATGT
Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Với quy mô trên 1,4 triệu cán bộ quản lí giáo viên và trên 23 triệu HSSV, chiếm 1/4 dân số, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác giáo dục ATGT, văn hóa giao thông trong các cơ sở giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-BGDĐT ngày 12/1/2016 phát động “Phong trào thi đua bảo đảm trật tự, ATGT giai đoạn 2016-2020” để chỉ đạo toàn thể cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giải pháp của phong trào thi đua đảm bảo trật tự ATGT trong ngành GD giai đoạn 2016-2020.
Mục đích của kế hoạch nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm và ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông cho toàn thể cán bộ, viên chức, PHHS và HSSV trong việc tự giác tuân thủ pháp luật về ATGT.
Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của tập thể, cá nhân trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT; nâng cao nhận thức, ý thức và thái độ khi tham gia giao thông trong HSSV, nhằm hạn chế HSSV vi phạm pháp luật về ATGT, góp phần giảm thiểu vi phạm ATGT, tai nạn, ùn tắc giao thông trong phạm vi cả nước.
Thi đua thực hiện bảo đảm trật tự, ATGT phải được phát động với những nội dung thiết thực, cụ thể phù hợp với tình hình đặc điểm của từng nhà trường; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT sâu rộng đến từng cán bộ, viên chức, phụ huynh HS và HSSV..
Nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả trong công tác phối hợp giữa nhà trường với các ban ngành, đoàn thể của địa phương trong triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT, xây dựng Văn hóa giao thông”.
Kịp thời biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT; nhắc nhở, giáo dục kịp thời những trường hợp HSSV vi phạm pháp luật về ATGT.
Hàng năm, Bộ GD&ĐT ban hành các Kế hoạch triển khai công tác giáo dục ATGT trong trường học và Công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong các dịp cao về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT, kĩ năng tham gia giao thông an toàn; văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông...
Lồng ghép giáo dục ATGT qua hoạt động trải nghiệm
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đưa giáo dục pháp luật về ATGT tích hợp vào các môn học chính khóa đối với giáo dục phổ thông và lồng ghép tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Sinh viên các trường ĐH, CĐ được phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT lồng ghép trong tuần sinh hoạt công dân HSSV đầu năm học.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban ATGTQG, Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và thẩm định bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” dành cho HS phổ thông; nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu “Kĩ năng tham gia giao thông an toàn” dành cho HS phổ thông.
Bộ GD&ĐT còn phối hợp tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa khác như Chương trình ATGT cho nụ cười ngày mai; Chương trình ATGT cho nụ cười trẻ thơ; Chương trình Tôi yêu Việt Nam; Cuộc thi Giao thông học đường; Dự án trao tặng mũ bảo hiểm cho HS lớp một, với chủ đề Giữ trọn ước mơ...
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ ra quân phát động HSSV nghiêm chỉ chấp hành pháp luật về ATGT vào đầu năm học mới; tổ chức Tuyên truyền pháp luật về ATGT, hướng dẫn kĩ năng lái xe mô tô an toàn cho khoảng trên 50.000 sinh viên tại các tỉnh phức tạp về ATGT của 3 khu vực trong cả nước.
Qua 5 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, ATGT giai đoạn 2016-2020, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV - Bộ GD&ĐT đã vinh dự được nhận giải thưởng của Hoàng tử xứ Kent (Prince Michael Award) về cống hiến và nỗ lực của trong sự nghiệp nâng cao công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ tại Việt Nam.
Ông Bùi Văn Linh thông thông tin thêm: Với vai trò là thành viên của Ban soạn thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật giao thông đường bộ 2008, Bộ GD&ĐT đã tích cực tham mưu nội dung, khảo sát báo cáo toàn quốc để cùng với Ban soạn thảo trình Quốc hội tại kì họp thứ 10 với nội dung quy định về hoạt động vận tải đưa đón HS bằng xe ô tô nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho HS khi tham gia dịch vụ này.
Theo thống kê hiện nay toàn quốc có gần 10.000 xe tham gia hoạt động này theo quản lí của nhà trường, trong đó có một bộ phận xe quá date, xe quá tải và xe tự chế gây nguy hiểm cho HS. Thực tế đã xảy ra những sự việc đau lòng, cảnh báo chúng ta những vấn đề, cần có quy định chặt chẽ hơn.