Hiệu quả từ đổi mới giảng dạy Sinh học theo phát triển năng lực

GD&TĐ - Ông Chu Bá Vinh -Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) - cho biết: Năm học 2014 - 2015, các môn khoa học tự nhiên nói chung, môn Sinh học nói riêng tại các trường THPT của Bắc Giang đã có nhiều đổi mới, tạo chuyển biến tích cực về mục tiêu dạy học và chất lượng.

Học sinh tổ chức thí nghiệm khoa học trong giờ Sinh học
Học sinh tổ chức thí nghiệm khoa học trong giờ Sinh học

Tự chủ về chương trình, kế hoạch dạy học

Theo ông Chu Bá Vinh, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không chỉ chủ động, linh hoạt xây dựng, thực hiện chương trình mà còn tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Với môn Sinh học, chương trình dạy học được xây dựng theo từng chương, từng chuyên đề hay từng mô đun.

Trên cơ sở khung phân phối chương trình của Sở GD&ĐT, hiệu trưởng các nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng chương trình chi tiết.

Phân phối chương trình chi tiết được từng giáo viên xây dựng cho từng lớp, phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng học sinh; đáp ứng chuẩn kiến thức kỹ năng và theo định hướng phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.

Phân phối chương trình chi tiết cũng phải thể hiện được các hình thức tổ chức dạy học, chuyển từ học chủ yếu trong lớp sang hình thức học tập đa dạng, chú trọng hoạt động thực hành, thí nghiệm và nghiên cứu khoa học.

Khắc phục hiện tượng “hành chính” trong dự giờ

Hàng loạt các giải pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học với môn Sinh học đã được Sở GD&ĐT Bắc Giang chỉ đạo các nhà trường triển khai.

Đầu tiên là đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của người học, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực.

Khắc phục, tiến tới chấm dứt lối truyền thụ một chiều, ghi nhớ máy móc. Việc rèn phương pháp tự học cho người học cũng được chú trọng, kèm theo tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức vào thực tế.

Các tổ chuyên môn Sinh học được yêu cầu đổi mới sinh hoạt chuyên môn thông qua nghiên cứu bài học.

Trong đó, yêu cầu giáo viên tập trung phân tích giờ dạy theo quan điểm phân tích hiệu quả hoạt động của học sinh; trên cơ sở đó đánh giá và điều chỉnh việc tổ chức dạy học của giáo viên.

Không chỉ chú trọng đổi mới quản lý, tổ chức dự giờ, rút kinh nghiệm giờ dạy môn Sinh học, theo yêu cầu của Sở GD&ĐT là không đánh giá, xếp loại giờ dạy đối với các tiết dạy áp dụng các kỹ thuật, phương pháp dạy học mới nếu giáo viên không có nhu cầu hoặc các tiết dạy không sử dụng để kiểm tra, đánh giá, xếp loại giáo viên.

Điều này nhằm khắc phục hiện tượng “hành chính” trong hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm của giáo viên.

Đồng thời, tạo cơ hội để giáo viên bộc lộ hết khả năng sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học cũng như đóng góp ý kiến cho đồng nghiệp thông qua việc dự giờ, rút kinh nghiệm giờ dạy.

Cũng như các môn học khác, giáo viên Sinh học được khuyến khích sử dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong thiết kế bài dạy và hỗ trợ giờ dạy.

Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giáo viên, học sinh thông qua việc tổ chức các hoạt động, các cuộc thi nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật; thi thí nghiệm thực hành và tự làm thiết bị dạy học…

“Cũng không thể không nói tới một nội dung quan trọng là đổi mới từng bước cách thức ra đề kiểm tra, đề thi môn Sinh học. Hướng đổi mới chúng tôi hướng tới là giảm dần yêu cầu học thuộc lòng, chú trọng yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, tăng dần các yêu cầu sáng tạo, các nội dung có liên quan đến các vấn đề trong thực tế thường xảy ra có liên quan trực tiếp đến môn học… nhằm đánh giá đúng chất lượng, năng lực và phẩm chất người học” - ông Chu Bá Vinh chia sẻ.

Sở GD&ĐT Bắc Giang chỉ đạo các nhà trường, giáo viên lưu ý kế hoạch dạy học và phân phối chương trình chi tiết các môn khoa học tự nhiên - trong đó có môn Sinh học - phải được tích hợp, lồng ghép các chủ đề mở, liên quan đến các vấn đề thường phát sinh trong cuộc sống như: Tâm lý tuổi học đường, Bảo vệ môi trường, An toàn thực phẩm, An toàn giao thông, Sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng...  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...
Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".