Hiệu quả từ dạy kỹ năng thích ứng với thiên tai cho HS miền núi

GD&TĐ - Giáo dục học sinh cách ứng phó với hiểm họa, thiên tai, biến đổi khí hậu là rất cần thiết, nhất là với học sinh dân tộc thiểu số. 

Hiệu quả từ dạy kỹ năng thích ứng với thiên tai cho HS miền núi

Tuy nhiên, để giảng dạy hiệu quả, bắt buộc phải cho các em thực hành, không dạy lý thuyết chung chung là những nỗ lực và tâm huyết của những thầy cô giáo vùng cao. 

Tình yêu thương và cái tâm làm nghề của các thầy cô, con đường đến trường của các em học sinh vùng cao sẽ bớt đi phần nào trắc trở và hiểm nguy.

Mỗi tuần một bài giảng

Chúng tôi tới Trường Tiểu học Lũng Luông (xã Thượng Nung, Võ Nhai, Thái Nguyên) khi cô và trò bản nghèo vùng cao đang say sưa học bài. Nơi đây có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống với 120 hộ dân, trên 600 nhân khẩu. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xóm chiếm trên 80%.

Do tập quán của người Mông thường cư trú ở trên núi cao nên đường vào Lũng Luông hết sức khó khăn, hiểm trở nên việc học hành của trẻ em nơi đây cũng vô cùng vất vả. Nhiều em học sinh phải đi bộ 5 - 7 km vượt qua những núi đá cheo leo mới có thể đến trường học.

Thầy Ma Văn Khanh - Phó Hiệu trưởng, người 8 năm gắn bó với ngôi trường này - cho biết: “Nằm ở những khu vực địa bàn miền núi với nhiều khó khăn và nguy cơ rủi ro thiên tai, một nỗi niềm trăn trở chung của các giáo viên nơi đây là làm thế nào để các em an toàn tới trường, nhất là khi mùa mưa lũ.

Vì thế, mỗi tuần Ban Giám hiệu triển khai tới từng giáo viên có một bài giảng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu trong trường học, lồng ghép với các tiết học hoặc các hoạt động ngoại khóa. 

Từ những em bé dân tộc thiểu số rụt rè, nhút nhát, các em đã có thể tự tin nói về các kiến thức môi trường, thảm họa thiên nhiên, cũng như biết cách phòng, chống thiên tai”.

Để con đường đến trường của các em học sinh vùng cao sẽ bớt đi phần nào trắc trở và hiểm nguy, cô giáo Nông Thị Nơi - Giáo viên dạy lớp 1A1 tâm sự: 

“Học sinh ở đây không được sự chăm sóc của bố mẹ, phải đi bộ đến trường với quãng đường khá xa, phải qua những khe suối, những mỏm đá tai mèo rất nguy hiểm. 

Vào mùa mưa lũ, có khi chỉ sau vài giờ mưa to, các con suối đã ngập đến thắt lưng người lớn. Đối với các em nhỏ, để đến trường học chữ luôn chứa đầy những hiểm họa, nguy cơ thiên tai xảy ra bất kể lúc nào.

Mỗi tháng ngoài việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trường có một tiết dạy phòng chống hiểm họa, thiên tai, lồng ghép vào các bài học như Tự nhiên xã hội, môn Tiếng Việt. 

Chẳng hạn dạy các bài học phòng tránh các vật sắc nhọn, phòng chống đuối nước, cho các con như đi qua các con suối, phòng chống cháy nổ, tổ chức các trò chơi, đóng những tiểu phẩm để tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng nhằm giúp các em phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai”.

Tạo sân chơi giúp các em hiểu hơn về biến động của tự nhiên

Nhằm nâng cao năng lực thích ứng, kỹ năng phòng tránh và giảm nhẹ khả năng bị tổn thương do tác động thiên tai cho đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Long (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã đưa dạy học tích hợp biến đổi khí hậu vào trong trường học. 

Là xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi đá vôi, khí hậu khắc nghiệt nên việc đi lại của học sinh và người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Thầy Hà Huy Hoàng - Phó Hiệu trưởng - cho biết: “Bên cạnh việc đưa nội dung phòng ngừa thiên tai vào các tiết dạy chính khóa như Địa lý, Khoa học Tự nhiên, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về nội dung này. 

Bằng việc đưa các chuyên đề như “An toàn giao thông”, các hoạt động thi vẽ tranh cho học sinh để giáo dục nhận thức và trách nhiệm trong việc phòng, chống thiên tai”.

Theo thầy Hoàng, qua những bức tranh học sinh vẽ, các em có thể nhận, đoán các loại hình thiên tai như bão, lụt, sạt lở đất, cháy rừng. Đồng thời, hình thành được phản xạ ứng phó với thiên tai, nhà trường tổ chức các buổi tập dượt tình huống, rèn luyện phản xạ ứng phó thiên tai để có thể tự xử lý tình huống bất ngờ xảy đến. 

Những thông điệp nho nhỏ nhưng cụ thể, bổ ích của từng trò chơi, từng câu chuyện, sẽ giúp các em có thể tự bảo vệ mình và phòng ngừa rủi ro thiên tai. Những buổi học ngoại khóa này rất phù hợp với đặc điểm và tâm lý tiếp nhận của học sinh dân tộc.

Em Lâm Anh Tuấn - Học sinh lớp 9A - cho biết: “Sau mỗi buổi sinh hoạt, hoạt động chuyên đề về phòng chống hiểm họa, thiên tai, biến đổi khí hậu, em thường về kể với gia đình và hàng xóm nhà em để mọi người cùng biết và sẽ có cách ứng phó với mưa lớn, lũ lụt và sạt lở đất. Chúng em mong muốn được sinh hoạt thêm về nhiều chủ đề bổ ích khác nữa”.

Dù còn rất nhiều khó khăn song với tình yêu thương và “cái tâm” làm nghề của các thầy cô con đường đến trường của các em học sinh vùng cao sẽ bớt đi phần nào trắc trở và hiểm nguy. 

Những con suối, những vạt rừng và quả đồi sạt lở vẫn còn đó nhưng nếu trang bị cho mình vốn hiểu biết và kiến thức hữu ích thì các em sẽ có thể chủ động phòng ngừa và ứng phó với nguy cơ có thể xảy ra thiên tai. Con đường đến trường vì thế cũng sẽ thuận lợi và an toàn hơn để giúp các em mang “cái chữ” về với bản.

Lấy ý tưởng từ những câu chuyện trong cuộc sống của các gia đình tại địa phương, những câu chuyện kể lồng ghép vào trong các tiết học, những trò chơi bổ ích và lý thú, các học trò ở trường học nơi lưng chừng núi đã được trang bị và nâng cao kiến thức về thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu nhằm giúp các em tự bảo vệ mình và phòng ngừa rủi ro thiên tai, nhất là vào mùa mưa lũ” - Thầy giáo Ma Văn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lũng Luông chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ