Phương pháp TAVI phù hợp với người bệnh hẹp van động mạch chủ lớn tuổi, thể trạng sức khỏe yếu và nhiều bệnh lý đi kèm. Phương pháp này giúp người bệnh giảm đau, hồi phục nhanh, hạn chế các biến chứng trong và sau khi thực hiện.
Tuy nhiên, mỗi người bệnh hẹp van động mạch chủ lại có các bệnh nền, cấu trúc và tổn thương van tim khác nhau. Do đó, để đạt hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh, cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa trong quá trình chẩn đoán và điều trị.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định – Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM), trước đây việc điều trị các bệnh lý tim mạch, trong đó có bệnh hẹp van động mạch chủ được phân theo các chuyên khoa, bác sĩ từng chuyên khoa phụ trách điều trị phù hợp với chuyên khoa của mình.
Hiện nay, với xu hướng lấy người bệnh làm trung tâm, các chuyên khoa như chẩn đoán hình ảnh, nội khoa, can thiệp nội mạch, phẫu thuật, gây mê hồi sức, điều dưỡng… có xu hướng phối hợp thành các đội nhóm tim mạch (Heart-team) trong chẩn đoán và điều trị nhằm đưa ra chỉ định điều trị hợp lý nhất cũng như hạn chế tối đa tai biến, biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh.
Các đội nhóm cùng theo dõi, phối hợp điều trị cho người bệnh từ khi được chẩn đoán, can thiệp cho đến khi xuất viện và cả quá trình theo dõi sau đó. Mỗi nhóm phụ trách phần chuyên môn riêng, nhưng đều có sự phối hợp một cách hài hòa, nhịp nhàng theo tình trạng, diễn tiến của người bệnh.
Trung tâm tim mạch BV ĐHYD TPHCM là một trong những Trung tâm đầu tiên tại Việt Nam thành lập các đội nhóm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch. Với mỗi trường hợp người bệnh, các y bác sĩ, nhân viên y tế thuộc đội nhóm điều trị từ nhiều chuyên khoa khác nhau cùng chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị nhằm cá thể hóa người bệnh.
Đối với việc điều trị hẹp van động mạch chủ bằng phương pháp TAVI, Trung tâm tim mạch BV ĐHYD TPHCM đã sớm tổ chức các đội nhóm tim mạch, thực hiện thành công phương pháp này cho hơn 20 trường hợp người bệnh với tỉ lệ tai biến, biến chứng rất thấp. Điều này phần nào cho thấy tính hiệu quả cũng như ưu thế của cách tổ chức đội nhóm nhằm đạt hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.
Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được trình bày tại Hội nghị khoa học trực tuyến với chủ đề “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay” do Trung tâm tim mạch BV ĐHYD TPHCM tổ chức ngày 2 – 4/10 và ngày 10/10.
Điển hình, BV ĐHYD TPHCM thực hiện thành công thủ thuật TAVI cho ông N.A.H. (80 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng).
GS.TS.BS Trương Quang Bình – Phó Giám đốc BV ĐHYD TPHCM, Giám đốc Trung tâm tim mạch chia sẻ, là BV kết hợp nhuần nhuyễn giữa điều trị, nghiên cứu và đào tạo, BV luôn cập nhật các phương pháp điều trị mới, phù hợp với xu hướng điều trị trên thế giới cả về kỹ thuật điều trị và tổ chức thực hiện.
Việc phối hợp đội nhóm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch, trong đó có điều trị hẹp van động mạch chủ bằng phương pháp TAVI là xu hướng chung của thế giới, hướng đến việc phối hợp chặt chẽ nhiều chuyên khoa trên cùng một người bệnh để đưa ra chỉ định phù hợp nhất, thực hiện thủ thuật an toàn nhất và hiệu quả cao nhất cho người bệnh.
Trong tương lai, Trung tâm tim mạch BV hướng tới tổ chức các đội nhóm điều trị nhiều loại bệnh khác nhau, vừa phát huy thế mạnh của từng chuyên khoa, vừa mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.
Ông H. nhập viện trong trình trạng đau ngực trái khi gắng sức kèm cảm giác xây xẩm, chóng mặt khi đi lại, có những cơn đau ngực khi ngủ về đêm (mỗi cơn kéo dài 1-2 phút, mức độ vừa). Khi các cơn đau ngực xuất hiện nhiều hơn, ông H. nhập viện tại BV ĐHYD TPHCM và được chẩn đoán hẹp van động mạch chủ nặng.
BSCKI. Vũ Hoàng Vũ – Trưởng khoa Tim mạch can thiệp BV ĐHYD TPHCM cho biết, sau khi được khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, người bệnh được chụp cắt lớp vi tính đa lát cắt (MSCT) dựng hình cây mạch máu và van động mạch chủ.
Sau đó, các chuyên gia trong đội nhóm điều trị đã cùng hội chẩn, dự kiến các vấn đề về kỹ thuật có thể xảy ra và chuẩn bị đầy đủ các ê-kíp hỗ trợ kịp thời. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định thay van động mạch chủ qua ống thông cho người bệnh.
Ngày 18/8, ê-kíp gây mê - hồi sức thực hiện gây tê vùng bẹn 2 bên, sau đó ê-kíp can thiệp và phẫu thuật cùng phối hợp thực hiện thủ thuật cho người bệnh, đảm bảo quá trình can thiệp diễn ra thuận lợi. Sau can thiệp, người bệnh hết chóng mặt, đau ngực và khó thở. Sau 1 ngày, người bệnh có thể đi lại, ăn uống và sinh hoạt bình thường. 5 ngày sau, người bệnh xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.