Trung tâm Tim mạch Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM nhận chứng nhận “Trung tâm Xuất sắc”

GD&TĐ - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) đã nhận chứng nhận “Center of Excellence - Trung tâm Xuất sắc” về 3 kỹ thuật là Đo phân suất dự trữ vành (FFR) trong chẩn đoán – đánh giá bệnh động mạch vành do Crossroads - Mạng lưới Đào tạo Tim mạch Abbott, kỹ thuật siêu âm trong động mạch vành và dùng mũi khoan kim cương Rotablator trong can thiệp các sang thương khó do Boston Sciencific trao tặng.

Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD nhận chứng nhận "Trung tâm Xuất sắc" (Ảnh: BVCC)
Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD nhận chứng nhận "Trung tâm Xuất sắc" (Ảnh: BVCC)

Đây là những kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, đánh giá và điều trị can thiệp bệnh lý động mạch vành. BV ĐHYD là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được nhận chứng chỉ đào tạo những kỹ thuật tiên tiến này.

Về Đo phân suất dự trữ vành (FFR), Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD đã triển khai kỹ thuật thường xuyên trong hơn 2 năm qua. Đây là kỹ thuật tiên tiến tạo ra cơ sở cụ thể, rõ ràng và chính xác giúp bác sĩ đưa ra chỉ định điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch hay nội khoa đối với người bệnh có hình ảnh chụp mạch vành có mức độ hẹp từ 50 – 70%. Động mạch vành là mạch máu nuôi tim, nếu mạch vành bị hẹp ở một mức độ nhất định sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim.

Thông thường đối với bệnh lý hẹp mạch vành, các bác sĩ dùng phương pháp Chụp mạch vành chọn lọc với chất cản quang để phát hiện chỗ hẹp mạch và mức độ hẹp lòng mạch. Mạch máu bị hẹp dưới 50% là hẹp nhẹ, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc. Mạch bị hẹp trên 70% là hẹp nặng và chắc chắn gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim, người bệnh cần thiết được can thiệp nong mạch trong trường hợp này.

Tuy nhiên, đối với người bệnh bị hẹp mạch mức độ trung bình (từ 50 -70% khẩu kính lòng động mạch), các bác sĩ cần thực hiện thêm kỹ thuật FFR để tính chính xác lưu lượng, áp lực máu sau chỗ hẹp, từ đó biết được tình trạng hẹp mạch này có gây thiếu máu nuôi cơ tim sau chỗ hẹp hay không.

Nếu chỗ hẹp mạch gây ra thiếu máu đáng kể, người bệnh sẽ được chỉ định can thiệp nong mạch. Nếu chỗ hẹp không gây ra thiếu máu, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc mà không cần thực hiện thủ thuật.

PGS TS BS. Trương Quang Bình cùng ê kíp đang thực hiện can thiệp mạch. (Ảnh: BVCC)
 PGS TS BS. Trương Quang Bình cùng ê kíp đang thực hiện can thiệp mạch. (Ảnh: BVCC)

Kỹ thuật FFR là một kỹ thuật tiên tiến, được tiến hành nhanh chóng, cùng lúc khi thực hiện kỹ thuật DSA nên tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh do tránh được việc đặt stent không cần thiết...

Vừa qua, BV ĐHYD đã tiếp nhận trường hợp người bệnh N.T.B. (70 tuổi, ngụ Nha Trang, Khánh Hòa) có tiền sử cao huyết áp và đái tháo đường nhiều năm. Bác B. đến khám tại bệnh viện địa phương với những triệu chứng thường xuyên có những cơn đau ngực trái khi gắng sức, mỗi cơn kéo dài khoảng 10 phút, cơn đau giảm khi nghỉ ngơi.

Người bệnh được chuyển đến BV ĐHYD để khảo sát động mạch vành. Kết quả chụp mạch vành và siêu âm nội mạch cho thấy một nhánh động mạch liên thất trước bị hẹp khoảng 60%. Đây là trường hợp hẹp động mạch vành mức độ trung bình. Do đó, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD đã tiến hành đo phân suất dự trữ vành cho người bệnh. Kết quả cho thấy chỉ số FFR của người bệnh là 0.72 (dưới ngưỡng 0.75) nên chắc chắn có tình trạng thiếu máu cơ tim.

Các bác sĩ đã quyết định can thiệp nong mạch và đặt stent cho người bệnh N.T.B. Nếu không được đo chỉ số FFR, người bệnh có thể không được điều trị tình trạng thiếu máu cơ tim, lâu ngày sẽ dần đến suy tim và nguy cơ tử vong. Sau cuộc can thiệp, người bệnh hoàn toàn hết đau ngực và trở lại sinh hoạt bình thường.

Theo PGS TS BS. Trương Quang Bình – Phó Giám đốc BV ĐHYD, Giám đốc Trung tâm tim mạch, việc nhận được chứng nhận “Trung tâm Xuất sắc” về kỹ thuật Đo phân suất dự trữ vành (FFR) từ Viện nghiên cứu Crossroads; siêu âm trong lòng mạch và khoan cắt mảng xơ vữa bằng dụng cụ (ROVUS) từ Viện nghiên cứu Boston Scientific đã chứng minh năng lực của đội ngũ bác sĩ Trung tâm tim mạch BV ĐHYD trong lĩnh vực Can thiệp tim mạch nói riêng và Tim mạch học nói chung, nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.

Sự ghi nhận này cũng là động lực để Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD tiếp tục hoàn thiện và phát huy năng lực nghiên cứu, đào tạo, trở thành trung tâm huấn luyện uy tín, chất lượng cho các bác sĩ tim mạch trong nước và khu vực.

Trung tâm xuất sắc (Center of Excellence) là một mô hình tổ chức nhằm tạo ra những đơn vị hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới ở trình độ cao. Việc thiết lập các trung tâm xuất sắc là một trong những cơ chế rất quan trọng thúc đẩy hoạt động đào tạo nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Viện nghiên cứu Crossroads, có trụ sở tại Brussel - Bỉ, là viện nghiên cứu y học đầu tiên trên thế giới được thành lập để thúc đẩy trao đổi thông tin y khoa, giúp các chuyên gia cải thiện chất lượng điều trị,chăm sóc người bệnh tim mạch và mạch máu.

Từ khi thành lập vào năm 2000 đến nay, Viện đã cung cấp các khóa đào tạo về điều trị mạch máu xâm lấn tối thiểu cũng như các phương pháp điều trị tim mạch, mạch máu tiên tiến cho hơn 600 chuyên gia y tế trên khắp thế giới.

Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD cũng đã tiếp nhận bảng vàng “Trung tâm xuất sắc” về Siêu âm trong động mạch vành và khoan cắt mảng xơ vữa bằng dụng cụ (ROVUS) từ Viện nghiên cứu Boston Scientific, Hoa Kỳ.

Chương trình ROVUS là chương trình đào tạo cho các bác sĩ tim mạch can thiệp toàn thế giới về siêu âm trong lòng mạch và khoan cắt mảng xơ vữa bằng dụng  cụ. Từ 2 năm nay, Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD đã trở thành Trung tâm đào tạo ROVUS cho các bác sĩ tim mạch can thiệp của nhiều bệnh viện khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.