Hà Nội và điểm sáng trong công tác quản lý đê điều
TP Hà Nội luôn coi công tác quản lý, bảo vệ đê điều, quản lý sử dụng lòng sông, bãi sông là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bởi Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước về thực hiện việc xây dựng tuyến đê kiểu mẫu.
Theo thống kê, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có các sông lớn chảy qua như: sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi, sông Cầu và sông Cà Lồ. Do đó, để bảo đảm an toàn cho Thủ đô trong mùa mưa lũ, một hệ thống đê dài hơn 626km được đầu tư xây dựng dọc theo các con sông.
Trong đó, hệ thống đê từ cấp II đến cấp đặc biệt được xây dựng dọc theo ba con sông lớn là sông Hồng, sông Đà, sông Đuống với tổng chiều dài 231km. Ngoài ra còn có hơn 72 km đê cấp III (gồm đê Hữu Cầu, tả Cà Lồ, hữu Cà Lồ, hữu Đáy, Quang Lãng, Liên Trung, Tiên Tân); 160 km đê cấp IV (gồm đê hữu Đáy, tả Tích, tả Bùi, hữu Bùi, Mỹ Hà, Khánh Minh, Vòng Ấm, Đô Tân) và 62 km đê cấp V (gồm các tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng). Cùng 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài 132,84 km.
Để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê, những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của T.Ư và địa phương, nhiều tuyến đê xung yếu trên địa bàn thành phố được duy tu, sửa chữa mặt đê và xây dựng đường hành lang để phục vụ công tác phòng, chống lụt bão. Đến nay, trên các tuyến đê đã có 151 đoạn được kè lát mái hộ bờ và kè mỏ hàn với tổng chiều dài gần 180 km. Nhiều tuyến đê còn được gia cố chắc chắn biến mặt đê thành đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, góp phần giảm ách tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ…
TP cũng chỉ đạo các cấp, các ngành đánh giá, cập nhật đầy đủ các rủi ro thiên tai tại địa phương, khu dân cư; nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai, áp dụng công nghệ tiên tiến kết hợp với nâng cao năng lực phòng chống của cộng đồng, đẩy mạnh biện pháp phi công trình. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, phát huy nội lực và nâng cao vai trò chủ thể của người dân trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư, xây dựng và quản lý khai thác hiệu quả các công trình phòng chống thiên tai.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, công tác bảo vệ an toàn tuyến đê của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng cần được đặc biệt quan tâm. TP Hà Nội cần tổ chức rà soát, xây dựng phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, bảo đảm phù hợp với quy hoạch 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016. Trong đó, xác định cụ thể phương án quản lý, sử dụng đất bãi sông, đất dành cho phát triển hệ thống đê điều để tổ chức hoạt động liên quan đến đê điều theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn thoát lũ; đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Về lâu dài, thành phố cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều tới các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đa dạng về cách làm
Điểm nổi bật trong công tác củng cố đê điều trên địa bàn TP thời gian qua đó là việc thể chế hóa các văn bản chỉ đạo của TP đi vào cuộc sống. Cùng với đó, cơ quan chuyên quản về lĩnh vực này đã xây dựng các chương trình công tác, phối hợp với cơ quan liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tập huấn, tuyên truyền rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai; theo dõi, cập nhật, tổng hợp đầy đủ số liệu và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có nhiều cách làm mới để nâng cao hơn nữa công tác quản lý đê điều hiệu quả. Có thể kể đến phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” phối hợp cùng Tổng cục Phòng chống Thiên tai đạt nhiều kết quả khả quan. Có thể kể đến Tuyến đê hữu Hồng, đoạn qua phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) trước kia tình trạng người dân sống ở ven đê đặt chậu cây cảnh, trồng rau màu, đổ rác thải trên mái đê diễn ra phổ biến, gây mất an toàn đê, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.
Trước tình hình đó, UBND quận Hoàng Mai đã chủ động bố trí kinh phí để cải tạo, chỉnh trang mái đê, đường hành lang chân đê, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, thay đổi bộ mặt của đoạn đê. UBND phường, Hạt Quản lý đê, Hội Cựu chiến binh cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về đê điều. Sau khi mái đê, đường hành lang đê được chỉnh trang, cảnh quan đô thị như được thay mới, ý thức của các hộ dân ven đê được nâng cao, các hành vi vi phạm không còn tái diễn, thậm chí các hộ dân ven đê cùng với Hội Cựu chiến binh đã tự nguyện bỏ công sức tổ chức chăm sóc, bảo vệ hoa, cỏ mái đê, nhờ đó cảnh quan xanh, sạch đẹp luôn được duy trì.
Không chỉ dừng lại ở những phong trào, mục tiêu trong công tác quản lý đê điều cũng được xác định rõ là nâng cao năng lực, chủ động phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Công trình phòng, chống thiên tai được quy hoạch, đầu tư nâng cấp đồng bộ, đa mục tiêu nhằm đáp ứng công tác phòng, chống thiên tai, tạo điều kiện cho phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng – an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai trên địa bàn Thủ đô.
Thực tế thời gian qua cho thấy, những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai ở Hà Nội là kết quả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó trực tiếp là cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội. Những chuyển biến tích cực đó đã không chỉ giúp bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân và còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội.
------
Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.