Cô giáo lựa chọn về với bản làng vùng cao
Gần 15 năm theo nghề giáo, thì cũng ngần ấy năm cô giáo Ngọc Trâm tâm niệm cho mình một lẽ sống và làm việc: "Hiểu mình để yêu nghề, yêu trường và yêu học trò nhiều hơn".
Xuất thân trong một gia đình có mẹ là Nhà giáo ưu tú nên có lẽ ngay từ nhỏ tình yêu nghề giáo đã thấm trong Bùi Vũ Ngọc Trâm. Để rồi đứng trước nhiều lựa chọn tốt hơn cô vẫn chọn cho mình con đường về với học sinh bản làng vùng cao, về với học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Yên Bình.
Những tháng ngày mới ra trường, về với học sinh vùng cao, cảm xúc lắng đọng trong cô chưa bao giờ phai nhạt. Vẻ đẹp đẽ và thiêng liêng của nghĩa cô trò chính là sợi dây xuyên suốt gắn kết cô với bao lớp thế hệ học trò nơi đây.
"Những năm tháng trước, giáo dục vùng cao rất khó khăn. Nhưng với tôi, từ ngày ra trường cho tới tận hôm nay, tôi vẫn luôn có một tình yêu rất lớn với mảnh đất và ngôi trường nơi này.
Tôi nhớ những tháng ngày mưa bão khi đến trường, nhận được sự quan tâm của đồng nghiệp, yêu thương của học sinh hay đơn giản là sự động viên của phụ huynh bằng những nắm cơm, gói mì trao vội, tôi đã được tiếp thêm nghị lực để bám bản, bám trường... Chỉ nghĩ và nhớ lại thôi đã thấy ăm ắp những yêu thương và hạnh phúc", cô Trâm nói.
Chính bởi tình yêu đã trao gửi nơi mảnh đất còn nhiều khó khăn và thiếu thốn với phần lớn học sinh là người dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, nên sau mỗi giờ lên lớp giảng dạy, cô Trâm luôn trăn trở làm cách nào để thu hẹp khoảng cách giáo dục, cách thức tiếp cận các phương pháp học tập mới mẻ, hiện đại của thời đại số hôm nay đến học sinh của mình.
Nghĩ là làm, sau mỗi giờ giảng, cô tranh thủ tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp học tập hiện đại, tìm hiểu những cách thức trong tư duy và kỹ năng học nhóm để hướng dẫn cho học trò. Sau khoảng thời gian chưa đầy 4 năm, chất lượng học tập của học sinh lớp cô phụ trách nói riêng, toàn trường nói chung đã có những chuyển biến rất tích cực, tỉ lệ học sinh khá, giỏi tăng nhanh.
Ngoài ra phong trào trường học hạnh phúc, học trò hạnh phúc, lớp học hạnh phúc nơi đây cũng lan tỏa một cách nhanh chóng ra toàn huyện từ các buổi chuyên đề, chia sẻ mà cô Trâm cùng học sinh của mình thực hiện.
Cô Trâm chia sẻ: "Hiện tượng trẻ hay mê chơi game, thích sử dụng điện thoại, thích chơi mạng xã hội hơn thích học... là có thật. Đa số phụ huynh nhìn nhận đây là việc xấu, tỏ ra lo lắng và tìm mọi cách ngăn cản, nghiêm cấm... Tuy nhiên, bản thân tôi lại thấy được một góc nhìn mới về con trẻ.
Tôi nhìn tích cực theo góc nhìn của con trẻ, biến điều các em thích trở thành một thế mạnh trong học tập. Cụ thể biến mạng xã hội, Youtube, Facebook, Tiktok,… trở thành nơi để con trẻ sáng tạo trong học tập như tạo các video trả bài đăng trên các trang mạng và tính điểm cộng thi đua trên cở sở lượt người xem video đó".
Để có 1 video hay nhiều người xem, rõ ràng học sinh sẽ phải mất thời gian chăm chút, chỉnh sửa cho thật chu đáo. Vậy khi ấy, thời gian cho những trò game chưa kiểm định sẽ ít đi và dần được thay thế bằng sự sáng tạo khác.
Các em rõ ràng là thấm vào không gian "chơi mà học, học như chơi" một cách tự nhiên. Việc của giáo viên là liên tục trao đi thật nhiều “Động lực thúc đẩy” cho học sinh của mình sáng tạo và học tập.
Lan tỏa tinh thần học tập trên vùng đất khó
Với tinh thần khám phá, tìm tòi những điều mới mẻ trong phương pháp sư phạm, kỹ năng giao tiếp, chỉ trong vòng 5 năm, cô giáo Trâm đã lan tỏa được tinh thần và năng lượng tích cực đến cho nhiều đồng nghiệp, ngôi trường khác thông qua các buổi chuyên đề được cô chia sẻ.
Th.s Bùi Vũ Ngọc Trâm hiện là nhà giáo dục sáng tạo của Microsoft trong cộng đồng giáo viên sáng tạo toàn cầu. Cô là giáo viên giỏi, là gương mặt khá nổi bật tại huyện Yên Bình.
"Tôi hiểu rằng sứ mệnh của mỗi người thầy là phụng sự cho con đường giáo dục mà mình đã chọn, cũng như hàng triệu giáo viên Việt Nam đã chọn. Người thầy xưa được ví như người lái đò đưa trò qua sông.Còn người thầy bây giờ là người dạy cho trò, truyền cho trò cách để lái một con thuyền.
Chính học trò sẽ là người thuyền trưởng lái con đò cuộc đời của mình qua sông. Để thực hiện tốt con đường của mình, học sinh cần được trang bị, tiếp cận những phương thức giáo dục hiện đại cùng kho tri thức vô tận ngoài kia. Đây chính là yêu cầu khiến tôi phải luôn tìm tòi những điều mới mẻ trong giảng dạy", cô Trâm chia sẻ.
Từ đầu năm học 2021-2022, Th.s Bùi Vũ Ngọc Trâm đã chia sẻ với thầy cô trong tỉnh và các tỉnh bạn như Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, TP.HCM... rất nhiều về phương pháp giảng dạy do mình nghiên cứu thông qua chuyên đề: “Ứng dụng phương pháp và công cụ dạy học hiện đại trong nhà trường" từ trực tiếp đến online.
Cô cũng nhận lời mời chia sẻ cho các trường THPT, Phòng giáo dục trong và ngoài tỉnh, kể cả phụ huynh có mong muốn đồng hành cùng con tìm ra phương pháp học tập hiệu quả nhẹ nhàng thông qua khóa học online “Làm sao để con thích học".
Đặc biệt hơn, cô Trâm đã mở được 3 khóa học 0 đồng cho học sinh online về phương pháp học tập mới với tên gọi "Bí quyết giúp trẻ thích học, biết cách học, khỏi cực nhọc".
Mong muốn lớn nhất của cô giáo Trâm sau những buổi chuyên đề là chia sẻ đến phụ huynh, học sinh thông điệp tích cực, cũng như hướng dẫn cách thức chuyển phương pháp học tập truyền thống sang hiện đại một cách nhẹ nhàng dễ áp dụng, dễ triển khai nhất để các em thích học, biết cách học; Thầy, cô giáo yêu nghề, say sưa tâm huyết với các phương pháp dạy học tích cực, để phát huy được hết năng lực và phẩm chất người học, đáp ứng được yêu cầu về đổi mới giáo dục.