Hiểu đúng về nới lỏng

GD&TĐ - Cần phải hiểu nới lỏng tức là điều chỉnh biện pháp chống dịch sao cho hợp lý nhưng vẫn kiểm soát được dịch chứ không phải xóa bỏ tất cả các biện pháp chống dịch.

Nhìn cảnh chen chúc với hàng nghìn xe máy gây kẹt đường ở nhiều tuyến phố của Hà Nội hôm Trung thu 21/9, không ai nghĩ rằng Thủ đô đã và đang trải qua những ngày dịch dã mà cứ tưởng, hình ảnh này có cách đây vài năm, lúc dịch Covid-19 chưa xuất hiện trên đất nước ta.

Rất thông cảm và chia sẻ với người dân Thủ đô sau nhiều ngày bị phong tỏa khi chính quyền thành phố Hà Nội buộc phải áp dụng Chỉ thị 16. Bức bí, ngột ngạt là điều mà tất cả mọi người đã phải nếm trải thời gian qua, nên ai cũng mong cảm giác ấy chóng qua.

Dịch vẫn còn, các ca F0 vẫn xuất hiện hàng ngày, song chính quyền thành phố Hà Nội không áp dụng các biện pháp cứng nhắc như trước đây nữa mà nới lỏng dần để người dân bớt bức xúc, doanh nghiệp có cơ hội để phục hồi sản xuất, khắc phục tình trạng chuỗi cung ứng hàng hóa đã và đang có nguy cơ đứt gãy hoàn toàn.

Cần phải hiểu nới lỏng tức là điều chỉnh biện pháp chống dịch sao cho hợp lý nhưng vẫn kiểm soát được dịch chứ không phải xóa bỏ tất cả các biện pháp chống dịch.

Điều đáng tiếc là nhiều người không hiểu hoặc cố tình hiểu sai khái niệm giãn cách này. Vậy nên mới có chuyện hàng nghìn người chở theo vợ, con, bạn bè đổ ra đường đón Tết Trung thu.

Chỉ cần trong đám người ấy xuất hiện một vài ca F0 là coi như bao nhiêu công sức chống dịch hàng tháng trời vừa qua của Thủ đô đều đổ sông đổ biển. Với biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 thì việc xuất hiện các F0 như thể từ trên trời rơi xuống là hoàn toàn có thể xảy ra.

Cách đây không lâu, việc xả cổng nhân đợt nghỉ lễ 30/4 và mùng 1/5 để cả nước phải lãnh một trận “đại hồng thủy” về Covid-19 suốt ba - bốn tháng qua như thế nào thì mọi người đã biết.

Nhưng dạo ấy, chúng ta còn kiểm soát tốt dịch Covid-19, ấy thế mà chỉ cần sơ sểnh một chút là cả TPHCM và các tỉnh phía Nam như chìm trong khủng hoảng với hàng chục nghìn người mắc Covid-19 mỗi ngày, hàng trăm người ra đi trong thương xót khi không có người thân bên cạnh.

Tất cả cảnh tượng ấy đã được các phương tiện truyền thông cảnh báo hàng ngày, hẳn ai cũng biết điều đó. Những tưởng, cảnh tang tóc mà cả nước đã và đang trải qua ấy đủ để làm cho nhiều người phải cảnh giác và biết sợ, thế nhưng những gì diễn ra ở Hà Nội trong đêm Trung thu thì trái ngược hoàn toàn.

Không đưa con đi chơi trong đêm Trung thu thì chúng cũng không vì thế mà bị tổn thương đến thân thể hoặc tâm hồn các cháu. Nhưng đi chơi trong tình trạng có dịch như thế, hậu quả sẽ rất khó lường. Có nên đi chơi như thế không? Mỗi người nên tự trả lời câu hỏi này để có cách ứng xử tốt nhất nếu có một sự kiện nào đó diễn ra tiếp theo.

Mặc dù vẫn còn xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng nhưng nhiều tỉnh vừa hạ mức phòng dịch từ Chỉ thị 16 xuống còn 15. Cảm giác của nhiều người như vừa được tháo cổng khi không phải chịu cảnh giãn cách cứng nhắc như trước nữa.

Tuy nhiên, nếu mỗi người không ý thức và tự giác chấp hành tốt các quy định về giãn cách thì rất khó để nói lời chia tay với dịch Covid.

Hiểu đúng về “nới lỏng” cũng có nghĩa là góp phần chống dịch vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.