Hiểu đúng để giảm áp lực trước mùa thi

GD&TĐ - Cần hiểu đúng để có hướng dạy học, ôn tập hiệu quả và giảm áp lực trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT và một số kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy...

Cô Trần Thị Mai Phương hướng dẫn học sinh Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) ôn tập.
Cô Trần Thị Mai Phương hướng dẫn học sinh Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) ôn tập.

Không phải chăm “luyện lò” là thi tốt

Cô Nguyễn Thị Hải, Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên) cho biết, lớp 12 mình chủ nhiệm có nhiều học sinh ôn luyện ở ngoài. Học sinh các lớp ban Khoa học tự nhiên thường “luyện lò” nhiều hơn để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy.

“Hiện, thầy cô chủ nhiệm và GV dạy khối 12 đang tư vấn, định hướng, giúp học sinh hiểu hơn về các kỳ thi này; chia sẻ đề thi các năm trước, hoặc đề minh hoạ để học sinh tự ôn tập. Thầy cô cũng định hướng thời gian biểu hợp lý cho các môn học, khuyên học trò dành thời gian tự học nhiều hơn là ôn luyện ở ngoài; trao đổi cùng phụ huynh đôn đốc trò. Các buổi sinh hoạt, học sinh được tham luận về phương pháp học hiệu quả”, cô Nguyễn Thị Hải chia sẻ.

Lớp của cô Trần Thị Mai Phương, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) chủ nhiệm cũng có khá nhiều HS đăng ký tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Theo cô Phương, kỳ thi đánh giá năng lực có nhiều ưu điểm, như độ rộng, bao quát của kiến thức, tăng cường khả năng vận dụng, cũng như tạo nhiều cơ hội cho học sinh được xét tuyển vào trường ĐH như ý… Tuy vậy, cô cũng thừa nhận, trên thực tế, trước khi trải qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ phải kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ; tham gia kỳ thi khảo sát chất lượng do nhà trường và sở GD&ĐT tổ chức. Cùng với đó, một số em là thành viên dự kỳ thi tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh, trường và đăng ký tham gia kỳ thi riêng như thi đánh giá năng lực, tư duy, thi chứng chỉ IELTS… Điều này, khiến thầy trò đều căng thẳng, gặp không ít áp lực.

Tại Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ), cô Lê Thị Diệu Linh cho biết: Theo kết quả khảo sát, đăng ký nguyện vọng của học sinh lớp 12, số đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy dao động từ 10 - 15 em, tăng so với năm trước. Thầy, trò nhà trường xác định, ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT là chuẩn bị kiến thức nền tảng, toàn diện cho học sinh khi tham gia kỳ thi đánh giá năng lực.

Qua các năm, nhà trường có sự chuẩn bị, tiếp cận với kỳ thi riêng, như: Tiến hành khảo sát, đánh giá, phân hóa theo năng lực, nguyện vọng của học sinh phân công giáo viên có kinh nghiệm ôn tập; hướng dẫn học sinh tiếp cận, làm quen với kỳ thi đánh giá năng lực. Từ đó, học sinh không bỡ ngỡ, lúng túng với kỳ thi.

“Tuy nhiên, kỳ thi đánh giá năng lực có những yêu cầu, cấu trúc riêng và tính phân hóa, độ khó hơn nên ở góc độ nào đó cũng gây áp lực cho thầy trò. Đặc biệt, việc tập trung tham gia ôn tập của học sinh Trường THPT Tân Sơn còn hạn chế về thời gian, phương tiện; tự giác ôn tập theo nhiều hình thức chưa hiệu quả. Phía thầy cô, phần lớn dành nhiều thời gian hướng dẫn kèm cặp học sinh trực tiếp trên lớp; số học sinh qua các năm tham gia kỳ thi đánh giá năng lực còn ít, nên đầu tư sâu vào dạng đề thi chưa thường xuyên”, cô Lê Thị Diệu Linh chia sẻ.

Trước lo lắng của thầy và trò, PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Ngày 17/1, đơn vị đã công bố mức độ đánh giá tư duy, dạng câu hỏi và các ví dụ minh họa của bài thi đánh giá tư duy 2023. Kiến thức trong đề nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mà thí sinh đã học trong nhà trường.

Do đó, chỉ cần nắm chắc kiến thức trong chương trình, thí sinh có thể làm được bài. Đánh giá tư duy không tập trung kiểm tra kiến thức nên không đòi hỏi thí sinh dành thời gian ôn luyện nhiều, bởi rèn luyện tư duy được hình thành trong suốt quá trình học. Tuy nhiên, các em cũng cần làm quen với dạng thức các đề thi (đã công bố). Cũng xin lưu ý thêm, ĐH Bách khoa Hà Nội không tổ chức bất kỳ một lớp ôn tập, luyện thi nào.

Trường ĐH Sư phạm cũng đã công bố đề thi minh họa để thí sinh tham khảo. Nội dung các bài thi đánh giá năng lực tương ứng, phù hợp với nội dung môn học, môn thi cấp THPT mà học sinh đã quen thuộc.

Đồng hành, hỗ trợ người học

Năm nay, Trường THPT Nam Đàn 1 (Nam Đàn, Nghệ An) có 2 lớp 12A1,12D1 gồm những học sinh thuộc tốp đầu của trường. Qua khảo sát, mỗi lớp có 10 - 15 học sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Cô Hiệu trưởng Trịnh Thị Diệu Thúy cho biết: Thầy cô luôn đồng hành, hướng dẫn cùng học sinh tìm tài liệu cập nhật để ôn thi.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Năm nay, các trường triển khai sớm và tổ chức nhiều đợt, tạo điều kiện dự thi cho học sinh. Việc ôn tập để có kiến thức tham gia là cả quá trình, học sinh đã chuẩn bị từ 2 năm nay. Thầy cô chỉ hướng dẫn để các em tập trung, tự học, tự tìm tòi. Đối với kỳ thi đánh giá năng lực, ban chuyên môn của sở GD&ĐT có hướng dẫn, triển khai để giáo viên lồng ghép vào chủ đề trong quá trình giảng dạy và hệ thống các câu hỏi ôn tập, giúp học sinh tự tin và tiếp cận, rèn luyện, tham gia.

Cô Trần Thị Mai Phương, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) thì cho rằng: Các kỳ thi riêng có nội dung thông tin kiến thức rộng, ở nhiều lĩnh vực, kết hợp cả chương trình, SGK và thông tin thực tiễn. Để hỗ trợ học sinh hiệu quả đòi hỏi giáo viên liên tục cập nhật, thay đổi phương pháp dạy, tiếp cận xu hướng mới, bám sát yêu cầu ra đề của kỳ thi. Cập nhật kịp thời đề thi minh họa của các trường, cũng như tham khảo đề thi năm học trước để xây dựng chủ đề chắt lọc kiến thức ôn tập cho các em.

“Nhà trường dù không tổ chức ôn tập cho học sinh thi đánh giá năng lực nhưng giáo viên luôn tìm cách để hỗ trợ tối đa cho trò khi tham gia các kỳ thi này. Tôi thường xuyên cung cấp thông tin về kỳ thi, mẫu đề tham khảo, lồng ghép trong môn học cũng như đề đạt với giáo viên dạy các môn liên quan để hướng dẫn học sinh cách trả lời câu hỏi, tăng cường kiến thức thực tiễn. Ngoài ra, còn tổ các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm với hệ thống câu hỏi tư duy tương tự cấu trúc đề thi...”, cô Trần Thị Mai Phương chia sẻ.

Tại Phú Thọ, Trường THPT Tân Sơn đã phân công giáo viên có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn tốt, nhiệt tình phụ trách các lớp có học sinh đăng ký tham gia kỳ thi riêng. Dạy trên lớp, giáo viên đều trang bị cho học sinh đầy đủ kiến thức nền tảng cơ bản, toàn diện, nắm vững chương trình phổ thông. Giáo viên trong nhóm chuyên môn, liên môn tham gia sưu tầm, tìm hiểu kỹ về cấu trúc, hình thức, phạm vi, mức độ để xây dựng hệ thống câu hỏi ôn tập phù hợp, hiệu quả cho học sinh.

Thầy cô cũng chủ động nắm bắt, cập nhật các thông tin mới nhất từ Bộ GD&ĐT, trường ĐH về lịch thi, thời gian thi, các môn thi, phương thức thi, đề tham khảo để kịp thời tư vấn định hướng cho học sinh trong ôn tập và lựa chọn trường thi phù hợp. Với nhóm học sinh có ý thức tự giác, chủ động học tập, giáo viên thành lập các nhóm học trên Facebook hoặc Zalo, dạy trực tuyến vào buổi tối hoặc cuối tuần, giao bài tập và tài liệu thêm cho trò rèn kỹ năng.

Lãnh đạo trường cũng tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho học sinh ôn tập ngoài giờ chính khóa, như lớp học vào buổi tối và cuối tuần. Phối hợp với phụ huynh học sinh nâng cao nhận thức về kỳ thi, cùng quan tâm động viên con em trước áp lực các kỳ thi riêng, chăm lo về sức khỏe và điều kiện cho học sinh tham gia tốt nhất.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội, khi chia sẻ về kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội cũng lưu ý, việc ôn luyện tại các trung tâm, lớp luyện thi chỉ giải quyết vấn đề “tâm lý” của học sinh chứ không mang lại nhiều lợi ích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.