Tuyển sinh ĐH năm 2023

Tăng tự chủ, giảm áp lực thi tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tự chủ, giảm phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhiều trường đại học đã điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh bằng tuyển sinh riêng.

Kiểm tra hồ sơ thí sinh vào phòng thi ở kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Kiểm tra hồ sơ thí sinh vào phòng thi ở kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tuyển sinh riêng

Đến thời điểm này, đã có 5 cơ sở giáo dục đại học thông báo tự tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Ngoài ra một số trường đại học cũng thông báo sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển sinh, giảm việc dựa vào kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trong năm 2023.

Cũng như vậy, khối các trường thuộc lực lượng vũ trang, các trường công an cũng đã có kỳ thi riêng.

Tiên phong trong thực hiện tuyển sinh riêng bằng bài thi đánh giá năng lực đến nay hết sức thành công, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục có những cải tiến để kỳ thi đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết: Kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2023 sẽ không có bất kỳ thay đổi gì về dạng thức, cấu trúc đề thi trong những năm qua. Thí sinh vẫn sẽ phải làm bài trên máy và kết quả thi sẽ có ngay sau đó. Tuy nhiên, sẽ điều chỉnh giới hạn thí sinh chỉ đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày nhằm tránh gây lãng phí xã hội.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng là một trong những trường sớm thực hiện Bài thi đánh giá tư duy để xét tuyển sinh vào trường.

Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện bài thi này và có những điều chỉnh trong cấu trúc, nội dung. Theo đó, bài thi đánh giá tư duy sẽ diễn ra trong 150 phút, giảm 120 phút so với bài thi cấu trúc cũ.

Ngoài ra, thay vì diễn ra cả ngày và thi trên giấy như các năm trước, kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023 được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính trong một buổi. Thay đổi này cũng được nhiều chuyên gia tuyển sinh đánh giá cao vì ứng dụng công nghệ vào việc thi sẽ giúp việc đánh giá khách quan hơn.

Quyền tự chủ

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc các đại học, trường đại học đẩy mạnh tuyển sinh riêng là việc làm hết sức cần thiết. Đây là quyền tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học và cũng là trách nhiệm của các nhà trường, chứ không thể cứ dựa mãi vào kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm vì thực tế cho thấy đến thời điểm này sứ mệnh của kỳ thi với vai trò 2 trong 1 (vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học) đã không còn nhiều ý nghĩa như trước nữa. Hơn nữa, việc tuyển sinh riêng cũng là đáp ứng tiêu chí của từng trường.

Theo xu hướng của mùa tuyển sinh năm 2023, Trường Đại học Thương mại đã bổ sung sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức kết hợp.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT giảm từ 35% xuống còn 25%. Trường sẽ xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội tăng từ 2% lên 3%, tổng 2 phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp tăng từ 63% lên 72%.

Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được khẳng định từ chất lượng nguồn tuyển.

Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được khẳng định từ chất lượng nguồn tuyển.

Tháng 12/2022, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực độc lập để tuyển sinh vào đại học năm 2023. Trường này dự kiến tuyển 20-30% chỉ tiêu từng ngành thông qua phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi này. Số chỉ tiêu còn lại, nhà trường vẫn xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT, xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành. Cho dù trường vẫn xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhưng việc tuyển sinh riêng, giảm phụ thuộc vào thi tốt nghiệp THPT là điều cần làm.

Việc giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển sinh đại học là điều dự báo trước vì thực tế là việc tuyển sinh đại học không thể dựa mãi từ lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp khi mà quyền tự chủ trong tuyển sinh đã được quy định rõ trong Luật. Đến nay, xu hướng trở nên rõ hơn khi ngày càng nhiều trường đại học tổ chức hoặc sử dụng kết quả của các kỳ thi tuyển sinh riêng. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cùng chung nhận định có thể một số trường còn lưu luyến do nhàn hơn khi lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển, nhưng thay đổi là trách nhiệm.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Sau khi nghiên cứu kỹ việc tổ chức và nội dung bài thi đánh giá năng lực phù hợp tiêu chí đặt ra đối với trường sư phạm đảm bảo các yếu tố chất lượng và đặc thù. Thật vui là đến nay đã có 7 trường quyết định sẽ sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì để xét tuyển sinh là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Quy Nhơn và Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ