Hiểu đúng bản chất phương án điều chỉnh lương của nhà giáo

GD&TĐ - Nội dung “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” được đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Sự cần thiết, tính khả thi của đề xuất này được các chuyên gia phân tích.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bài 1: Phương án tăng lương nhà giáo không làm tăng chi ngân sách cho giáo dục

Nói về nội dung tăng lương nhà giáo trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, PGS.TS Nguyễn Văn Vân – Trưởng khoa Luật Thương mại (Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh) – cho rằng: đây là việc nên làm, có thể làm và có phương án thực hiện được việc này mà không làm tăng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục.

5 lý do cần điều chỉnh lương nhà giáo

Nữ sinh sư phạm
Nữ sinh sư phạm

Khẳng định cần điều chỉnh lương nhà giáo, PGS.TS Nguyễn Văn Vân đưa ra những phân tích như sau:

Thứ nhất: Thu nhập của nhà giáo hiện nay tương đối thấp nếu căn cứ vào tổng số giờ làm việc thực tế/ngày; số lượng đầu công việc mà nhà giáo phải làm việc hàng ngày; hàm lượng (tỷ trọng) tri thức, độ khó và tính đặc thù của nghề sư phạm; áp lực từ người học, phụ huynh và cộng đồng xã hội đối với của công việc của nhà giáo.

Thứ hai: Thu nhập của nhà giáo tương đối thấp so với thu nhập của viên chức tại các đơn vị sự nghiệp khác, người lao động ở các doanh nghiệp (có cùng trình độ, cùng thâm niêm và tính chất công việc) nhưng thu nhập của nhà giáo thấp hơn.

Thứ ba: viên chức cùng ngạch, cùng bậc thì cùng hệ số lương, nhưng điều kiện để thi chuyển ngạch cho nhà giáo cao hơn, khó hơn so với viên chức các lĩnh vực khác. Để tuyển dụng giáo viên cấp trung học phổ thông, trình độ chuẩn tối thiểu là tốt nghiệp đại học cộng nhiều điều kiện khác.

Ngoài ra, cơ hội để nhà giáo chuyển sang ngạch cao hơn khó hơn nhiều so viên chức các lĩnh vực khác. Ví dụ, để dự thi nâng ngạch từ Giảng viên lên Giảng viên chính phải có bằng thạc sỹ, trình độ ngoại ngữ, công trình nghiên cứu khoa học và thi nâng ngạch. Trong khi đó, các lĩnh vực khác chỉ cần yếu tố thâm niên và kết quả thi nâng ngạch.

Phần lớn nhà giáo từ tiểu học đến trung học phổ thông đa phần thuộc nhóm viên chức A0 và A1, nên có 9 đến 10 bậc lương trong mỗi ngạch; bởi vậy 1 giáo viên không có cơ hội nâng ngạch cao hơn để chuyển sang hệ số cao hơn ở ngạch cao hơn.

Thứ tư: Tổng thu nhập của nhà giáo phụ thuộc quá nhiều vào thâm niên công tác. Nhà giáo càng nhiều thâm niên công tác thì do hệ số lương và mức phụ cấp thâm niên càng cao. Các phụ cấp khác (nếu có) đều được tính theo tỷ lệ % của hệ số lương.

Ngược lại nhà giáo trẻ mới vào nghề dưới 10 năm thì tổng thu nhập rất thấp cho dù giáo viên trẻ đó có năng lực, có trình độ ngoại ngữ cao, có thể tiếp cận tri thức và phương pháp sư phạm hiện đại, mức độ đóng góp, hiệu quả công việc cao.

Hậu quả của bất cập này là không tuyển dụng được giáo viên trẻ có năng lực nhưng đội ngũ nhà giáo lớn tuổi ở lại biên chế bằng mọi giá. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến hiện tượng “già hóa” đội ngũ nhà giáo và khủng hoảng nhân lực trẻ có trình độ cao.

Thứ năm: Hệ thống ngạch, bậc lương của nhà giáo hiện hành lệ thuộc quá nhiều vào chế độ bằng cấp và trình độ của nhà giáo (trung cấp trở lên đối với giáo viên mầm non, tiểu học; cao đẳng trở lên đối với giáo viên THCS; tốt nghiệp đại học trở lên đối với giáo viên THPT….) mà ít căn cứ vào năng lực, vị trí, tính chất công việc, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên.

Giáo viên mầm non, tiểu học được xếp ở các ngạch bậc với hệ số lương rất thấp trong khi khối lượng công việc, áp lực và độ khó của công việc rất lớn. Do vậy, mặt bằng thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học thấp so với giáo viên THCS và cao đẳng, đại học.

Người mẹ thứ hai
Người mẹ thứ hai

Không làm tăng chi ngân sách, không tăng cào bằng

Theo PGS Nguyễn Văn Vân, đề xuất trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục không thuần túy chỉ là đề án tăng lương cho viên chức giáo dục mà là 1 phương án điều chỉnh cấu trúc nội bộ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục để tăng thu nhập cho nhà giáo, cụ thể:

Thứ nhất, ngân sách nhà nước sẽ không cấp bổ sung kinh phí để tăng lương cho nhà giáo. Nguồn kinh phí để tăng lương cho nhà giáo sẽ lấy từ khoản cắt giảm các khoản chi thường xuyên cho các các cơ sở giáo dục đại học tự chủ tài chính, từ nguồn tiết kiệm chi, từ việc sắp xếp, tổ chức lại lao động, giảm biên chế...

Thứ hai, Phương án tăng lương cho nhà giáo sẽ không ảnh hưởng (thu hẹp) tỷ trọng chi ngân sách nhà nước của các lĩnh vực khác, không làm tăng tỷ lệ % chi ngân sách nhà nước cho giáo dục (vẫn giữ nguyên tỷ lệ 20% /tổng chi ngân sách nhà nước), không phá vỡ kết cấu chi ngân sách nhà nước đã phê duyệt trong thời kỳ ổn định ngân sách, không gia tăng bội chi ngân sách nhà nước và nợ công; không dẫn đến lạm phát vì tổng chi ngân sách nhà nước và tổng tiền trong lưu thông không đổi.

Thứ ba, việc tăng lương không cào bằng, không tăng cơ học mà thực chất là điều chỉnh nguyên tắc chi trả thu nhập cho nhà giáo để đảm bảo công bằng. Sau điều chỉnh, tiền lương sẽ thực sự phản ánh được năng lực, trình độ và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của nhà giáo.

Thứ tư, ngoài mục đích cải thiện thu nhập của nhà giáo trong cả nước, việc điều chỉnh chế độ lương theo phương án lần này nhằm biến chính sách tiền lương như là một công cụ để quản lý hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục.

“Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục (“Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”).”

Dự thảo Từ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Góa dục.

>>Bài 2: Chuyên gia đề xuất 2 phương án tăng lương giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Con trai Ronaldinho lọt tầm ngắm của MU.

Man United hỏi mua con trai Ronaldinho

GD&TĐ - Theo Mundo Deportivo, Man United có ý định hỏi mua Joao Mendes, khi Jim Ratcliffe rất ngưỡng mộ tài năng của sao trẻ người Brazil.