Chất giọng “đếm trên đầu ngón tay”
Với showbiz, Phạm Mai Hiền Xuân là cái tên lạ. Nhưng với giới chuyên môn thì giảng viên thanh nhạc Phạm Mai Hiền Xuân là một gương mặt quen thuộc. Cô giáo Hiền Xuân đã đồng hành với nhiều sinh viên thanh nhạc, chấp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa hơn trên bầu trời nghệ thuật. “Được truyền đạt những kiến thức đã học cho sinh viên là niềm mơ ước từ khi còn là sinh viên của tôi” - Hiền Xuân chia sẻ.
Hiền Xuân may mắn sở hữu chất giọng mezzo-sprano - giọng nữ trung kịch tính. Theo NSND Quang Thọ, phần lớn các nữ ca sĩ Việt Nam có giọng nữ cao, người cùng tông giọng như Hiền Xuân có thể đếm trên đầu ngón tay. Chính vì vậy, ngay từ khi bước chân vào học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Hiền Xuân đã là một trong những giọng hát được đặt nhiều hy vọng.
Sau khi thi đỗ vào Khoa Thanh nhạc, Hiền Xuân được Trưởng khoa Thanh nhạc lúc đó là NSND Quang Thọ giới thiệu để cô Phương Lan dìu dắt. Ông cho rằng, chỉ cô Phương Lan mới phù hợp, bởi cô là một nghệ sĩ giọng mezzo (nữ trung) - khá tương đồng với giọng của Hiền Xuân. Sau khi Hiền Xuân tốt nghiệp trung cấp và thi đỗ đại học, chính cô Phương Lan lại là người giới thiệu giọng hát Hiền Xuân để NSND Trung Kiên dìu dắt…
Tốt nghiệp đại học, Hiền Xuân tiếp tục theo học Thạc sĩ thanh nhạc và trở thành giảng viên Thanh nhạc tại Trường ĐH Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Có chuyên môn vững vàng, sở hữu chất giọng hiếm, lại được dìu dắt bởi những giọng ca hàng đầu của âm nhạc Việt Nam, nhưng suốt bao nhiêu năm qua, Hiền Xuân vẫn luôn là một giọng hát… tiềm năng. Một phần do bản tính ngại bon chen, phần nữa do sự… quá chăm chỉ học hành của Hiền Xuân.
Khi được hỏi vì sao có thanh, có sắc như vậy lại không tham gia các cuộc thi âm nhạc, Hiền Xuân thừa nhận, cô cảm thấy mình “không có duyên” với các cuộc thi. Thật ra, Hiền Xuân đã dự thi Sao Mai và vào tới chung kết khi vừa mới thi vào hệ trung cấp ở Nhạc viện Hà Nội được mấy tháng.
Tuy nhiên, nhận thấy có nhiều điểm “phức tạp hơn mình tưởng” nên Hiền Xuân dành nhiều thời gian để học, trau dồi kỹ thuật thanh nhạc và sau đó chăm chút cho ước mơ làm người “chở đò” cho các thế hệ sinh viên và thời gian còn lại dành cho gia đình. Chỉ khi thấy vai trò một giảng viên thanh nhạc, một người mẹ, người vợ “tròn vai”, Hiền Xuân mới nghĩ tới con đường nghệ thuật riêng của mình. Và bộ đĩa “Tình mẹ” ra mắt trong mùa Vu lan năm nay cho thấy sự dấn thân của Hiền Xuân.
Hiền Xuân hát trong buổi ra mắt album “Tình mẹ” |
Tìm sự an nhiên trong “Tình mẹ”
Album “Tình mẹ” gồm một bộ hai đĩa CD và DVD. Trong CD, Hiền Xuân thể hiện 12 ca khúc của nhiều nhạc sĩ như: “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ), “Đất nước lời ru” (Văn Thành Nho), “Hà Nội - Huế - Sài Gòn” (Hoàng Vân), “Cảm ơn mẹ” (Đức Trịnh)… Còn DVD gồm 6 ca khúc, trong đó có tới 5 ca khúc của nhạc sĩ Lê Minh - một nhạc sĩ có nhiều ca khúc mang âm hưởng dân gian miền Bắc được công chúng yêu thích. Lý giải sự lựa chọn này, Hiền Xuân chia sẻ, 5 ca khúc của nhạc sĩ Lê Minh đều có giai điệu rất hay, lời ca sâu sắc, ngọt ngào. Hiền Xuân rất thích và thấy hợp với mình. Khi hát những bài hát của nhạc sĩ Lê Minh, Hiền Xuân như được trải lòng với lời bài hát.
Đáng chú ý, ca khúc thứ 12 trong CD và thứ 6 trong DVD mang tên “Tình mẹ” chính là sáng tác của Hiền Xuân. Nghe bộ đĩa “Tình mẹ” của Hiền Xuân người yêu nhạc dễ cảm nhận thấy một không gian đậm đà màu sắc dân gian từ đồng bằng Bắc Bộ cho tới Bắc Trung Bộ.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, hình ảnh mẹ không phải là chủ đề mới trong âm nhạc, thậm chí có thể nói đây là một trong những hình tượng chủ đạo của ca khúc Việt Nam trải dài từ quá khứ cho tới hiện tại. Nhiều thế hệ nhạc sĩ đã có rất nhiều ca khúc hay về mẹ, đã có rất nhiều ca sĩ thể hiện thành công những ca khúc viết về mẹ nhưng Hiền Xuân vẫn chọn chủ đề mẹ để cất cao giọng hát của mình, dùng cách cảm và biết cách thể hiện để âm nhạc bay đến, lay động trái tim người nghe.