Hiện tượng chất xám trôi nổi và điều chưa hợp lý

GD&TĐ - Tình hình lãng phí, chảy máu chất xám đã đánh động từ lâu, nhất là từ ngày có cao trào đổi mới. Xưa ta nghĩ chất xám chảy ra nước ngoài, nhưng nay, chất xám “chảy máu” ngay trong nước, khi người có tài, có năng lực lại không sử dụng cái tài, cái năng lực của mình vào việc có ích, đóng góp cho phát triển xã hội.

Ảnh chỉ có tính minh họa
Ảnh chỉ có tính minh họa

Tuy vậy, hiện tượng chất xám còn trôi nổi trên nền kinh tế thị trường, trong cuộc sống sôi động của phong trào đô thị hóa vẫn còn khá nặng nề, buộc chúng ta phải tiếp tục nghĩ đến nó một cách có trách nhiệm đầy đủ hơn.

Hiện nay, trong đội quân thất nghiệp vẫn còn khá nhiều người có học, có nghề. Họ đã tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, thậm chí người học ở nước ngoài về; họ đi lang thang hết nơi này đến nơi khác như những hàng thần lơ láo. Số người làm việc trái với ngành nghề đào tạo không ít; những tri thức và kỹ năng nghề nghiệp trong bao năm trời học tập, rèn luyện được cứ để quên dần rồi mất hết.

Có biết bao cán bộ chuyên môn, kể cả những người có học hàm học vị cao không tập trung vào nhiệm vụ, vào nghề nghiệp, nâng cao chất lượng công tác mà lại dành khá nhiều thời gian, tâm sức cho việc làm ngoài, làm những việc trái tay. Có người đã trở thành chuyên gia giỏi nhưng lại bằng mọi cách để chuyển sang làm công tác quản lý dù năng lực lãnh đạo rất kém.

Đó là chưa nói có người rất giỏi nhưng vì có chút tật hoặc quá thẳng thắn hoặc có tính khí không hợp với lãnh đạo mà bị phân công làm những công việc giản đơn, không tương xứng một tý nào khả năng họ có.

Thực trạng đó do đâu. Phải chăng còn quá nhiều điều bất hợp lý trong mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng, trong công tác nhân sự, trong chính sách nuôi dưỡng chất xám và khuyến khích tài năng.

Trong mấy thập kỷ qua, ta chưa có chủ trương phát triển giáo dục theo quy mô lớn, nhất là ở bậc đại học và các trường chuyên nghiệp mà vẫn phát triển theo kế hoạch quan liêu. Không biết theo một tính toán nào mà lãnh đạo giáo dục năm nào cũng áp đặt một con số chỉ tiêu tuyển sinh. Và con số đó trở thành vô nghĩa khi học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường trở thành những người tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn làm việc theo ngành nghề đào tạo hay không cũng mặc, ai khôn có thần thế thì tìm được việc, thậm chí được như ý, ai kém khôn, kém thần thế thì vẫn phải nằm chờ; chờ lâu quá, sốt ruột, đành phải đi buôn hoặc làm bất cứ việc gì để kiếm sống.

Trong lúc đó, một số nơi có nhu cầu tuyển dụng người có chất xám thì cứ tuyển dụng một cách tùy tiện; một số nơi có khả năng đào tạo nhiều hơn nhưng không có chỉ tiêu nên đành để các thầy cô đi “đánh thuê”. Rõ ràng giữa đào tạo và sử dụng không hề có một sự liên thông hợp lý nào.

Công tác nhân sự hay nói rộng ra là công tác tổ chức cán bộ chưa nâng được lên tầm khoa học mà đang còn hoạt động theo kiểu phong trào, theo cảm tính, theo kiểu gia đình chủ nghĩa. Có một thời gian khá dài, ngành giáo dục cử hiệu trưởng các trường Đại học và Trung học chuyên nghiệp bằng cách bầu và kết quả những người được nhiều phiếu nhất thường là những người mà nội dung tuyên truyền vận động đánh trúng vào những yêu cầu bức xúc của những người tham gia bỏ phiếu (như vấn đề đời sống, vấn đề điều kiện giảng dạy, học tập, v.v.) mà chưa hẳn là những người quản lý nhà trường tốt nhất. Ngay cả việc thăm dò dư luận thì cách làm cũng chưa mang lại kết quả phản ánh trung thực.

Nhiều nơi công tác nhân sự cũng chưa coi trọng đúng mức tiêu chí tài năng nên không ít người giỏi bị loại ra hoặc mãi mãi dưới quyền những người kém hơn, sống trong trạng thái không thoải mái, làm việc không hết sức mình. Đó chưa nói có nơi công tác nhân sự mang nhiều tính chất tiêu cực, đáng buồn.

Trong những năm gần đây, ta thấy các cấp đã chú ý hơn đến phát huy tài năng song vẫn thiếu những chính sách hữu hiệu, thích hợp… Giải thưởng dành cho những sáng chế, phát minh, cho những thành tựu trí tuệ vẫn còn quá thấp so với những giải thưởng khác (như những giải thưởng thể thao, giải thưởng hoa hậu, giải thưởng vui chơi giải trí). Chính sách lương bổng, các chế độ đãi ngộ cũng nhiều điểm chưa công bằng, nhất là giữa cán bộ quản lý với cán bộ chuyên môn giỏi, giữa cán bộ ngành này với cán bộ ngành khác.

Đối với trí thức người Việt ở nước ngoài, một lượng chất xám khá hớn, ta cũng chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút họ dùng tài năng phục vụ đất nước. Trong lúc đó có một số chuyên gia ta vận động về nhưng lại không tạo điều kiện cho họ sử dụng khả năng hoặc thuộc ngành nghề ta vẫn chưa có điều kiện phát triển.

Những điều bất hợp lý nói trên đã góp phần nuôi dưỡng thực trạng chất xám trôi nổi ở nước ta hiện nay. Thực trạng không vui này đã ảnh hưởng không ít đến tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến sự phát triển toàn diện của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ