Hiện thực hóa ước mơ

GD&TĐ - “Điều ước cho em” – chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc chính thức được phát động hôm 11/4.  

Lễ phát động chương trình "Điều ước cho em" diễn ra vào 11/4 tại Hà Nội. Ảnh: Thế Đại
Lễ phát động chương trình "Điều ước cho em" diễn ra vào 11/4 tại Hà Nội. Ảnh: Thế Đại

Chương trình đã tạo được hiệu ứng tích cực, và lan tỏa sâu rộng trong xã hội; qua đó nhằm biến những ước mơ giản dị của thầy trò vùng khó - như có được bữa ăn trưa, chiếc áo ấm và các điều kiện để học tập tốt hơn - trở thành hiện thực. 

Khi những thước phim trong phóng sự được trình chiếu tại lễ phát động, với những hình ảnh về thầy trò phải dạy - học trong điều kiện thiếu thốn đủ bề khiến không khí của khán phòng trùng xuống. Day dứt hơn là những mong ước giản dị của thầy trò có được bữa ăn bán trú đầy đủ cơm, rau, thịt, cá, có đủ áo ấm đến trường…, khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Những tưởng điều rất đỗi đời thường và dường như không thể giản dị được hơn, nhưng lại là điều xa tầm tay với của các em. Điều đó, khiến chúng ta trăn trở và chạm đến tận cùng của cảm xúc. Song điều đó lại thôi thúc mỗi chúng ta cần làm điều gì đó để giúp các em vơi đi những khó khăn thiếu thốn. 

Trên thực tế, có hàng trăm nghìn tổ chức, cá nhân, tấm lòng thiện nguyện lặng lẽ giúp đỡ, bằng nhiều cách khác nhau, từ rất nhiều năm, nhằm nâng bước chân đến trường cho trẻ em vùng khó. Ngay trong lễ phát động, Chương trình “Điều ước cho em” đã nhận được 16 công trình “Trường đẹp cho em”, “Nhà bán trú cho em”, “1.000 nhà vệ sinh cho em” và bữa ăn trưa cho 30.000 em cùng nhiều suất học bổng, quà tặng cho học sinh tại các vùng miền khó khăn, với tổng trị giá gần 127 tỷ đồng.

Hay như câu chuyện của gia đình anh Phạm Minh Chiến và chị Nguyễn Thị Dung – xã Tân Tiến (An Dương, Hải Phòng) đã truyền cảm hứng và lan tỏa đến nhiều người làm việc tốt, mong muốn thực hiện “Điều ước cho em”. Anh chị đã và đang nhận nuôi 1.200 em nhỏ tỉnh Lai Châu thuộc dự án “Nuôi em”; đồng thời hỗ trợ xây dựng 11 điểm trường mầm non, tiểu học cho tỉnh này, cùng hàng trăm chương trình thiện nguyện hỗ trợ học sinh khó khăn miền núi. Dự kiến từ nay đến cuối năm, anh chị sẽ nhận nuôi thêm khoảng 2.000 - 3.000 em nhỏ.

Có thể nói, Chương trình Điều ước cho em không chỉ dừng lại ở cảm xúc, sự sẻ chia, mà đã chuyển hóa thành hành động, với những nghĩa cử cao đẹp. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chương trình không phải là một sự khởi đầu, mà chỉ là cách làm mới để kết nối và lan tỏa yêu thương. Chương trình không chỉ nhận tiền tài trợ, mà còn trở thành điểm kết nối, hỗ trợ các nhà hảo tâm, cấp ủy Đảng, chính quyền.

Ngoài ra, một trong những kênh kết nối mà chương trình “Điều ước cho em” hướng đến là: Trường giúp trường, bạn giúp bạn, thầy cô giúp thầy cô; qua đó các nhà trường có cơ hội kết nghĩa với nhau, giúp nhau trong suốt quá trình dạy - học. Chương trình không chỉ hỗ trợ nhất thời, mà sẽ tạo ra sự chia sẻ bền vững. Đây là xu hướng rất tốt để chủ trương này sẽ được nhiều trường, nhiều thầy cô và học sinh trong ngành Giáo dục hưởng ứng.

Hiện có gần 2.000 trường học của 39 tỉnh đăng ký nhu cầu hỗ trợ trên Cổng nhân đạo quốc gia (http://inhandao.vn); gần 5.000 trường học có dữ liệu đăng ký cụ thể nhu cầu hỗ trợ các điều ước. Để những điều ước trên trở thành hiện thực, cần rất nhiều tấm lòng thiện nguyện, những trái tim nồng ấm bao dung. Tất cả những chia sẻ cụ thể của mỗi doanh nghiệp, cá nhân tới các trường học, em học sinh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn sẽ được lan tỏa; mỗi hoạt động thiện nguyện sẽ được số hóa để bảo đảm tính minh bạch và xuyên suốt...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ