Hiền thê của danh tướng Trần Quang Khải

GD&TĐ - Bài thơ được Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải viết sau chiến thắng quân Nguyên Mông năm Giáp Thân (1285) - vị tướng này nổi danh không chỉ là nhà quân sự - Chính trị mà còn là nhà thơ lớn của nước ta.

Tượng thờ Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương tại làng Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Tượng thờ Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương tại làng Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu.

Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải sinh năm 1241, là con thứ ba của vua Trần Thái Tông, mẹ là Thuận Thiên hoàng hậu Lý thị (con gái trưởng của vua Lý Huệ Tông). Ông là em cùng mẹ với thái tử Trần Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông giữ vị trí thứ hai sau Tiết chế (Tổng tư lệnh) Trần Quốc Tuấn.

Trần Quang Khải được miêu tả là người quắc thước, phong vận đẹp, có tướng “Mắt sáng như điện, diện mạo anh hào, cao trán - mũi thẳng, chẳng giàu sang cũng hiểu đạt” và "Tính khoan dung, rung động lòng người, cười luôn rạng rỡ, vợ có phúc khí".

Trong phủ của ông có nhiều thê thiếp nhưng ông lần lữa chưa lập chính thất vì trong số các thiếp hầu có một thiếu nữ hiệu là Oanh Nhi (quê ở Hà Nam) rất được ông yêu chiều.

Nàng Oanh Nhi nói năng điệu đà, biết hát múa, giọng đọc thơ rất truyền cảm khiến cho cuộc đời của Trần Quang Khải thêm sinh động, tươi vui... Nhưng hoàng thất vẫn cho rằng chính thất của bậc hiền tài lương đống nhà Trần phải có những phẩm chất khác.

Năm Nguyên Phong thứ 8 (1258), ông được ban hôn với công chúa Phụng Dương, được cấp cho thái ấp Độc Lập, phủ Thiên Trường (nay thuộc xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, Nam Định). Cùng năm, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông, rồi lên làm thái thượng hoàng. Tân quân Trần Thánh Tông phong cho Quang Khải tước Chiêu Minh Đại vương.

Rồi đích thân Vua Thái Tông đứng ra chủ trì, gả con gái nuôi là công chúa Phụng Dương cho Trần Quang Khải làm chánh thất. Công chúa Phụng Dương là con gái ruột của Thái sư Khâm Thiên đại vương Trần Nhật Hiệu và Tuệ Chân phu nhân. Phụng Dương không xinh đẹp lộng lẫy nhưng nền nã, đậm đà, hiền thục, có hiếu và hiểu lẽ đời.

Bà có tướng mạo: “Mặt mũi cân đối, lối nghĩ thiện lương, đường nét hài hòa, quà tặng phúc chồng”, nên cha mẹ coi như báu vật. Nàng Oanh Nhi cũng được Trần Quang Khải phong làm thiếp và được ông đặt cho danh xưng là Chiêu Hàn sống hòa thuận với ông và chính thất.

Về nhà chồng, do Trần Quang Khải đang sủng ái Oanh Nhi nên ông chẳng mặn mà với chính thất của mình. Người hầu Phụng Dương bẩm với Trần Nhật Hiệu khiến Thái Sư nổi giận lôi đình, ông định làm cho ra nhẽ nhưng Phụng Dương vẫn bình tĩnh, nhẫn nhịn, lựa lời làm cha yên lòng và vẫn hết lòng với công việc bên chồng.

Bà chăm lo mọi việc nội tướng, chăm sóc con cái chu đáo để chồng yên tâm lo việc lớn, lại luôn chân thành, độ lượng với mọi người. Đối với các thê thiếp, người hầu được chồng sủng ái, bà cũng không tỏ ra ghen tuông, đố kỵ mà tận tâm giúp đỡ khi có thể.

Bà luôn có lòng nhân từ bác ái, không so sánh suy bì đích thứ, ai có một chút công lao hay ưu điểm nhỏ, bà đều tìm dịp, khéo léo khen trước mặt Chiêu Minh vương; kẻ nào mắc lỗi không trầm trọng thì bà tế nhị nhắc nhở để họ sửa chữa mà không xé ra to.

Đối với người trong họ tộc thân thuộc, bà có thể bảo lãnh cho người tuấn kiệt, đủ phẩm chất tốt để tiến cử với chồng tìm cách tạo cơ hội lập công vì nước. Nhưng với những người bất tài, tầm thường thì bà chủ trương cùng chồng tặng của cải, ban cho công việc đơn giản có ích cho xã hội mà không đề nghị triều đình phong tặng chức vị.

Đối với chồng, bà ân cần chăm sóc, yêu thương, khi Trần Quốc Tuấn tỏ ý muốn hoá giải mối thù giữa dòng trưởng (dòng của Trần Quốc Tuấn) và dòng thứ (dòng của Quang Khải), bà đã khuyến khích Trần Quang Khải nhanh chóng sang thuyền của Tiết chế và Trần Quốc Tuấn tự tay múc nước thơm tắm cho Trần Quang Khải, giải toả hiềm khích.

Bà còn lo lắng việc quản lý chi tiêu, cắt đặt việc trong nhà, khiến cho gia đình Trần Quang Khải ngày càng thịnh vượng. Đối với cha mẹ, bà thường xuyên để ý săn sóc, khi cha mất, bà xin chồng trở về nhà tự tay nâng giấc, cơm nước cho mẹ để mẹ bớt buồn rầu.

Năm 1284 khi tạm lánh về vùng quê Thiên Trường, nửa đêm trong đoàn thuyền có chiếc phát hoả, mọi người tưởng quân Nguyên Mông đánh đến nơi nên rất hoảng loạn. Trong khi đó bà Phụng Dương nhanh nhẹn đánh thức thượng tướng Trần Quang Khải dậy và chính bà cầm mộc đi theo che chắn cho ông khiến cho ông thực sự cảm động.

Với quá trình thể hiện đạo làm vợ, cách ứng xử từ khi về nhà chồng đến biểu hiện quên thân lo cho chồng đã làm cho tình cảm gia đạo nhà Chiêu Minh vương ngày càng đầm ấm, tình nghĩa vợ chồng thêm thắm thiết, hai người có với nhau 7 người con chung cả trai lẫn gái.

Sau chiến thắng 1285 Trần Quang Khải rời chức Thái Sư, về trí sĩ ở Thái ấp tại Thiên Trường mang theo hiền thê Phụng Dương của mình. Người ta nói rằng, bà Phụng Dương lông mày đều, mắt đen, mặt tròn, cằm có ngấn, mũi to nở. Phẩm chất tốt đẹp của bà được chính Thái sư Trần Quang Khải đánh giá: “Công chúa luôn làm điều thiện, nói điều nhân, sống nết na, chết lưu danh, vượng phu ích tử”.

Trong những năm tháng cuối đời của mình, Phụng Dương công chúa theo chồng về phủ Thiên Trường để an dưỡng, nghỉ ngơi. Tận khi lâm bệnh nặng, sắp qua đời rồi, bà vẫn một lòng nghĩ đến chồng mình, sợ bà đi rồi ông cô đơn buồn bã.

Bà cầm tay thứ thiếp Chiêu Hàn ân cần dặn dò việc chăm sóc ông cùng mọi việc trong nhà, rồi sai mang những phần quà chuẩn bị sẵn tặng cho Chiêu Hàn và các nàng hầu, tôi tớ khác trong Phủ. Lúc sắp rời dương thế, bà yếu ớt đưa tay trái lên cho chồng, 2 giọt nước mắt lăn từ từ trên má bà, Chiêu Minh Đại Vương đã viết một bức thư đặt vào tay bà rồi ngậm ngùi thổn thức: “Kiếp sau lại xin được làm vợ chồng như xưa”.

Bà mất năm 1291 lúc mới 47 tuổi; ba năm sau, đúng sau ngày giỗ của vợ 3 ngày, Trần Quang Khải chẳng ốm đau gì cũng nhắm mắt, đó là mùa đông năm 1294.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.

Lắp đặt lưới an toàn ban công giá xưởng