Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những danh tướng đầu tiên được chọn đúc tượng trong dự án Huyền thoại Việt Nam.
Dự án được lập từ 3 năm trước với sự trợ giúp của nhiều tổ chức và chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, quân sự như: GS Vũ Khiêu, GS Phan Huy Lê, nhà sử học Lê Văn Lan, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Nguyễn Huyên, Đại tá Nguyễn Huân, nhà báo Mỹ Lady Borton...
Là thành viên hội đồng tư vấn lịch sử văn hóa của dự án, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết, 4 danh tướng được công bố tượng lần này đều là những vị tiêu biểu nhất trong hàng nghìn danh tướng của dân tộc. Còn nhiều tượng danh tướng khác như Ngô Quyền, Lê Lợi... sẽ ra mắt những đợt sau.
Thượng tướng cho rằng, triển lãm điêu khắc Danh tướng Việt Nam nhằm khơi dậy và giáo dục các thế hệ về truyền thống yêu nước, thượng tôn dân tộc, ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, để từ đó phát huy và làm tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ tổ quốc.
Triển lãm đồng thời gửi thông điệp đến nhân dân thế giới về truyền thống dựng nước, giữ nước, yêu hoà bình sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ độc lập chủ quyền của người Việt Nam.
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc nhận định, việc khắc họa hình ảnh các danh tướng Việt Nam là một cách để thế hệ sau hiểu hơn lịch sử nước nhà.
"Những tác phẩm này mang ý nghĩa lớn về hình tượng anh hùng dân tộc Việt Nam. Đó vừa là nghệ thuật vừa là lịch sử, văn hóa và tinh hoa của người Việt" - Ông Quốc nói.
Các bức tượng cao 1,24 m, làm từ nhiều chất liệu vàng, bạc, đồng, composite, gỗ... |
Tượng Quang Trung và Trần Hưng Đạo được mô phỏng theo nguyên mẫu đang đặt tại gò Đống Đa và Nam Định. Tượng Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được sáng tác mới bởi nhà điêu khắc Trần Văn Thức.
Về mặt tạo hình, theo Thượng tướng Nguyên Huy Hiệu, 3 bức tượng Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt đã tái hiện tốt cái thần, vị thế của những danh tướng tài ba.
Tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cầm ống nhòm thể hiện tầm nhìn của một thiên tài quân sự. Tuy nhiên, Thượng tướng cho rằng, nên thay đổi cánh tay đang giơ thẳng của Đại tướng bằng cánh tay giơ nắm đấm đã đi vào lòng người, biểu hiện ý chí quyết đoán, phong cách của một Tổng tư lệnh.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho rằng, nên thay đổi bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo hình ảnh giơ nắm đấm thể hiện ý chí, quyết tâm, phong cách của nhà lãnh đạo quân sự tài ba. |
4 tác phẩm được làm từ nhiều chất liệu: vàng, bạc, đồng, hỗn hợp composite, gỗ... với chiều cao 1,24 m và 75 phân bệ. Theo anh Trần Thanh Tùng - Sáng lập viên Hội quán di sản, một trong các đơn vị thực hiện dự án "Danh tướng Việt Nam", sẽ có những tác phẩm điêu khắc tỷ lệ 1:1 (cao 1,7 m chưa kể bệ) được ra mắt sau này, phù hợp với không gian ngoài trời, hoặc trong nhà.
Tượng 4 danh tướng Việt Nam sẽ được triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đến hết ngày 24/2.