Hiếm hoi cơ hội việc làm cho thanh niên nông thôn

GD&TĐ - Chuyên gia cho biết, hiện có trên 80% số thanh niên nông thôn chưa qua đào tạo nghề và 68,4% không có nhiều cơ hội việc làm.

Nhiều thanh niên nông thôn không có cơ hội đào tạo nghề. Ảnh minh họa
Nhiều thanh niên nông thôn không có cơ hội đào tạo nghề. Ảnh minh họa

Thiếu việc làm, ít được đào tạo nghề

ThS Nguyễn Minh Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Phú Thọ, cho biết, thanh niên nói chung và thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng là nguồn nhân lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện, trên 80% số thanh niên nông thôn chưa qua đào tạo nghề và 68,4% có trình độ học vấn thấp nên không có nhiều cơ hội việc làm...

Như vậy, phần lớn thanh niên nông thôn nước ta hiện nay thiếu việc làm và ít có cơ hội được đào tạo nghề nghiệp. Công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn còn nhiều khó khăn, yếu kém.

ThS Nguyễn Minh Phương cho rằng, có nhiều nguyên nhân. Đó là do đào tạo nghề còn có một số hạn chế về nhận thức của xã hội. Công tác thông tin tuyên truyền đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa được sâu rộng, do đó thanh niên chưa thật mặn mà với việc học nghề, chưa có khái niệm đúng về việc làm. Điều này xuất phát từ nhiều lý do như vì quá nghèo, không có tiền đi học nghề. Đồng thời, mang nặng tư tưởng đi làm thuê sẽ có “tiền ngay” hay kén chọn nghề để học... Phần đông thanh niên nông thôn là lao động phổ thông chưa qua đào tạo.

“Việc thay đổi nhận thức để dạy nghề cho thanh niên nông thôn là bài toán không hề đơn giản. Họ ra thành phố làm việc và chỉ tìm được những công việc đơn giản làm theo mùa vụ, với mức thu nhập thấp. Số ở lại địa phương làm kinh tế nhỏ lẻ, chưa áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất thu được không cao. Do có sự chuyển dịch về lao động tới các vùng miền, lực lượng thanh niên đi làm ăn xa chiếm tỉ lệ lớn. Vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong công tác nắm bắt tình hình, nhu cầu việc làm của thanh niên cũng như công tác đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho họ”, ThS Nguyễn Minh Phương cho hay.

Ngoài ra, chương trình, chất lượng, quy mô đào tạo cũng như chất lượng giáo viên và trang thiết bị chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Kinh phí dành cho đào tạo nghề còn hạn chế, đào tạo nghề chưa gắn với việc làm thực tế. Cơ sở vật chất ở các trung tâm GDNN quy mô nhỏ, yếu kém. Đồng thời, máy móc, phương tiện, dụng cụ phục vụ cho việc học và thực hành của học viên lạc hậu, chậm đổi mới. Việc mua sắm phương tiện, dụng cụ, nguyên liệu phục vụ đào tạo của một số nghề chưa hợp lý. Quá trình dạy nghề ở các trường dạy nghề còn nặng về lý thuyết, dành ít thời gian cho thực hành tại xưởng và thực tập ở các doanh nghiệp nên thiếu tính thực tế.

Chất lượng học nghề chưa cao

Nói về bất cập trong đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Phú Thọ cũng nhận định, chất lượng học nghề chưa cao. Người học có trình độ văn hóa thấp, năng lực của một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý, dạy nghề còn hạn chế. Hầu hết các trường, trung tâm dạy nghề ở các địa phương còn thiếu đội ngũ giáo viên. Thời gian đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề cho thanh niên nông thôn còn ngắn dẫn tới chất lượng đào tạo nghề chưa cao.

Hơn nữa, công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác chăm lo, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm cho thanh niên chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ và chưa mang lại hiệu quả cao. Chưa huy động được sự đóng góp của toàn xã hội và sự tham gia của các doanh nghiệp. Hoạt động của đa số các cơ sở đào tạo nghề còn trông chờ, ỷ lại, dựa vào chỉ tiêu ngân sách Nhà nước cấp, thiếu chủ động đổi mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, việc đào tạo chưa thật sự gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên. Tỷ lệ thanh niên sau đào tạo nghề được giải quyết việc làm còn thấp, cơ hội, khả năng tìm được việc làm của họ chưa cao. Nhiều học viên sau khi đào tạo không tìm được việc làm phù hợp với nhu cầu cũng như đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp tại địa phương.

Công tác nắm bắt thị trường lao động, dự báo nhu cầu lao động chưa được quan tâm đúng mức nên việc định hướng nghề nghiệp chưa làm được tốt, nhiều lao động học xong không có việc làm. Thiếu sự phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ hay đào tạo nghề theo đơn đặt hàng. Đồng thời, chưa hình thành hệ thống các trung tâm thông tin về cung - cầu lao động cũng như xây dựng được các tiêu chí kiểm định chất lượng GDNN. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái như hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động có sự suy giảm đáng kể.

Cùng với đó là chế độ tiền lương và các chế độ phúc lợi khác dành cho người lao động không được đảm bảo, thậm chí thấp, dẫn đến khó khăn trong việc giới thiệu lao động đúng theo yêu cầu của doanh nghiệp cũng như không có sự thống nhất giữa các bên nên lao động có việc làm ngày một giảm. Bên cạnh đó, nguồn vốn cho thanh niên vay để đầu tư phát triển kinh tế còn hạn chế. Vì vậy khó khăn cho việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh đối với các dự án của thanh niên.

Hiện nay, ngân sách cấp cho hoạt động đào tạo nghề chưa gắn chặt chẽ với số lượng, quy mô tuyển sinh hàng năm mà phân bổ bình quân theo khả năng ngân sách. Kinh phí ngân sách cấp chi thường xuyên cho các cơ sở đào tạo nghề được giao ổn định dựa trên mức ngân sách của năm trước để tính ngân sách của năm sau.

“Mặt khác, sự phân bổ ngân sách cho các cơ sở đào tạo nghề chưa có sự phân biệt đối với các nghề đào tạo khác nhau. Học sinh học nghề phải thực hành, thực tập rất nhiều nên chi phí cho đào tạo nghề thường cao hơn so với chi phí đào tạo hàn lâm. Trong khi đó các chi phí đào tạo lại tăng do trượt giá dẫn đến kinh phí thực tế dành cho đào tạo ngày càng có xu hướng giảm. Vì vậy, các cơ sở đào tạo nghề gặp rất nhiều khó khăn để đảm bảo nguồn tài chính cho đào tạo nghề chất lượng cao”, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Phú Thọ cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ