Hiểm họa xe đưa đón học sinh: Trách nhiệm nào từ cơ quan chức năng?

Cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo và giám sát không chặt chẽ đã “nuôi dưỡng” những chiếc xe “tử thần” chở học sinh ở nhiều địa phương.

Hai học sinh rơi xuống đường từ chiếc xe đưa đón đang chạy được camera an ninh của nhà dân ven đường ghi lại tại xã Bắc Sơn, Đồng Nai.
Hai học sinh rơi xuống đường từ chiếc xe đưa đón đang chạy được camera an ninh của nhà dân ven đường ghi lại tại xã Bắc Sơn, Đồng Nai.

Sau khi xảy ra vụ việc 5 học sinh ở tỉnh Đồng Nai bị văng xuống đường từ xe ô tô đưa đón, phóng viên VOV đã phản ánh về những chuyến xe "tử thần" tương tự, diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Trong khi đó, dường như cơ quan nào cũng tỏ ra vô can về tình trạng này.

Vậy, ngoài trách nhiệm của người lái xe thì còn liên quan đến trách nhiệm của những cơ quan chức năng nào đã buông lỏng quản lý? 

Hình ảnh ám ảnh nhất đối với nhiều người trong những ngày gần đây có lẽ là chiếc xe ô tô 16 chỗ BKS 51B-07923 đang phóng khá nhanh trên đường thì cốp xe bất ngờ bật tung và 3 học sinh trường Tiểu học Phan Bội Châu (Biên Hòa, Đồng Nai) lăn lông lốc xuống mặt đường cùng với những chiếc ghế nhựa màu đỏ. 

Rõ ràng các em đã bị nhồi nhét ở góc để hành lý cuối xe và phải ngồi trên những chiếc ghế nhựa chênh vênh. Sau khi vụ việc xảy ra, nhà trường mới xác định, giáo viên chủ nhiệm vi phạm khi tự thỏa thuận hợp đồng với chủ xe. Còn người lái xe thừa nhận xe cũ, khóa cốp hỏng, tự ý lắp thêm chốt lỏng lẻo ở phía ngoài, nhưng lại với thái độ vô cảm và như kiểu vô can: “Tôi cũng không nhớ là mình đã chốt then ngoài chưa. Xe này của tôi, hợp đồng riêng với cô giáo”.

Ngày 30/11, tức là chỉ sau 3 ngày xảy ra vụ việc vừa nêu, cũng tại tỉnh Đồng Nai, phòng Giáo dục huyện Trảng Bom lại xác nhận một chiếc xe ô tô đưa đón học sinh khác tại xã Bắc Sơn lại làm rớt 2 học sinh. Trách nhiệm của nhà trường đã rõ, nhưng trước khi xảy ra 2 vụ việc này, câu hỏi được đặt ra là: Đã bao giờ Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra, xử lý những xe đưa đón học sinh vi phạm trên địa bản chưa? Chỉ biết rằng, nếu không có camera ghi lại 2 vụ việc thì không lộ ra thói làm ăn cẩu thả, liều lĩnh của người làm dịch vụ và sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Theo ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia thì trách nhiệm trước hết thuộc về người lái xe ô tô, cần phải xử lý hình sự để răn đe vì nếu 5 đứa trẻ ở Đồng Nai sau khi văng ra khỏi xe mà có một xe khác lao tới thì thảm họa chắc chắn sẽ xảy ra.

“Những sự cố này xảy ra là không thể chấp nhận được. Nó thể hiện công tác quản lý còn có những bất cập. Thứ 2 là công tác giáo dục, đào tạo quản lý lái xe cũng chưa được hoàn chỉnh. Cuối cùng là trách nhiệm của những người liên đới. Trước hết là lái xe, sau đó là những người thuê xe, quản lý phương tiện, cơ quan ban ngành có trách nhiệm quản lý ở địa phương”. ông Tạo khẳng định.

Cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo và giám sát không chặt chẽ đã “nuôi dưỡng” những chiếc xe “tử thần” ở nhiều địa phương. Tại huyện Gia Lâm Hà Nội, đầu giờ sáng và gần cuối giờ chiều hàng ngày, nhiều xe đưa đón chở quá số học sinh so với quy định. Khi lưu thông trên Quốc lộ 5, đoạn qua ngã tư Thị trấn Trâu Quỳ với nhiều xe container và xe tải, những chiếc xe đưa đón học sinh vẫn mở toang cả cửa sổ, mặc cho trẻ thò tay, thò đầu ra ngoài, nguy hiểm đến tính mạng.

Còn tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, nơi có nhiều xe ô tô quá hạn đăng kiểm, quá niên hạn sử dụng, vẫn xuất hiện trên đường đưa đón học sinh, nhưng Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng Công an huyện Ân Thi vẫn khẳng định trong những lần ra quân không phát hiện xe hết niên hạn: “Xe liên quan đến hết niên hạn thì không có nhưng với những xe đến thời điểm kiểm định mà không kiểm định thì chúng tôi yêu cầu các chủ phương tiện phải kiểm định. Nếu xảy ra vi phạm thì chúng tôi xử lý theo quy định của pháp luật và quan điểm của chúng tôi là tất cả những phương tiện đưa đón học sinh phải đảm bảo an toàn”.

Đã có những đứa trẻ tử vong vì bị bỏ quên trên xe ô tô nhưng chẳng cơ quan chức năng nào phải chịu trách nhiệm. Tiến sỹ Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học sư phạm Hà Nội cho rằng, cần phát huy vai trò của Ủy ban bảo vệ trẻ em để khắc phục tình trạng “cha chung không ai khóc” hiện nay.

“Trước hết tôi cho rằng Bộ Giao thông Vận tải phải quan tâm đến vấn đề này. Phải có quy trình của những loại xe đưa đón học sinh và những tài xế tham gia vào công việc này. Cần phải có những hướng dẫn cụ thể, kể cả việc giao tiếp. Phải đảm bảo sự an toàn của trẻ thông qua những giấy phép, phải đảm bảo các điều kiện mới được cấp phép đưa đón học sinh, cần kiểm định nghiêm túc. Việc phối hợp với các trường cũng rất quan trọng và UBND địa phương cũng cần kiểm tra các xe đưa đón học sinh”, bà Hương nói.

Tại những nước phát triển, camera được lắp khắp nơi để giám sát phương tiện trên đường, giám sát sự an toàn của trẻ em tại trường học và các hoạt động của con người tại nơi công cộng. Chỉ một hành vi nhỏ như không thắt đai an toàn cho trẻ trên ô tô là bị phạt. Dự phòng những điều không an toàn cũng được thực hiện từ việc nhỏ nhất tại nhiều nước như: Tại lớp học hay trong mỗi ngôi nhà, cạnh bàn, cạnh ghế không được để góc nhọn... Cách làm này cũng đáng để chúng ta học hỏi. Tuy nhiên, trước mắt để đảm bảo an toàn tính mạng cho mỗi học sinh, trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan chức năng-nhà trường-người chăm sóc trẻ-mà chính là các bậc phụ huynh phải thấy được những nguy cơ mất an toàn đang rình rập, đe dọa tính mạng con em mình khi ngồi trên những chiếc ôtô đã hết hạn sử dụng. 

Xin đừng để sự chủ quan, lơ là của người lớn trả giá bằng tính mạng con trẻ

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ