Với muôn hình vạn trạng vi phạm bản quyền, không chỉ khiến cho sách thật “hết đất sống” mà hậu quả sách giả đem lại cũng rất khó lường.
Thời gian gần đây, đặc biệt mỗi khi đâu đó trên đất nước ta bùng phát dịch Covid-19 thì nạn sách giả cũng theo đó mà phát triển. Tận dụng triệt để vấn đề kinh tế khó khăn của đa số người dân giữa nạn dịch, sách lậu giá rẻ được rao bán khắp nơi.
Trên các trang mạng xã hội, các tác phẩm ăn khách của nhiều nhà xuất bản được in lậu, được ngang nhiên quảng cáo dưới nhiều cái tên nghe có vẻ rất giống với các thương hiệu lớn.
Các loại sách lậu có đặc điểm chung là giá cực rẻ, chiết khấu cao. Có những cuốn chiết khấu đến 50%, cộng với lãi 10% của nhà sách thì đương nhiên, người giao sách có chiết khấu lên tới 60%. Như vậy, dù chưa kể phần lãi của kẻ làm sách giả, sách lậu thì thực tế đã chỉ ra những cuốn sách đó có chi phí sản xuất rất thấp.
Sở dĩ những cuốn sách giả có giá thấp như vậy, vì chỉ việc scan và copy nội dung từ sách thật để bán. Họ không phải chịu bất kỳ một khoản phí nào liên quan đến nhuận bút, trình bày, biên tập, hiệu đính, đăng ký bản quyền, thuế… và, các loại giấy in dùng cho sách lậu đều kém chất lượng, giá rẻ.
Không chỉ là sách in mới bị vi phạm bản quyền, các dạng sách trực tuyến, sách nói cũng bị làm giả. Đối tượng chính tiêu thụ sách lậu giá rẻ, không ai khác lại chính là sinh viên – những người chưa làm ra tiền, nhưng lại có nhu cầu sử dụng cao.
Mua phải sách giả, người đọc hoàn toàn nhận rủi ro vì không có công cụ hoặc cách nào để thẩm định. Ví dụ, bộ giáo trình dạy tiếng Hàn được biên soạn dành riêng cho người Việt do Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc xuất bản.
Đơn vị mua bản quyền phối hợp cùng các chuyên gia, hiệu đính và bổ sung nhiều thông tin mới. Trong khi đó, bản lưu hành lậu hiện nay toàn là những thông tin cũ đã có từ hơn 10 năm trước.
Sách lậu còn thường xuyên bị nhoè mờ, sai lệch nội dung, nhầm trang và thậm chí lẫn lộn nội dung giữa sách này với sách khác. Nhiều khi, dù chỉ sai một vài chữ thì cuốn sách đã trở nên tệ hại. Từ đó, hiểm họa về tri thức và văn hoá đối với người đọc là khó lường.
Không thể cạnh tranh về giá với sách giả, nên sách thật rơi vào thế bí. Một số nhà xuất bản điêu đứng, nhiều tác giả chán nản trong việc sáng tạo.
Để xử lý sách lậu, đã có rất nhiều hội thảo được tổ chức để tìm giải pháp. Cơ quan chức năng ra quân xử phạt các cơ sở in lậu sách, nhưng dường như đó chưa phải là biện pháp triệt để. Vì cùng với số lượng vụ việc được phát hiện, thì số lượng sách lậu trên thị trường vẫn gia tăng.
Trong khi chế tài chưa đủ mạnh, chỉ còn cách duy nhất để sách thật “sống được” là ý thức của người tiêu thụ. Bỏ thêm chút tiền mua sách có bản quyền nhưng đảm bảo nội dung lẫn chất lượng, hơn là bớt đi tí chút mua sách giả mà hậu quả thì lại thật.