30.000 đồng mua được sức khỏe tại bệnh viện
Trên một trang Facebook cá nhân rao bán công khai: “Giấy khám sức khỏe chuẩn Bệnh viện (BV) E, giá sinh viên: A4: 50 ngàn; A3: 80 ngàn; A3 giáp lai 150 ngàn, từ bản thứ 2 còn 50 ngàn; Giấy ra, vào viện 150 ngàn”. Kèm theo lời rao bán là hình ảnh các loại giấy khám sức khỏe, giấy ra, vào viện có dấu đỏ chót của bác sĩ BV E.
Không chỉ có giấy khám sức khỏe của BV E được rao bán mà giấy khám sức khỏe của BV Giao thông Vận tải, BV Xây dựng cũng được bày bán công khai tại phố Thợ Nhuộm (Hà Nội) một thời với giá rất rẻ, chỉ chừng 30.000 đồng/phiếu.
Có cung ắt có cầu, người dân cần giấy khám sức khỏe nhưng với tâm lý ngại đi khám, mua cho nhanh nên mới có dịch vụ mua bán này. Truyền thông cũng từng lên tiếng câu chuyện giấy khám sức khỏe được mời chào bán công khai ở trước cổng BV Giao thông Vận tải, khiến nhiều người nghĩ rằng đó là dịch vụ của BV. Tất nhiên, trên mỗi giấy này đều có chữ ký và dấu đỏ rất đúng quy chuẩn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các “cò” bán giấy khám sức khỏe khi được hỏi đều tư vấn bán giấy khám sức khỏe của Công ty CP BV Giao thông Vận tải (trước đây là BV Giao thông Vận tải Trung ương), BV E, BV Xây dựng...
Trước thực tế đó, TS Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV E - cho biết: BV đã nhiều lần gửi công văn trả lời báo chí và công luận về vấn đề này. Thực trạng giấy khám sức khỏe cho người lao động trong và ngoài nước, hồ sơ hưởng BHYT... được rao bán trên thị trường, BV khẳng định, tất cả các giấy tờ đó đều không phải do BV cấp.
Giả mạo tinh vi
TS Hữu Thị Chung, phụ trách Khoa Kiểm tra sức khỏe - BV E, cho biết thêm, để củng cố hoạt động khám sức khỏe và quản lý chặt chẽ việc khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe, BV đã thành lập khoa Kiểm tra sức khỏe từ ngày 20/5/2016 với nhiệm vụ: Khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người đi học, đi làm, cho người lái xe trong nước; Khám, cấp giấy sức khỏe cho người Việt Nam đi học nước ngoài, đi xuất khẩu lao động; Khám và cấp giấy sức khỏe cho người nước ngoài đến Việt Nam học tập và làm việc; Khám tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ cho các cơ quan, doanh nghiệp…
Cũng theo TS Hữu Thị Chung, rất nhiều người dân coi việc đi khám lấy giấy chứng nhận sức khỏe chỉ là thủ tục để hoàn thành hồ sơ, đủ thủ tục xin đi học, đi làm, bổ nhiệm. Họ cốt lấy được giấy chứng nhận cho nhanh không cần quan tâm đến kết quả khám ra sao nên khi có vấn đề về sức khỏe hoặc kết luận họ không đủ hoặc không được loại tốt là họ tỏ ra khó chịu.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động làm giả giấy sức khỏe để đáp ứng nhu cầu người dân: Có kết quả nhanh, rẻ, kết luận như ý… Thực tế tìm hiểu quy trình khám sức khỏe tại BV E được biết, để có giấy khám sức khỏe phải mất 2 giờ đồng hồ đi khám qua các bước: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, khám thể lực, khám nội ngoại khoa, mắt, tai mũi họng…
Qua giám sát vấn nạn này, cơ quan chức năng nhận thấy, việc khó ngăn chặn hành vi sản xuất và mua bán giấy khám sức khỏe. Bởi vì, việc làm giả và mua bán giấy khám sức khỏe là phi lợi nhuận, giá thành có thể tăng gấp 10 lần, thậm chí gấp 100 lần khiến nhiều kẻ vẫn muốn làm giàu bất chính dù biết đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Vì thế, chúng ta không thể đổ lỗi cho BV hay Bộ Y tế mà đó là ý thức của cộng đồng. Đặc biệt người dân không tiếp tay cho hành vi mua bán giấy khám sức khỏe thì mới mong dẹp bỏ vấn nạn này.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Hoàng Văn Thành khẳng định: Sau khi tiến hành thanh kiểm tra hàng loạt các BV trên cả nước, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ tổng kết, tham mưu giúp lãnh đạo Bộ Y tế trong việc quản lý hiệu quả công tác khám, cấp giấy khám sức khỏe cũng như giấy ra viện…
Ngoài ra, các BV cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động khám sức khỏe ngay tại BV để kịp thời phát hiện những sai phạm nếu có.