Hiểm họa độc tố trong đồ chơi trẻ em

Hiểm họa độc tố trong đồ chơi trẻ em
(GD&TĐ) - Không còn sôi động như những năm trước, nhiều cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên các phố Hàng Mã, Hàng Cân, Lương Văn Can (Hà Nội)… đã giảm khá nhiều lượng hàng bày bán, thậm chí có cửa hàng chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Tại các cửa hàng còn lại, đa số sản phẩm bày bán không đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi. Những sản phẩm này chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Nhiều cảnh báo!
Theo bác sĩ Lê Thanh Huyền (Bộ Y tế), trẻ có thể nhiễm độc từ các yếu tố thôi nhiễm nguy hiểm có trong các loại đồ chơi như siêu nhân, ô tô, bộ xếp hình... Các yếu tố này chính là các nguyên tố cấu tạo nên vật liệu nhựa, thủy tinh, kim loại, phẩm màu. Mặc dù không gây ra những bệnh cấp tính dữ dội song chúng lại có khả năng tích lũy và gây bệnh mãn tính với sự phát triển âm thầm và gây ra nhiều bệnh khác nhau. Một số bệnh điển hình là bệnh não, suy giảm trí tuệ, viêm gan, suy thận, teo thận, rối loạn giấc ngủ trẻ em, tan máu, ung thư gan, thận, phổi, dạ dày... Đây là những bệnh lý hệ trọng, cực kỳ nguy hiểm với trẻ em.
Thêm nữa, những cảnh báo từ cộng đồng quốc tế khiến người ta không khỏi giật mình lo ngại. Mới đây Liên minh châu Âu (EU) đã ra lệnh thu hồi 15 mặt hàng đồ chơi và trang phục trẻ em có xuất xứ Trung Quốc do các sản phẩm này chứa nhiều thành phần gây hại cho sức khỏe. Các sản phẩm trên đều bị xếp hàng “nguy hiểm” đối với trẻ em và bị cấm tiêu thụ tại thị trường châu Âu. Còn trong tháng 2/2013 vừa qua, Hải quan Mỹ cùng Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng nước này đã tịch thu gần 30.000 đồ chơi Trung Quốc trong lô hàng nhập khẩu qua cảng San Juan. Qua giám định, lô hàng này có hàm lượng chì vượt mức an toàn theo quy định của Mỹ.
b
Bạt ngàn đồ chơi độc hại được bày bán tự do trên thị trường. Ảnh: Xuân Tùng

 Không nên chủ quan

Điều đáng nói là những nguy cơ đã được cảnh báo, song bệnh hầu như không xảy ra tức thì, dẫn đến sự chủ quan của nhiều phụ huynh. Thông tin về những loại đồ chơi chứa chất độc hại đã được nhiều người biết đến, nhưng vì giá rẻ, hình thức bắt mắt nên vẫn thu hút được người mua.
Một điểm không thể phủ nhận là yếu tố về mặt thị trường, các sản phẩm đồ chơi đến từ Trung Quốc đang chiếm tới khoảng 90%. Bản thân người mua, dẫu có muốn tìm các sản phẩm đồ chơi do Việt Nam hoặc xuất xứ khác Trung Quốc cũng không hề dễ dàng. Chị Đào Thu Huệ ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Tôi có biết một số thông tin về đồ chơi có hóa chất độc hại, nhưng thật ra các cháu nó chơi một vài lần rồi bỏ đi nên chắc không có vấn đề gì. Bây giờ cũng chỉ có thể mua những loại đồ chơi đó chứ còn biết tìm được loại khác ở đâu nữa”.
Để phòng tránh những nguy cơ phát sinh từ đồ chơi cho các em nhỏ, đặc biệt trong dịp nghỉ hè này, một số chuyên gia khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên chọn những loại đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phù hợp với trẻ theo lứa tuổi. Tránh mua những loại đồ chơi có nhiều màu sặc sỡ, những đồ chơi trẻ có thể nhai, ngậm, mút hoặc những đồ chơi không rõ trong đó có những chất gì.
Anh Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.