Dự kiến, trong tháng này, quy định cụ thể về việc này sẽ ban hành. Đây được xem là tin vui đối với đội ngũ giáo viên trên cả nước, bởi những “giấy phép con” sẽ không còn là “rào cản” để nhà giáo phát triển sự nghiệp “trồng người”.
Quy định về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên từng là chủ đề được báo chí lên tiếng phản ánh, và ví như “giấy phép con hành giáo viên”, tạo ra những áp lực không đáng có cho đội ngũ thầy, cô giáo; thậm chí còn là “rào cản”, làm mai một lòng yêu nghề của nhà giáo. Thực tế cho thấy, để có được các chứng chỉ này, giáo viên vừa mất tiền, vừa mất thời gian và công sức. Điều đáng nói, phần lớn sau khi học xong, các loại chứng chỉ này gần như không phát huy tác dụng trong chuyên môn, nghiệp vụ.
Còn nhớ, tại nhiều kỳ họp của Quốc hội và các diễn đàn, hội thảo, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học luôn là đề tài được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Nhiều đại biểu thẳng thắn nêu lên những bất cập về nạn mua – bán chứng chỉ, dẫn đến những câu chuyện “dở khóc, dở cười”, “tiền mất, tật mang”… mà nạn nhân chính là các thầy, cô. Đây chính là hệ lụy của việc quy định giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học phục vụ cho việc tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng; đặc biệt Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng rất trăn trở và chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này trong suốt thời gian qua. Kết quả, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã đi đến thống nhất bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên. Tin vui này đã giải tỏa những băn khoăn, mối lo thường trực của hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước. Đáp ứng lòng mong mỏi của các thầy, cô giáo; thậm chí nhiều giáo viên mừng rơi nước mắt khi được “cởi trói” khỏi những quy định, ràng buộc không thiết thực mà bấy lâu nay họ vẫn canh cánh trong lòng.
Chẳng thế mà, ngay sau khi thông tin này được phát đi, không chỉ đội ngũ giáo viên, mà dư luận cũng đều đồng tình, hưởng ứng. “Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học” trở thành từ khóa “hot”, được tìm kiếm nhất trong 2 ngày qua. Bằng chứng là, nếu gõ từ khóa này trên Google, trong khoảng 40 giây sẽ cho kết quả là trên 19 triệu 300 nghìn tin, bài liên quan. Thế mới thấy mức độ quan tâm đến vấn đề này như thế nào?!.
Nói như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên, trong quá trình học sư phạm các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở các mức độ khác nhau, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực.
Ai cũng hiểu, ngoại ngữ, tin học là cần thiết không chỉ với giáo viên, mà còn với tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động - nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay. Tuy nhiên, với quy định như thời gian qua, vô hình trung khiến việc học bổ túc để được cấp chứng chỉ của giáo viên mang tính hình thức, chiếu lệ, không có giá trị về nâng cao năng lực sư phạm.
Khi ngoại ngữ, tin học đã được đưa vào chương trình đào tạo giáo viên, chúng ta nên nâng cao một cách phù hợp; để khi ra trường, giáo viên có đủ năng lực phục vụ công việc và phát triển nghề nghiệp.