Hết thời 'bỏ phố về rừng', nhà đầu tư homestay 'tháo chạy'

GD&TĐ - Giấc mộng 'bỏ phố về rừng' làm homestay vừa để nghỉ dưỡng, vừa có nguồn tiền thu nhập đều đặn của không ít nhà đầu tư đã… vỡ tan.

Loạt homestay, khu nghỉ dưỡng ngoại thành Hà Nội đang ồ ạt rao bán.
Loạt homestay, khu nghỉ dưỡng ngoại thành Hà Nội đang ồ ạt rao bán.

Sau những tháng ngày thu không đủ bù chi, nhiều chủ homestay phải rao bán khu nghỉ dưỡng theo kiểu “giá nào cũng bán”.

Rao bán, cắt lỗ

Trên diễn đàn “bỏ phố về rừng”, nhiều khu nghỉ dưỡng đang được chào bán với nhiều mức giá khác nhau kèm trạng thái “lời nhử” kiểu “cần bán gấp”, “chủ bận không quản lý cần bán”, “do nợ ngân hàng nên bán”…

Theo khảo sát của phóng viên, tại nhiều khu vực của các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn (Hà Nội) hay một số huyện của tỉnh Hòa Bình xuất hiện nhiều homestay được xây dựng trên các mảnh đất rộng trên 1.000 m2 đang được rao bán rầm rộ.

Đơn cử, một khu homestay tại huyện Ba Vì được xây dựng trên mảnh đất có diện tích 1.400 m2, trong đó có 220 m2 là đất ở, còn lại là đất vườn. Căn nhà đang được rao bán với giá hơn 10 tỉ đồng, có sức chứa khoảng 30 người, được chia thành 6 phòng ngủ. Hiện căn nhà được cho thuê nghỉ dưỡng với giá khoảng 10 triệu đồng/ngày đêm, dịp cuối tuần hoặc lễ sẽ phụ thu thêm 1 - 2 triệu đồng.

Tương tự, một khu homestay khác được rao bán cắt lỗ với giá 15 tỉ đồng tại huyện Ba Vì. Theo người bán, diện tích đất rộng 1.260 m2, trong đó có 200 m2 là đất thổ cư. Hiện chủ đất đã xây dựng sẵn một căn biệt thự 2 tầng và 2 bungalow (một loại hình nhà có diện tích nhỏ). Ngoài ra, khuôn viên tiểu cảnh đã được thiết kế tỉ mỉ, tâm huyết.

Hay một căn homestay khác tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình) được xây dựng trên mảnh đất 1.000 m2 đang được rao bán với mức giá 3 tỉ đồng. Môi giới cho biết, hiện căn homestay này được cho thuê với giá 5 triệu đồng/đêm. Do chủ nhà không còn nhu cầu kinh doanh nên tìm khách mua. Bên cạnh đó, thị trường đang chững lại nên chủ nhà mới bán với mức giá nêu trên, thực tế họ chấp nhận lỗ gần 1 tỉ đồng.

Nhiều khu nghỉ dưỡng có diện tích từ 5.000 m2 đến 10.000 m2 đã hoàn thiện cũng đang được rao bán với mức giá hàng chục tỉ đồng.

Anh Lê Thành Công làm nghề môi giới bất động sản tại Thạch Thất cho biết, hiện thị trường bất động sản có nhiều khó khăn nên khá ảm đạm, người bán nhiều nhưng người mua ít.

“Các homestay có quy mô nhỏ giá khoảng quanh 3 tỉ đồng có tính thanh khoản cao hơn, dễ chốt khách. Tuy nhiên, một số homestay có quy mô lên tới trên chục tỉ đồng rất ít khách mua quan tâm”, anh Công nói.

Theo anh Công, đa phần những chủ nhà đang cần bán gấp, chấp nhận giảm giá sâu do áp lực tài chính. Đồng thời, một số homestay nằm ở vị trí xa, heo hút nên ít khách thuê dẫn tới không có nguồn thu. Theo đó, họ đều mong bán càng nhanh càng tốt, mức giá giảm sâu 30 - 40% so với số tiền đầu tư.

“Thời điểm này nếu mua sẽ có lợi vì được giá rẻ hơn. Tuy nhiên, hiện nay khách thuê cũng ít hơn so với năm ngoái. Theo đó, nhà đầu tư ít vốn không dám liều vay để mua, còn người có tiền vẫn tiếp tục nghe ngóng”, người môi giới nói.

Lo sợ thanh tra đất rừng, đất nông nghiệp

Anh Phạm Công Phong, một môi giới chuyên về loại hình này chia sẻ, gần 2 tháng nay anh và đội nhóm đi khảo sát homestay để “săn” mua cho khách. Đa phần homestay rao bán đều nằm trong tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài. Ngay cả sau thời điểm hết giãn cách cho đến hiện nay, lượng khách của những homestay đều chật vật.

Anh Phong chia sẻ thêm, một lý do khác mà chủ homestay rao bán vì giới đầu tư truyền tin về việc thanh tra đất rừng, đất nông nghiệp. “Chúng tôi đi tìm homestay cắt lỗ. Đến khi kiểm tra pháp lý, chắc đến 100% khu nghỉ dưỡng vướng về pháp lý”, anh Phong nói.

Anh Duy Minh, một nhà đầu tư săn tìm homestay cho biết: “Nhiều chủ homestay rao bán ngầm vì họ không muốn ảnh hưởng đến công việc đang kinh doanh. Nhưng dù vậy, giá rất cao. Một tuần trước, tôi đi tìm mua, chủ homestay ở Hoà Bình rao bán khu nghỉ dưỡng khoảng hơn 10 phòng, diện tích 2 ha với giá 32 tỉ đồng. Một homestay khác ở Ba Vì, Hà Nội có diện tích 5.000 m2, chào bán 20 tỉ đồng”.

Theo anh Minh, mức giá này dù đang báo là “cắt lỗ”, nhưng thực tế vẫn cao. “Bỏ vài chục tỉ ra mua homestay thua lỗ, ước chừng người mua mới phải bỏ thêm vài tỉ để sửa sang và vận hành. Chưa kể, việc vận hành homestay ở thời điểm này khó có thể tạo ra doanh thu tốt do đa phần đều hoạt động theo hướng tự phát”, anh Minh chia sẻ.

Nhà đầu tư này còn cho rằng: “Rủi ro mua homestay ở thời điểm này rất lớn do vấn đề về pháp lý diện tích đất giao thoa giữa đất rừng, đất nông nghiệp và đất thổ cư. Hầu hết homestay xây dựng lấn đất rừng. Nếu rơi vào giai đoạn thanh tra, người mua mới gặp nhiều rủi ro và rắc rối”. Đây cũng là lý do anh Minh đang dừng lại cuộc tìm kiếm mua homestay cắt lỗ vì lo ngại pháp lý.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sự bão hòa của loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở ven đô đã được dự báo từ trước.

Đồng thời, một số trường hợp xây dựng tự phát không theo quy hoạch, sẽ dẫn đến nguy cơ lạm dụng và xâm lấn trái phép đất đai, tài nguyên và thậm chí là thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đất tiềm năng Cơ hội tài chính Dự án senturia an phú quận 2 hàng hóa phái sinh