Hạn chế năng lực Ngữ văn
Qua quan sát, trao đổi tình hình học tập của nhiều HS, thầy Đặng Quốc Trung - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn – GDCD Trường THPT Chu Văn An (Đồng Tháp) nhận thấy các em còn nhiều hạn chế về năng lực học tập.
Trước hết, HS còn thụ động trong quá trình học tập. Chỉ khi nào GV yêu cầu phát biểu thì các em mới dám nói. Thậm chí, có trường hợp HS ngại nói, có tâm lý ỷ lại hoặc không có chính kiến của riêng mình. Nhiều HS khác khi được hỏi đến cùng một nội dung câu hỏi thì trả lời có ý kiến giống bạn.
Mặt khác, kĩ năng đọc – hiểu văn bản cũng như kĩ năng viết của HS còn hạn chế. Đứng trước văn bản thường gặp nhiều em tỏ ra không hiểu nội dung chính, chưa xác định được phương thức biểu đạt của văn bản, thao tác, lập luận, phong cách ngôn ngữ… Kĩ năng viết dễ mắc lỗi chính tả, dùng từ đặt câu chưa rõ ràng. Thậm chí nhiều em không biết xác định đoạn văn và bài văn.
Đặc biệt, tình trạng HS có tâm lí ngại viết văn. Khi GV yêu cầu HS làm bài tập trên lớp hoặc trong giờ kiểm tra chung, HS viết rất ngắn, cộc lốc hoặc học thuộc văn mẫu. Không hề thể hiện sự suy nghĩ, sự sáng tạo của cá nhân khi tiến hành viết một bài văn…
Theo thầy Đặng Quốc Trung, nguyên nhân khiến HS lười học, học thụ động, ngại phát biểu, ngại viết… do các em chưa yêu thích môn Văn. Gia đình các em muốn con theo học các ngành thuộc khối khoa học tự nhiên. Mặt khác, cũng bởi GV chưa có sự đổi mới phương pháp giảng dạy thường xuyên; một số giờ dạy thiếu sức hút, sự hấp dẫn, “chạy đua” với thời gian vì dung lượng kiến thức dài…
Kinh nghiệm đổi mới phương pháp
Phương pháp đúng sẽ giúp HS không sợ học Văn. Ảnh: Đức Trí |
Từ đòi hỏi thực tế dạy học Ngữ văn, thầy giáo Đặng Quốc Trung đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực giúp HS học tốt hơn môn Ngữ văn.
Bên cạnh tiến hành soạn giáo án phù hợp với đối tượng giảng dạy, thầy Trung đã lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, rèn kĩ năng sống… cho HS thông qua các tiết dạy chủ đề tự chọn bám sát và giờ tăng tiết dạy 2 buổi/ngày. Những chuyên đề về đọc hiểu văn bản, nghị luận xã hội và nghị luận văn học cũng được biên soạn giảng dạy giúp HS được rèn luyện kĩ năng đọc hiểu, kĩ năng viết qua từng giờ học chuyên đề.
Trên lớp thầy giáo Trung chủ động đổi mới hình thức hoạt động giảng dạy khác nhau kết hợp nhiều phương pháp dạy học tích cực. Chẳng hạn, đầu giờ không gọi HS trả bài theo các bước lên lớp thông thường mà cố gắng xây dựng không khí lớp học thật thoải mái. GV tự điều chỉnh lời nói sao cho dễ hiểu nhất với ngữ điệu, cử chỉ và ánh mắt thân thiện…
Ngoài ra cũng thường xuyên cho HS rèn kĩ năng đọc hiểu văn bản, kĩ năng viết văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học trên lớp thông qua hệ thống bài tập đọc hiểu theo phát triển năng lực HS, ngân hàng đề kiểm tra chung…
Với sự đổi mới phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực HS mà kết quả có nhiều chuyển biến tích cực. Số HS tham gia phát biểu xây dựng bài tăng gấp nhiều lần so với đầu năm. HS có cơ hội để tự rèn tính trung thực và mạnh dạn phát biểu, có trách nhiệm với kết quả học tập của mình. Mặt khác, mỗi tiết dạy học Ngữ văn đã trở nên sinh động hơn trước. Kĩ năng đọc hiểu, nói và viết của HS cải thiện đáng kể…
Nói về dạy học theo định hướng phát triển năng lực ở môn Ngữ văn, ThS Đào Phương Huệ - Trường CĐSP Hà Tây cho rằng: Chất lượng giảng dạy cao hay thấp là tùy thuộc vào từng tiết dạy và thái độ của GV khi lên lớp. Chính vì vậy cần trang bị cho GV Ngữ văn những năng lực cần thiết để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao…
Muốn phát triển tư duy cho người học, GV Ngữ văn phải xác định các loại tư duy cần thiết để từ đó thiết kế nội dung, phương pháp thực hiện giúp người học đạt đến trình độ đó. Từ việc đánh giá mức độ thành thạo thao tác tư duy người học, GV kiểm tra, đánh giá mức thành công của mục tiêu đặt ra, từ đó kịp thời điều chỉnh bổ sung.
GV không chỉ cần nắm bắt thông tin mà còn phải thẩm thấu được thông tin, phân tích, đánh giá được khả năng sử dụng ngôn từ của tác phẩm, hình thành được mối giao cảm đặc biệt giữa tác giả và bạn đọc và có thể truyền thụ cách hiểu đó cho người khác hiểu. Để đạt được mục đích trên, GV cần có năng lực tổ chức, điều khiển các hoạt động nhận thức cho người học, nhằm từng bước dẫn dắt họ chủ động chiếm lĩnh tri thức, thể hiện suy nghĩ của mình về một vấn đề, một tình huống cụ thể trong đời sống…
Đối với SV Ngữ văn, từ khi còn trong trường ĐH cần được tập rèn kĩ năng phân tích vấn đề, lựa chọn tiếp thu những kiến thức cơ bản và trọng tâm, nâng cao bản lĩnh trong tư duy phản biện, bộc lộ chủ kiến và có quyết định hợp lý trong mọi tình huống. Có như vậy, SV sư phạm - giáo viên Ngữ văn trong tương lai mới chủ động, sáng tạo trong quá trình tiếp nhận tri thức để hoàn thiện chính mình.