Cách thức chúng ta vẫn đang triển khai khi phát hiện đàn lợn bị nhiễm bệnh là phun thuốc tẩy trùng, tiêu hủy số lợn bị mắc bệnh, cấm mua bán, vận chuyển lợn bị bệnh ra khỏi vùng có dịch… Cơn khủng hoảng thiếu thịt lợn trong những tháng cuối năm đang hiện dần trong đời sống của người dân.
Trong lúc cả nước nín thở chờ cơn lốc dịch tả lợn châu Phi chấm dứt thì điều kỳ diệu đã xuất hiện: Cuối tháng 7 vừa qua, đàn lợn 39 con của bà Đỗ Thị Nhung ở xã Quang Trung (Thống Nhất, Đồng Nai) bỏ ăn. Cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho dương tính với bệnh tả lợn châu Phi nên toàn bộ đàn lợn trị giá 100 triệu đồng của bà Nhung lập tức bị tiêu hủy.
Sau đó vài hôm, một đàn lợn khác cũng của bà Nhung bắt đầu sốt li bì và bỏ ăn. Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, bà Nhung cho đàn lợn ăn hèm rượu do nhà nấu, đồng thời đổ nước nấu hèm còn nóng ra chuồng với mục đích sát trùng rồi xông chuồng bằng mùn cưa, bồ kết để giữ ấm cho lợn. Chỉ vài giờ sau động thái đó, đàn lợn bắt đầu ăn được hèm rượu. Chúng đi lại chứ không còn nằm li bì vì sốt nữa.
Sau khi có mẫu xét nghiệm, Ban Phòng chống dịch của địa phương đã thông báo cho bà Nhung biết rằng đàn lợn thứ hai ấy đã dương tính với dịch tả lợn châu Phi, cần phải tiêu hủy như đàn lợn 39 con trước đó. Tuy nhiên, vì thấy lợn đã bắt đầu ăn trở lại và khỏe dần lên, bà Nhung xin được tiếp tục giữ lại và chữa trị bằng phương pháp nói trên. Tổ công tác theo dõi dịch tả lợn ở địa phương đã báo cáo lên huyện Thống Nhất và tỉnh Đồng Nai toàn bộ sự việc sau khi họ đã chứng kiến đàn lợn khỏe mạnh trở lại. Ban chỉ đạo chống dịch đã nhất trí với phương án chữa trị theo phương pháp “kỳ lạ” này.
Sau nửa tháng theo dõi và lấy mẫu xét nghiệm mới, ngày 17/8, kết quả cho âm tính trên đàn lợn 15 con của bà Nhung. Phấn khích trước bất ngờ này, Ban Chỉ đạo chống dịch ở Đồng Nai đã giao tiếp 20 con lợn của một gia đình khác đang bị nhiễm bệnh cho bà Nhung chăm sóc theo cách đó. Tại cuộc họp báo hôm 23/8, Ban Chỉ đạo đã thông tin, 20 con lợn nói trên đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu huyết thanh đi xét nghiệm nhằm tìm kháng thể nhưng kết quả là không tìm thấy. Như vậy, việc chữa bệnh theo phương pháp của bà Nhung đã có kết quả bước đầu.
Bà Nhung chữa bệnh cho lợn theo cách “còn nước còn tát” vì xót của chứ hoàn toàn không phải theo bất cứ một phương pháp khoa học nào cả. Thế nhưng, bà đã mang đến một sự “vỡ lẽ” cho rất nhiều người, kể cả các nhà chuyên nghiên cứu để tìm loại vắc xin ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Trong khoa học, kết quả nhiều khi đến từ sự ngẫu nhiên chứ không hẳn là từ những mày mò lao tâm khổ tứ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bước đầu, đang hé mở lời giải cho bài toán về dịch tả lợn châu Phi. Rất mong các nhà khoa học để tâm đến sự việc hy hữu này để có thể nhân rộng ra cho nhiều người cùng tham gia cứu đàn lợn đang lâm nguy.