Hệ thống tưới cây từ xa của học trò trường làng

GD&TĐ - Hàng ngày nhìn thấy người thân dành nhiều thời gian để tưới nước hành và ớt, nhiều bạn đến lớp trễ vì phải phụ gia đình tưới cây.

Hệ thống tưới cây từ xa được em Trần Quang Huy mô phỏng bằng sơ đồ.
Hệ thống tưới cây từ xa được em Trần Quang Huy mô phỏng bằng sơ đồ.

Cậu học trò trường làng Trần Quang Huy - lớp 11A3 Trường THPT Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hình thành ý tưởng sáng chế hệ thống tưới nước điều khiển từ xa.

Quang Huy cho biết, em thấy các cô chú nông dân phải dành nhiều giờ đồng hồ mỗi sáng để tưới hành và ớt. Những hộ trồng ở diện tích lớn phải thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng mới có đủ nước và tưới kịp giờ. Em mong muốn giúp người nông dân giảm công lao động, tiết kiệm nước, giảm chi phí sản xuất.

Em suy nghĩ đến hệ thống tưới cây tự động có cảm biến độ ẩm, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, có thể làm nhiều công việc hơn trong cùng một thời gian (vừa tưới cây, vừa chở con đi học, vừa có thể đi chợ...).

So với kéo ống nước tưới theo cách truyền thống, người nông dân không biết được cây có thực sự cần nước hay không và cần bao nhiêu nước. Chưa kể, mỗi loại cây trồng lượng nước tưới phải điều chỉnh khác nhau, mỗi thời kì tăng trưởng của cây lượng nước tưới cũng thay đổi cho hợp lí. Bằng mắt thường, sẽ không thể biết chính xác lượng nước cần tưới bao nhiêu là đủ.

Theo Quang Huy, sản phẩm của em được gắn thêm thiết bị cảm biến độ ẩm nhằm giúp người dân có khả năng kiểm soát lượng nước tưới. Ví dụ cây hành tím cần độ ẩm đất 70 - 80% thì căn cứ vào bản báo độ ẩm trên màn hình điện thoại tưới cho đúng, tránh lãng phí thời gian và nước tưới.

So với các sản phẩm có mặt trên thị trường hiện nay, sản phẩm của em có giá thành rẻ hơn rất nhiều. Hiện, một chiếc máy điều khiển tưới nước trên thị trường khoảng 300.000 đồng hoặc cao hơn. Còn đối với sản phẩm của em giá chỉ 83.000 đồng (sử dụng hệ thống wifi thân thiện với người dùng), rẻ hơn rất nhiều so với thị trường.

Khi lắp đặt hệ thống vào sản xuất với 1 công (1.000 m2) khoảng 500.000 đồng. Đối với cách tưới truyền thống, giá nhân công tưới 1 công đến hết vụ (từ 75 - 90 ngày) khoảng 2.000.000 đồng. Với sự chênh lệnh khoảng 4 lần, sản phẩm của em sẽ là một lựa chọn phù hợp cho nông dân”, Quang Huy cho biết thêm.

Em Trần Quang Huy.
Em Trần Quang Huy.

Quang Huy chia sẻ, để tạo ra sản phẩm, cần những vật liệu điện tử như Mạch Node-MCU, Relay 5V, công tắc xoay, đèn báo, mạch đo độ ẩm… tổng số tiền mua những thứ này là 83.000 đồng. Khi vận hành người dân chỉ cần bấm vào nút bật trên điện thoại, nếu muốn chọn thời gian hoạt động có thể sử dụng bộ hẹn giờ trên điện thoại. Lúc đó hệ thống sẽ tự động tưới hoặc ngưng tùy vào cách cài đặt của người sử dụng.

Theo Quang Huy, sản phẩm của em nếu được áp dụng vào thực tế, sẽ giúp người nông dân tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất. Thay vì người dân phải tự ra đồng tưới nhiều giờ đồng hồ trong hai buổi sáng chiều; hoặc thuê nhân công với mức giá hiện tại là 2.000.000 đồng/1.000 m2/1 mùa vụ.

Trong khi đó sản phẩm của em với toàn bộ chi phí lắp đặt ống chỉ tiêu tốn số tiền rất ít, giảm hơn 4 lần so với số tiền thuê người làm, tiết kiệm thời gian cho người nông dân. Họ chỉ cần ngồi tại nhà, bấm vào nút là cả vườn cây sẽ được tưới. Điều này giúp người dân có thể làm thêm những công việc khác, tăng thêm thu nhập hoặc có thời gian vui chơi giải trí nhiều hơn.

“Sản phẩm này phù hợp với nhiều loại cây trồng trong nông nghiệp như: Hành, các cây ăn quả, cây lâu năm và phù hợp với túi tiền đầu tư của người nông dân quê em cũng như ở nơi khác. Chỉ cần điện thoại thông minh được kêt nối wifi là sử dụng được thiết bị này”, Quang Huy cho biết thêm.

Nhận xét về cậu học trò trường làng, thầy Huỳnh Bửu Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Hải cho biết: “Em Trần Quang Huy là một học sinh ngoan, hiền, lễ phép, hòa đồng với bạn bè. Tính cách hiền lành và hay quan tâm giúp đỡ những người xung quanh.

Nhà trường rất vui khi biết em Quang Huy đoạt giải cuộc thi với sản phẩm Hệ thống tưới cây từ xa. Hy vọng rằng trong thời gian tới sản phẩm của em được áp dụng không chỉ cho người dân ở xã Lạc Hòa, xã Vĩnh Hải mà được áp dụng rộng rãi ở tất cả mọi nơi vì chi phí để tạo ra sản phẩm chỉ 83.000 đồng.

Số tiền này thì không quá lớn để giúp cho nông dân sử dụng. Ngoài ra sản phẩm còn giúp cho các em học sinh chủ động được thời gian đến trường khi không còn phải phụ giúp cha mẹ tưới nước ngoài đồng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.