Hệ thống phòng thủ của Israel ở đâu?

GD&TĐ - Chúng ta biết gì về THAAD? Liệu đây có phải là phép màu phòng thủ Israel tìm kiếm để chống lại các cuộc tấn công tên lửa tiếp theo của Iran?

Hệ thống Arrow 3 của Israel.
Hệ thống Arrow 3 của Israel.

THAAD là gì?

Hãng Al Arabiya dẫn tuyên bố của Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Pat Ryder cho biết: "Theo chỉ đạo của Tổng thống Biden, Bộ trưởng Austin đã cho phép triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và kíp trắc thủ tới Israel giúp Tel Aviv tăng cường khả năng phòng thủ sau các cuộc tấn công chưa từng có của Iran vào Israel vào ngày 13 tháng 4 và 1 tháng 10".

Sau đây là những điều cần biết về hệ thống vũ khí tinh vi của Mỹ: Được phát triển vào những năm 1990 và đưa vào sử dụng trong Quân đội Mỹ vào năm 2008, THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo được thiết kế để đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm trung trong giai đoạn cuối.

Được phát triển bởi Lockheed Martin, THAAD được thiết kế để tiêu diệt các đầu đạn của đối phương chỉ bằng lực động, với các đạn đánh chặn dài 6,17 m, 900 kg, trị giá 12 triệu đô la.

Đạn tên lửa của THAAD được trang bị động cơ Pratt & Whitney Rocketdyne nhiên liệu rắn một tầng có vectơ lực đẩy và khả năng tăng tốc lên tới Mach 8,2. THAAD có tầm bắn từ 150-200 km, trần bắn tối đa 150 km.

Mỗi xe phóng HEMTT-LHS của THAAD mang theo tám tên lửa đánh chặn, cùng với các xe phóng và một xe chỉ huy & điều khiển, hệ thống sử dụng radar tìm kiếm & theo dõi Raytheon AN/TPY-2 X-band với phạm vi phát hiện 1.000 km.

Tài liệu quảng cáo về khả năng sát thương và tỷ lệ bắn trúng/tiêu diệt mục tiêu của THAAD vượt trội. Hệ thống này đã chứng minh được sự thành công trong thử nghiệm chống lại tên lửa loại SCUD cổ điển của thập niên 60 và tên lửa đạn đạo tầm trung-xa IRBM do Mỹ sản xuất.

Nhưng việc sử dụng THAAD trong chiến đấu đã chứng minh không hiệu quả như nhà sản xuất công bố. sự việc diễn ra vào tháng 1 năm 2022 trước một loạt tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái của Houthi.

Nhiều đạn của THAAD đã được phóng đi nhưng không đánh chặn được tất cả các tên lửa của đối phương, khiến cơ sở hạ tầng tại sân bay Abu Dhabi bốc cháy và phá hủy ba xe chiến đấu chở quân gần một căn cứ quân sự có quân đội Mỹ, Pháp và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Sự không hài lòng của Abu Dhabi với hiệu suất của THAAD có thể đã thúc đẩy họ mua một số lượng không được tiết lộ các hệ thống phòng không tầm ngắn đến trung bình SPYDER do Rafael/Israel Aerospace Industries sản xuất từ ​​Israel.

Đây không phải lần đầu Mỹ triển khai THAAD ở Israel, nhưng không rõ hệ thống này ở đâu trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran vào tháng 4 và tháng 10 năm nay, khi nhiều tên lửa xuyên thủng hệ thống phòng thủ và vươn tới mục tiêu.

Mỹ cũng đã triển khai THAAD tới Hàn Quốc và Romania trong bối cảnh căng thẳng với Bình Nhưỡng và Moscow. Quân đội Mỹ được biết là vận hành 7-8 khẩu đội THAAD và cùng với UAE, hệ thống này cũng đã được Saudi Arabia mua.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel ở đâu?

Thoạt nhìn, các báo cáo về việc triển khai THAAD của Mỹ tại Israel có vẻ trái ngược với nhiều năm quảng cáo về năng lực phòng thủ tên lửa và phòng không nhiều lớp của Israel.

Ví dụ, tên lửa David's Sling mới của Rafael/Raytheon có khái niệm đánh chặn động học đầu cuối tương tự, tầm bắn 250-300 km, nhưng chỉ đạt độ cao tối đa 15 km.

Các phương tiện tiêu diệt siêu cơ động của David's Sling tăng tốc lên tới Mach 7,5 và có giá được báo cáo là 1 triệu đô la một quả đạn.

Đối phó với những mục tiêu đạn đạo, Israel có Arrow bao gồm hệ thống đánh chặn Arrow 2 và 3, những hệ thống này được thiết kế để bắn hạ tên lửa tầm ngắn, tầm trung. Tầm bắn từ 90-150 km (Arrow 2) đến 2.400 km (Arrow 3), trần bay ngoài khí quyển, tốc độ bay Mach 9+ và giá 3,5 triệu đô la (Arrow 2) hoặc 62 triệu đô la (Arrow 3) mỗi quả đạn.

Các hệ thống này được cho là đã triển khai trong các cuộc tấn công của Iran vào tháng 4 và tháng 10 vào Israel, trong đó David's Sling được cho là đã được sử dụng trong cuộc tấn công sau, và cả ba hệ thống này đều không đủ khả năng ngăn chặn tên lửa của Iran bay qua.

Chính vì vậy, việc triển khai THAAD của Mỹ mang tính biểu tượng về sự ủng hộ liên tục của Mỹ đối với Israel - quốc gia có hệ thống phòng thủ tên lửa dày đặc và được cho là tối tân hàng đầu thế giới nhưng đã bị 200 tên lửa đạn đạo của Iran áp đảo, dù diện tích cần phải bảo vệ chưa đầy 22.000 km vuông - tương đương diện tích tiểu bang New Jersey của Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng ký kết hợp tác với Công ty CP Devis Tập đoàn Avestos (CHLB Đức) trong việc đưa sinh viên sang Đức làm việc.

Trường nghề theo chuẩn châu Âu

GD&TĐ - Nhiều trường nghề ở Đà Nẵng không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường châu Âu...