Thông tin về cuộc thử nghiệm được Cơ quan Nghiên cứu Dự án Phòng thủ Tiên tiến (DARPA) hôm 30/1 cho biết, Không quân Mỹ hoàn tất thử nghiệm vũ khí siêu thanh sử dụng động cơ hút khí tự nhiên (HAWC).
Phiên bản tên lửa do Lockheed Martin phát triển với động cơ scramjet Aerojet Rocketdyne, có nhiệm vụ nén không khí liên tục để di chuyển với tốc độ siêu thanh, cuộc thử nghiệm đã hoàn thành mọi mục tiêu đề ra trước đó.
Tuyên bố của DARPA cho biết: "Vụ thử thành công của HAWC sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng cho các nỗ lực hoàn thiện công nghệ siêu vượt âm của Phòng Nghiên cứu Lực lượng Không quân (AFRL)".
Trong thử lần thử nghiệm cuối, HAWC bay với tốc độ trên Mach 5, đạt độ cao hơn 18km và bay xa gần 600km. DARPA cho biết thêm, thử nghiệm thành công cho thấy năng lực và hiệu suất của nguyên mẫu HAWC đã hoàn thiện.
Cơ quan DARPA lên kế hoạch hoàn thiện mẫu vũ khí siêu thanh trong chương trình Thêm Cơ hội với HAWC (MOHAWC), trong đó chế tạo và thử nghiệm loạt phương tiện siêu thanh dựa trên thành công của HAWC. Những mẫu tên lửa này sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của động cơ scramjet và cung cấp công nghệ cho những nền tảng vũ khí khác trong thời gian tới.
Chương trình siêu thanh HAWC ban đầu được thiết kế để tấn công mặt đất, nhưng các nhà quân sự Mỹ muốn tăng thêm nhiệm vụ diệt mục tiêu trên biển để thêm lựa chọn cho quân đội Mỹ.
Điều làm nên sự đáng sợ của vũ khí siêu thanh này là chúng có thể được triển khai trên nhiều dòng máy bay khác nhau như F-35C, F/A-18E/F, máy bay P-8A Poseidon, cùng các oanh tạc cơ B-1B và B-52 của Mỹ.
Đánh giá về tuyên bố của DARPA về HAWC, tờ National Interest cho rằng, thử nghiệm thành công chưa nói lên điều gì bởi hiện tại, Mỹ đang bộc lộ sự yếu kém của mình trong việc phát triển vũ khí siêu thanh tấn công cũng như khả năng đánh chặn chúng.
Tờ báo này cho rằng, Mỹ cần nhanh chóng phát triển và triển khai cả năng lực vũ khí siêu vượt âm tấn công và phòng thủ, bởi nước này đang bị lạc hậu khi Nga đã thử nghiệm và triển khai tên lửa siêu vượt âm, trong khi Washington mới chỉ dừng lại ở các cuộc thử nghiệm nguyên mẫu.
Mỹ hiện vẫn chưa triển khai bất kỳ vũ khí siêu vượt âm nào và các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có của Mỹ vẫn chưa có khả năng bắn hạ vũ khí siêu vượt âm của đối thủ, khiến Mỹ rất dễ bị tổn thương vào thời điểm hiện tại nếu bị loại vũ khí này tấn công.
Vũ khí siêu thanh là vũ khí thế hệ mới có thể bay với tốc độ từ Mach 5 trở lên và có khả năng cơ động cao và thay đổi quỹ đạo nhằm né tránh đòn đánh chặn từ đối thủ.
Báo Mỹ cho biết thêm, hiện nay Nga đã triển khai dòng vũ khí tối tân này ở cả dạng phóng từ trên không với Kinzhal và phóng từ trên biển Zircon.
Chính vì vậy, các chiến lược gia và nhà quân sự Mỹ đã phần nào bi quan về thách thức mà vũ khí siêu thanh đặt ra. Bởi chúng có thể khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington trở nên lỗi thời.