Đầu tư bất động sản, năng lượng tái tạo:

Hệ sinh thái Vietracimex gánh nhiều khoản nợ

GD&TĐ - Dư nợ trái phiếu của Vietracimex ở mức 7.074 tỉ đồng, giảm gần 500 tỉ đồng so với cuối năm 2021.

Dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (Hinode Royal Park) tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) có quy mô khoảng 146 ha do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex - nay đổi tên thành WTO) làm chủ đầu tư.
Dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (Hinode Royal Park) tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) có quy mô khoảng 146 ha do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex - nay đổi tên thành WTO) làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, các thành viên trong hệ sinh thái của doanh nghiệp cũng thường xuyên sử dụng tài sản để cầm cố ngân hàng.

Chân dung Vietracimex

Vietracimex tiền thân là Nhà máy vật liệu Hà Nội, được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp vật tư, Bộ GTVT. Công ty này hoạt động chính trong 4 lĩnh vực gồm: Bất động sản, sản xuất công nghiệp, năng lượng và thương mại dịch vụ.

Tới năm 2014, Vietracimex chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với quy mô vốn điều lệ đăng ký hơn 5.510 tỉ đồng. Đến tháng 8/2018, sau khi SCIC thoái vốn, cơ cấu cổ đông của Vietracimex bao gồm: Võ Nhật Thăng, nắm giữ 99,988% vốn điều lệ; Vũ Đức Toàn, nắm giữ 0,011% vốn điều lệ và bà Vũ Thị Mai Loan, nắm giữ 0,001% vốn điều lệ.

Khoảng giữa năm 2020, Vietracimex tăng vốn điều lệ lên hơn 8.510 tỉ đồng. Đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của công ty đã lên đến hơn 12.510 tỉ đồng. Trong đó, ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT góp 12.509,4 tỉ đồng, sở hữu 99,99% vốn cổ phần. Còn lại ông Vũ Đức Toàn vẫn góp 595 triệu đồng và bà Vũ Thị Mai Loan góp 60 triệu đồng.

Trong lĩnh vực bất động sản, Vietracimex sở hữu một loạt dự án quy mô lên tới hàng nghìn tỉ đồng, như Dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai (quy mô 2,8 ha, tổng mức đầu tư 5.182 tỉ đồng), Dự án Hinode Garden City (tên cũ là dự án Kim Chung - Di Trạch) tại xã Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội (quy mô 146,8 ha, tổng mức đầu tư 26.000 tỉ đồng), Dự án Bất động sản nghỉ dưỡng Sunrise VNT Phú Quốc (quy mô 44,46 ha, tổng mức đầu tư 2.990 tỉ đồng).

Những năm gần đây, Vietracimex còn được biết đến là một tay chơi đình đám trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam khi liên tục đổ vốn vào các dự án lớn. Vietracimex đã đầu tư vào một loạt dự án, tiêu biểu như Nhà máy Thủy điện Bắc Mê (Hà Giang); thủy điện Tà Thàng (Lào Cai) và đặc biệt là hai Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1A, Hồng Phong 1B (Bình Thuận) với tổng mức đầu tư lần lượt 2.832 tỉ đồng và 4.198 tỉ đồng.

Dư nợ trái phiếu hơn 7.000 tỉ đồng

Tổng Công ty Cổ phần thương mại xây dựng (Vietracimex - WTO) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính. Kết thúc năm 2022, Vietracimex báo lãi sau thuế hơn 453 tỉ đồng, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) tăng từ 2,3% lên 3,1%.

Tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Vietracimex là hơn 14.437 tỉ đồng, tăng nhẹ so với số đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 2,11 lên 2,47 tương ứng tổng nợ phải trả vào cuối năm ngoái lên đến gần 35.660 tỉ đồng, tăng gần 6.200 tỉ đồng so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, dư nợ trái phiếu lại giảm gần 500 tỉ đồng so với cuối năm 2021, xuống còn 7.074 tỉ đồng tại thời điểm 31/12/2022.

Trong năm 2022, nhóm Vietracimex cùng Hòa Thắng, Hồng Phong 1 gây chú ý khi mua lại 833 tỉ đồng trái phiếu trước hạn.

Được biết, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), Chứng khoán MBS là các bên tham gia thu xếp cho nhiều đợt phát hành trái phiếu của Vietracimex và các đơn vị thành viên. Thậm chí, MB còn là trái chủ của 3 lô trái phiếu của Vietracimex phát hành với tổng giá trị 1.630 tỉ đồng.

Đầu năm 2023, Vietracimex đã thế chấp tại MB tài sản đảm bảo là toàn bộ các khoản lợi thu được từ Dự án Chung cư cao tầng CT-1 thuộc Dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch. Ngoài ra, nhiều thành phần khác của dự án khu đô thị mới này cũng được Vietracimex thế chấp ở MB.

Từ tháng 9/2022 đến tháng 2/2023, thành viên trong nhóm Vietracimex là Công ty Cổ phần năng lượng Hồng Phong 1 đã thế chấp tại MB, Credit Guarantee and Investment Facility, A Trust Fund of The Asian Development Bank, và ING Bank N.V., Singapore Branch các khoản tiền ghi có theo hợp đồng được ký giữa Hồng Phong 1 và Kosher Climate India Private Limited Inc.

Hệ sinh thái thế chấp nhiều tài sản

Ngoài huy động vốn từ kênh trái phiếu để tập trung cho các dự án năng lượng, thì chính bản thân các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái Vietracimex còn thế chấp dự án của mình tại các ngân hàng.

Theo đó, tháng 6/2021, Công ty Cổ phần năng lượng Cà Mau 1A thế chấp toàn bộ các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất phát sinh từ Dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A làm tài sản bảo đảm cho khoản tín dụng của mình tại Ngân hàng MB.

Đến tháng 9/2021, Công ty Cổ phần năng lượng Cà Mau 1B đã thế chấp toàn bộ các khoản lợi thu được từ Dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1B do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư tại Ngân hàng MB.

Trước đó, vào tháng 5/2020, Công ty Cổ phần năng lượng Hồng Phong 2, đơn vị phát triển Dự án Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1B tại địa chỉ xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, đã thế chấp các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất gắn liền với Dự án Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1B, cũng ở Ngân hàng MB.

Trong năm 2020, một phần tài sản liên quan đến dự án Kim Chung - Di Trạch được dùng làm tài sản đảm bảo các lô trái phiếu do Công ty Cổ phần năng lượng Hồng Phong 2 (thuộc hệ sinh thái Vietracimex) phát hành.

Ngoài ra, cổ phần của Vietracimex cũng được cổ đông lớn của công ty sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản tín dụng lên đến hàng trăm tỉ đồng của mình. Cụ thể, tháng 6/2021, ông Võ Nhật Thăng đã thế chấp 100 triệu cổ phần của mình tại Vietracimex cho khoản vay có giá trị 890 tỉ đồng tại Agribank.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ