PGS.TS Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã trao đổi với Báo GD&TĐ về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học.
- Xin PGS cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học nên có những gì?
- Để có thể hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đòi hỏi một quá trình vun đắp, phát triển, kết nối lâu dài và bền vững. Khái niệm khởi nghiệp chỉ trở nên quen thuộc với hầu hết sinh viên của các trường ĐH, CĐ vài năm gần đây. Thế nhưng, môn học khởi sự kinh doanh đã được các trường ĐH đào tạo kinh doanh, trong đó có Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng đưa vào giảng dạy từ rất sớm, từ năm 2009.
Mục tiêu của môn học là tạo cho sinh viên khối ngành này được truyền cảm hứng về khởi nghiệp. Chương trình được giảng viên dày công nghiên cứu, tìm hiểu để chuyển đổi khối kiến thức khởi nghiệp được phát triển ở phương Tây vào điều kiện Việt Nam, các thầy cô còn luôn tích cực tham gia vào các hoạt động thực tiễn để đưa lồng ghép những nhu cầu rất thiết thực trong đời sống vào qui trình nhận diện, phát triển ý tưởng kinh doanh.
Không chỉ giới hạn trong khuôn khổ môn học, nhà trường còn có chủ trương khuyến khích sự hợp tác giữa các khoa, phòng ban chức năng nhằm tối ưu hóa hiệu quả của các chương trình Khởi nghiệp. Chẳng hạn, Khoa Quản trị Kinh doanh, Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, Đoàn Thanh niên của Trường trong nhiều năm liền đã song hành cùng nhau để thực hiện các hoạt động, dự án phát triển khởi nghiệp trong nhà trường. Trong tương lai, chúng tôi cũng khuyến khích toàn thể cán bộ trong nhà trường nỗ lực thương mại hóa sản phẩm, chuyển giao công nghệ để hướng đến xây dựng mô hình trường Đại học khởi sự.
- Theo bà vai trò của nhà trường được thể hiện như thế nào với vấn đề khởi nghiệp của sinh viên?
Từ năm 2016 – nay, dưới sự tài trợ của Chính phủ Ireland và sự phối hợp của Viện Công nghệ Cork, cuộc thi Đà Nẵng Startup Runway đã thu hút sự tham gia của sinh viên các trường đại học và cao đẳng khu vực miền Trung và Tây Nguyên với hàng nghìn ý tưởng kinh doanh và Trường đã gửi nhiều dự án khả thi đi huấn luyện khởi nghiệp tại Trung tâm khởi nghiệp Rubicon (Ireland).
Ngoài ra, trong những ngày đầu theo đuổi định hướng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nhà trường đã kết nối với các cộng đồng khởi nghiệp như Hội doanh nghiệp trẻ & doanh nhân trẻ tổ chức hoạt động đào tạo, hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp và các cuộc thi khởi nghiệp. Năm 2006, chúng tôi đã có CLB Khởi nghiệp Kinh tế nhằm quy tụ những bạn trẻ đam mê khởi nghiệp cùng tham gia hoạt động để trao đổi về những ý tưởng, kinh nghiệm, hình thành những cộng đồng nhỏ về khởi nghiệp của SV ngay trong trường. Nhờ đó, đến nay Trường đã đào tạo khởi nghiệp cho hàng nghìn SV với hàng nghìn ý tưởng khởi nghiệp của các nhóm. Đây cũng chính là lực lượng startup trẻ tham gia vào thị trường kinh tế của miền Trung - Tây Nguyên trong những năm gần đây.
Từ kinh nghiệm và thực tiễn của chính Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, chúng tôi thấy rằng để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp cần có tầm nhìn và định hướng dài hạn, tạo lập văn hóa và môi trường khởi sự, sự phối hợp giữa các phòng ban chức năng để hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp và phải kết nối với cộng đồng khởi sự trong nước và quốc tế.
- Có nhận xét cho rằng, các khóa đào tạo về khởi nghiệp hiện nay mới chủ yếu tập trung vào giai đoạn khởi nghiệp và bỏ qua giai đoạn tăng trưởng. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Các khóa đào tạo ngắn hạn chủ yếu tập trung vào giải quyết vấn đề làm sao để khởi nghiệp và khởi nghiệp như thế nào chứ khó có thể cung cấp được đầy đủ kiến thức quản trị cho giai đoạn tăng trưởng. Trong chương trình đào tạo Khởi sự Kinh doanh nói riêng và chương trình đào tạo tổng quan, chúng tôi luôn trang bị cho SV những kiến thức nền tảng liên quan đến các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hàng năm nhà trường vẫn tổ chức các Hội thảo, tọa đàm liên quan về các vấn đề khởi sự và kinh doanh ở các tổ chức trong các giai đoạn phát triển đa dạng trong nước và quốc tế để bổ sung kịp kiến thức kịp thời và phục vụ cho nhu cầu học tập suốt đời của các nhà khởi nghiệp.
Một khía cạnh quan trọng trong hệ sinh thái khởi sự như chúng tôi đề cập ở trên đó là cộng đồng khởi sự. Sự chia sẻ về những áp lực tâm lý trong giai đoạn khởi nghiệp, những thách thức cần vượt qua trong giai đoạn tăng trưởng, sự hợp tác, chia sẻ nguồn lực tài chính, con người, các mối quan hệ hợp tác, đối tác… chính là chìa khóa để chúng tôi hướng đến sự bền vững và dài hạn của hệ sinh thái khởi sự.
- Theo dõi cuộc thi Startup Runway do Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tổ chức, chúng tôi nhận thấy sự liên kết, tính cộng đồng thể hiện rất rõ nét. Bà có thể chia sẻ về điều này?
- Tính cộng đồng và liên kết chính là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của hoạt động khởi sự. Như tôi đã nói ở phần trước, các thầy cô luôn đem những vấn đề, những nhu cầu trong xã hội lồng ghép vào nội dung đào tạo và các chương trình, hoạt động khởi nghiệp. Nhờ đó, những ý tưởng được SV phát triển cũng quan tâm tính cộng đồng, tính khả thi, thực tiễn cao, vừa góp phần phát triển xã hội, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho cá nhân. Điều này thể hiện rất rõ trong cuộc thi Đà Nẵng Startup Runway. Sự liên kết giữa người trẻ và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng cực kì quan trọng. Đây sẽ là dịp để các nhà đầu tư tìm thấy được những ý tưởng tiềm năng để đồng hành lâu dài, cũng là dịp để người trẻ được học hỏi kinh nghiệm từ những người thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp.
- Xin cảm ơn PGS!