Hệ quả việc NATO phá vỡ vùng đệm an ninh cuối cùng

GD&TĐ - Theo chuyên gia, xung đột Nga-Ukraine chính là hệ quả từ việc NATO đã phá vỡ vùng đệm an ninh cuối cùng, thu hẹp không gian an ninh của Moscow.

Sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Belarus và Ukraine là những mảnh ghép cuối cùng trong vùng đệm an ninh của Nga
Sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Belarus và Ukraine là những mảnh ghép cuối cùng trong vùng đệm an ninh của Nga

Còn quá sớm để Ukraine gia nhập NATO

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva), Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 09/7 đã cảnh báo rằng, Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ sa vào một cuộc chiến tranh với Moscow, nếu chấp thuận đơn gia nhập của Kiev, trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine kết thúc.

Tổng thống Mỹ đề cập tới Điều 5 Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể, trong đó tuyên bố rằng, cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều nước NATO sẽ được coi là đòn tấn công chống lại toàn bộ liên minh và họ có thể cân nhắc sử dụng vũ lực để đáp trả.

Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, còn quá sớm để kêu gọi các thành viên bỏ phiếu trong Hội nghị Thượng đỉnh NATO tháng 7 này, vì hiện có những điều kiện khác cần được đáp ứng đầy đủ.

Ông khẳng định rằng, việc kết nạp Ukraine phải được sự đồng thuận của tất cả các thành viên NATO, mà nhiều nước trong khối chắc chắn sẽ không nhất trí về đơn xin gia nhập của nước này vào thời điểm hiện nay, khi Ukraine đang xảy ra xung đột quân sự với nước láng giềng Nga.

NATO phải chịu áp lực từ mỗi quốc gia thành viên của mình, trong khi chính phủ mỗi nước cũng phải chịu sức ép từ các đảng phái chính trị đối lập, sự chỉ trích chính người dân nước mình về quyết định viện trợ cho chính quyền Kiev và ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.

Do đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, các thành viên NATO một mặt sẽ khẳng định cam kết và thảo luận về mức đóng góp của họ vào kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine, mặt khác cũng sẽ phải vạch ra một lộ trình hợp lý để Ukraine đủ điều kiện gia nhập khối trong tương lai.

Tổng thống Biden nói với hãng tin Mỹ CNN rằng, mặc dù việc thảo luận về Ukraine trở thành thành viên NATO còn quá sớm, nhưng Mỹ và các thành viên NATO cam kết sẽ tiếp tục cung cấp cho bảo đảm an ninh và vũ khí cho Ukraine giống như đối với đồng minh Trung Đông là Israel.

Người đứng đầu Nhà Trắng một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm của phương Tây trong việc hậu thuẫn cho Kiev giành thắng lợi trước Moscow, bằng cam kết sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và vũ khí cần thiết cho Ukraine để “cố gắng chấm dứt xung đột với Nga”.

Nguyên nhân xung đột Nga-Ukraine bùng phát

Trong bối cảnh này, chuyên gia chính trị người Mexico là ông David Garcia Contreras bày tỏ ý kiến rằng, nếu Ukraine gia nhập NATO, nó sẽ dẫn tới cuộc xung đột quân sự vô cùng tàn khốc giữa Nga với NATO, mở toang cánh cửa nguy cơ dẫn tới cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 3.

Vị chuyên gia này đánh giá, viễn cảnh tồi tệ này là nguyên nhân chính khiến các nước Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương không bật đèn xanh cho Kiev trở thành thành viên của khối tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius.

Ông Garcia Contreras giải thích, một trong những lý do chính khiến việc Ukraine gia nhập NATO sẽ làm leo thang căng thẳng với Moscow, vì điều này không còn nằm trong khái niệm về biên giới địa lý cụ thể của đất nước, mà thuộc vào phạm trù “không gian an ninh quốc gia” của nước Nga.

Vị chuyên gia Mexico khẳng định, một siêu cường như Nga cần một “vùng đệm an ninh” xung quanh để đảm bảo “không gian an ninh” quốc gia. Đây là yêu cầu bức thiết của tất cả các quốc gia, dù là nhỏ bé, chứ đừng nói đến một cường quốc thế giới như Nga.

Trong hơn 40 năm qua, từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Moscow đã chứng kiến NATO phá bỏ những cam kết với nước Nga non trẻ hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, liên tục bành trướng về phía đông, kết nạp các nước thành viên Liên Xô cũ, đưa căn cứ quân sự và vũ khí đến sát biên giới Nga, hình thành “vòng kim cô” của NATO và đồng minh ở phía tây Nga, bao gồm các nước: Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Latvia, Litva, Estonia, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo vị chuyên gia, Ukraine cùng với Belarus chính là vùng đệm an ninh cuối cùng ở phía tây nước Nga. Kiev không sai khi muốn độc lập hơn về chính sách an ninh, nhưng điều không đúng là họ lại công khai kích động tư tưởng thù địch với Moscow, một mực đòi gia nhập NATO - địch thủ lớn nhất và nguy hiểm nhất của Nga.

Chuyên gia cho rằng, việc Kiev khăng khăng đòi gia nhập NATO sẽ phá “vùng đệm an ninh” trong chiến lược của Moscow, thu hẹp không gian an ninh của nước Nga, đưa những yếu tố nguy hiểm đến sát biên giới nước Nga, dẫn đến việc Moscow buộc phải hành động.

Do đó, chuyên gia Garcia Contreras kết luận chính tư tưởng chống Nga cực đoan của những chính khách cầm quyền và những ảo mộng mà Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương đã vẽ ra trước mắt các nhà lãnh đạo ở Kiev là một trong những yếu tố quyết định khiến cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.