Hệ lụy khi tự thụt tháo đại tràng tại nhà

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nếu không có bệnh, việc súc rửa đại tràng sẽ phá vỡ sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột con người.

Việc bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất xơ sẽ giúp làm sạch đại tràng. Ảnh minh họa
Việc bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất xơ sẽ giúp làm sạch đại tràng. Ảnh minh họa

Từ đó, khiến vi khuẩn có hại hoặc mầm bệnh cơ hội sinh sôi với số lượng lớn. Đồng thời, ức chế cạnh tranh sự phát triển của hệ vi khuẩn có lợi, dẫn đến các bệnh đường ruột.

Không thể phòng ung thư

Không ít bài viết được đăng tải trên mạng xã hội đã chỉ ra hiệu quả của việc súc rửa đường ruột, rửa sạch chất thải, thải độc, giảm cân và làm đẹp. Thậm chí, nhiều người còn “quảng cáo”, biện pháp này có tác dụng phòng và chữa được bách bệnh, đặc biệt là chống ung thư đại tràng. Thậm chí, nhiều tài khoản mạng còn khuyên mọi người tự thụt tháo đại tràng tại nhà bằng bột cà phê để thải độc, hỗ trợ giảm cân.

Tuy nhiên, thực tế, các chuyên gia cảnh báo, việc làm này có thể mang lại nhiều hậu quả cho sức khoẻ.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Tẩy ruột là biện pháp làm sạch dạ dày, ruột non và đại tràng bằng đường uống. Thông thường, dung dịch uống có chứa thành phần chủ yếu là muối phốt phát, có tác dụng tăng thẩm thấu của dịch ruột, mỗi lần uống khoảng 1.500 ml để tăng lượng dịch trong ruột, nhằm mục đích làm sạch ống tiêu hoá sau khi đi ngoài nhiều lần. Tẩy ruột giúp làm sạch toàn bộ đường tiêu hoá, bao gồm dạ dày, tá tràng, ruột non, đại tràng và trực tràng”.

Ngược lại với tẩy ruột là uống vào đường miệng, thụt tháo đại tràng. Đây là biện pháp truyền các chất lỏng vào trong đại tràng qua hậu môn, như nước muối sinh lí, thậm chí là xà phòng.

“Ở bệnh viện, chúng tôi thụt tháo đại tràng chủ yếu để nội soi chẩn đoán, hoặc chụp Xquang khung đại tràng. Ngoài ra, thụt trong những trường hợp táo bón không thể khắc phục, điều trị rò rỉ miệng nối sau phẫu thuật đại trực tràng, chuẩn bị bệnh nhân trước phẫu thuật”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

Trả lời về việc, có nên thụt tháo đại tràng để phòng ung thư, bác sĩ Phúc cho biết, câu trả lời là không. Bởi, thụt tháo đại tràng có thể gây ra những tác hại.

Khi bơm nước muối vào hậu môn, đại tràng căng phồng lên, không hoạt động được. Ngoài ra, thụt tháo chỉ giải quyết sạch phân trong đại tràng được một lần. Sau đó, thức ăn từ ruột non xuống đại tràng lại biến thành phân.

“Nếu không có chỉ định của bác sĩ, việc tự ý thụt tháo đại tràng sẽ có hại cho sức khỏe. Từ góc độ sinh y học, đường ruột của con người thực chất là một môi trường cân bằng nội môi của vi sinh vật bao gồm các hệ thực vật khác nhau. Trong đó, quá trình phân hủy và tiêu hóa của vi sinh vật diễn ra rất quan trọng”, bác sĩ Phúc cho biết.

Chuyên gia này lý giải, nếu không có bệnh, việc súc rửa đại tràng sẽ phá vỡ sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột con người. Từ đó, khiến vi khuẩn có hại hoặc mầm bệnh cơ hội sinh sôi với số lượng lớn. Đồng thời, ức chế cạnh tranh sự phát triển của hệ vi khuẩn có lợi, dẫn đến các bệnh đường ruột.

Để cơ thể tự cân bằng

Đặc biệt, bác sĩ Phúc dẫn chứng, thụt đại tràng bằng cà phê còn gọi là liệu pháp Gerson. Tuy nhiên, phương pháp này đến nay vẫn không được giới y khoa công nhận.

Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI) và Hiệp hội Y khoa New York khuyến cáo, không có bằng chứng nào về tác dụng phòng chống ung thư từ phương pháp này. Thậm chí, Hiệp hội Ung thư Mỹ còn đưa ra cảnh báo, liệu pháp Gerson có thể gây ra tác hại nghiêm trọng.

Bởi, cơ thể con người là một hệ thống sinh học phức tạp và cân bằng. Do đó, cách làm sạch ruột tốt nhất là để tự cân bằng. Trừ khi bị ốm và bác sĩ đề nghị thanh lọc đại tràng, còn không, việc tự thụt đại tràng chính là chúng ta đang tự làm hại bản thân.

Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, cần có một chế độ ăn nhiều rau xanh, đặc biệt là súp lơ, cải bó xôi. Ăn nhiều trái cây, đặc biệt chanh, cam, bưởi. Bổ sung đầy đủ vitamin. Ăn ngũ cốc nguyên cám, khoai tây, khoai lang. Ngoài ra, nước cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nước giúp bài trừ độc tố và làm mềm phân để tránh táo bón.

Ngoài ra, cần chú trọng tới vấn đề trao đổi chất. Trao đổi chất là hoạt động bên trong liên tục, không ngừng biến thức ăn thành năng lượng, giúp mọi cơ quan hoạt động. Nếu quá trình trao đổi chất chậm lại, thức ăn chậm chuyển hoá gây ứ đọng, tích tụ trong lòng ruột và đại tràng sẽ gây độc.

Do đó, bác sĩ Phúc nhấn mạnh, chậm trao đổi chất cũng đồng nghĩa với việc “tự sát chậm”. Tình trạng thiếu ngủ sẽ làm giảm trao đổi chất. Bởi, thiếu ngủ dẫn đến mệt mỏi, cơ bắp không nhận đủ oxy. Khi đó, vận động cũng sẽ giảm đi. Cả hai đều dẫn đến giảm quá trình trao đổi chất. Ngoài ra, việc ngồi cố định trong 20 phút, thay đổi đồng hồ sinh học, lười vận động và uống rượu nhiều cũng sẽ làm giảm quá trình trao đổi chất.

Trong khi đó, BSCKI Dương Ngọc Vân - Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, chia sẻ, thụt tháo đại tràng tại nhà là biện pháp không nên được tự ý thực hiện. Mặc dù trong những trường hợp nhất định, việc làm này là cần thiết, nhưng cần được sự hướng dẫn và giám sát y tế.

“Để làm sạch đại tràng cần chú trọng tăng cường bổ sung chất xơ để tăng bài tiết cho ruột kết hợp cùng biện pháp dùng dung dịch thụt rửa đại tràng. Nhờ đó, phân tắc nghẽn sẽ được loại bỏ và đại tràng được làm sạch tự nhiên. Tuy nhiên, thủ thuật thụt tháo đại tràng tại nhà cần được tư vấn và giám sát của bác sĩ chuyên khoa để tránh những hệ lụy không đáng có”, bác sĩ Vân nhấn mạnh.

Trong trường hợp muốn làm sạch đại tràng tự nhiên an toàn tại nhà, mọi người có thể bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, dùng nước muối hoặc một số bài thuốc do dân gian lưu truyền. Các bài thuốc phổ biến là: Uống mật ong bột nghệ, ăn trứng gà lá mơ áp chảo, uống trà xanh, ăn mật ong trộn với mè đen...

“Nhìn chung, để đại tràng được làm sạch thường xuyên, chúng ta nên cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể, tăng cường bổ sung nước để cải thiện nhuận tràng giúp chất thải dễ dàng được đào thải ra ngoài. Nhờ đó, hệ tiêu hóa được hoạt động tốt hơn. Bên cạnh đó, duy trì vận động thể thao hay tập thể dục đều đặn mỗi ngày, kiểm soát ổn định cân nặng sẽ giúp đại tràng được làm sạch tự nhiên và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể”, bác sĩ Vân khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ