Triệu chứng nhiều người bỏ qua khi mắc ung thư đại trực tràng

GD&TĐ - Triệu chứng phổ biến của ung thư đại trực tràng là đi ngoài phân có máu.

Thời gian để khối u chuyển biến từ giai đoạn khu trú sang lan tràn di căn xa trung bình là khoảng 17 tháng. Ảnh minh hoạ
Thời gian để khối u chuyển biến từ giai đoạn khu trú sang lan tràn di căn xa trung bình là khoảng 17 tháng. Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các dấu hiệu khác, như: Thay đổi thói quen đi đại tiện, táo bón, tiêu chảy, phân nâu sẫm,...

Tỷ lệ người mắc dưới 50 tuổi tăng 22%

Ngày 29/12, vua bóng đá Pele qua đời ở tuổi 82 sau khi mắc ung thư đại tràng. Bệnh viện nơi ông điều trị công bố, vua bóng đá qua đời do “suy đa tạng” sau thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Theo ThS.BS Hà Hải Nam - Giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hoá, Bệnh viện K cho biết, ung thư ở người già có mức tiến triển rất chậm. Tại thời điểm được phát hiện, ung thư đại tràng của Pele đã ở giai đoạn muộn.

Chuyên gia này dẫn chứng, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng là khá cao. Theo thống kê năm 2020, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng ở cả 2 giới là gần 16.500 người. Trong khi đó, số ca tử vong là gần 9.000. Hai tỷ lệ này lần lượt xếp thứ 5 về số mắc và thứ 4 về ca tử vong do ung thư.

Báo cáo cho thấy, ung thư đại trực tràng thường gặp ở người lớn tuổi với 80% các ca được chẩn đoán sau tuổi 55, tuổi trung bình là 74. Tuy nhiên, theo ghi nhận, tỷ lệ mắc bệnh này ở người dưới 50 tuổi đã tăng 22%. Con số này chiếm khoảng 10% tổng số các ca mới mắc ung thư đại trực tràng.

“Điều này khiến bức tranh toàn cảnh hiện trạng ung thư, trong đó có ung thư đại trực tràng, có nhiều nét không mấy tích cực. Mặc dù vậy, ung thư đại trực tràng vẫn được coi là bệnh ung thư có tiên lượng điều trị tốt so với các vị trí còn lại của đường tiêu hoá (như thực quản, dạ dày, gan, tuỵ…). Vấn đề mấu chốt vẫn là sàng lọc và phát hiện sớm”, ThS.BS Nam nhấn mạnh

Nhóm nguy cơ cao

Theo PGS.TS.BS Lâm Việt Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), để chẩn đoán ung thư đại trực tràng, bệnh nhân sẽ được thực hiện các xét nghiệm như nội soi đại trực tràng, sinh thiết, xét nghiệm di truyền. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp nhất để loại bỏ khối u như cắt bỏ, xạ trị, hóa trị tân bổ trợ.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất trong ung thư đại trực tràng. Đồng thời, đây gần như là chỉ định bắt buộc ở các giai đoạn (đặc biệt giai đoạn 2, 3) để loại bỏ hoàn toàn khối u.

Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng tăng. Ngoài ra, những người có tiền sử viêm loét đại trực tràng, bệnh viêm ruột Crohn, đa polyp đại trực tràng hoặc gia đình có người mắc Hội chứng đa polyp di truyền (FAP) hay Hội chứng ung thư đại trực tràng không phải polyp (Hội chứng Lynch) đều thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Bên cạnh đó, một số người ăn quá ít trái cây, rau củ quả, chất xơ trong khi thừa chất béo hoặc thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh. Đồng thời, lạm dụng đồ uống có cồn, hút thuốc lá (kể cả thuốc lá điện tử). Những yếu tố đó đều làm tăng nhanh nguy cơ bị bệnh.

“Một khi chẩn đoán ở giai đoạn sớm, khối u còn khu trú, chưa có di căn, khả năng khỏi bệnh nếu điều trị đúng mức là trên 90%. Tuy nhiên, khi đã có di căn hạch và đặc biệt là di căn xa sang các tạng khác (gan, phổi…), tỷ lệ này chỉ còn lần lượt là 60% và 10%”, bác sĩ Nam cảnh báo.

Thời gian để khối u chuyển biến từ giai đoạn khu trú sang lan tràn di căn xa trung bình là khoảng 17 tháng. Tuy nhiên, trong khoảng 12 - 13 tháng đầu, bệnh hầu như rất ít triệu chứng. Do đó, bệnh thường bị bỏ sót. Vì vậy, từ khi có triệu chứng rõ rệt tới khi bước vào giai đoạn rất muộn mà không có can thiệp y tế là khoảng 3 - 4 tháng.

Với những nhóm nguy cơ cao, bác sĩ Nam khuyến cáo cần đi kiểm tra sớm, nội soi đại trực tràng. Từ đó, giúp phát hiện sớm các ung thư tiềm ẩn, hoặc tổn thương tiền ung thư như polyp để có biện pháp xử trí nhanh, kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ