Hệ lụy dễ thấy khi trẻ chịu quá nhiều áp lực

GD&TĐ - Hầu hết cha mẹ đều muốn con mình trở thành người tốt nhất có thể. Tuy nhiên, một số phụ huynh lại gây quá nhiều áp lực cho con.

Trẻ em bị áp lực và kỳ vọng phải liên tục thể hiện tốt. Ảnh: ITN.
Trẻ em bị áp lực và kỳ vọng phải liên tục thể hiện tốt. Ảnh: ITN.

Việc này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, từ sức khỏe tâm thần đến lòng tự trọng của trẻ.

Áp lực có hại

Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, 64% người Mỹ cho rằng, cha mẹ không gây đủ áp lực để con học tốt ở trường. Một số trẻ em có thể ít có khả năng thể hiện tốt nhất nếu chúng không nhận được đủ áp lực từ cha mẹ.

Tuy nhiên, những đứa trẻ khác có thể chịu áp lực quá mức. Người lớn cũng bày tỏ lo ngại rằng, trẻ em ngày nay “không thể là trẻ con nữa” vì chúng bị áp lực và kỳ vọng phải liên tục thể hiện tốt, chẳng hạn như vào những trường danh giá nhất hoặc nhận được học bổng.

Mỗi cha mẹ có cách tiếp cận khác nhau để khuyến khích con của mình. Mặc dù kỳ vọng cao có thể tốt, nhưng việc liên tục gây áp lực cho trẻ em có thể gây hại.

Khi trẻ em cảm thấy rằng, mỗi bài tập về nhà sẽ quyết định tương lai, hoặc mỗi trận bóng đá có thể quyết định liệu chúng có được học bổng đại học hay không, thì áp lực đó có thể gây ra hậu quả tiêu cực.

Những đứa trẻ cảm thấy rằng chúng đang chịu áp lực rất lớn để làm tốt có thể gặp phải hậu quả trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, từ sức khỏe tâm thần đến giấc ngủ.

Sau đây là một số tác động của việc gây quá nhiều áp lực để trẻ em thực hiện:

Tỷ lệ mắc bệnh tâm thần cao hơn

Những đứa trẻ cảm thấy như chúng đang chịu áp lực liên tục có thể bị lo lắng thường xuyên. Mức độ căng thẳng cao cũng có thể khiến trẻ em có nguy cơ mắc chứng trầm cảm hoặc tình trạng sức khỏe tâm thần khác cao hơn.

Nguy cơ chấn thương cao hơn

Những vận động viên cảm thấy rất nhiều áp lực phải trở thành người giỏi nhất có thể tiếp tục tham gia các môn thể thao mặc dù bị thương. Việc phớt lờ cơn đau hoặc quay lại chơi thể thao trước khi chấn thương lành có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn.

he luy khi tre chuy qua nhieu ap luc3.jpg
Điểm số kém có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của trẻ bên ngoài trường học. Ảnh: ITN.

Tăng khả năng gian lận

Khi tập trung vào thành tích hơn là học tập, trẻ em có nhiều khả năng gian lận. Cho dù đó là một đứa trẻ nhìn thoáng qua câu trả lời của bạn cùng lớp trong bài kiểm tra hay một sinh viên đại học thuê ai đó viết bài luận, gian lận là điều thường thấy ở những đứa trẻ cảm thấy áp lực phải thể hiện tốt.

Từ chối tham gia hoạt động

Khi cảm thấy mục tiêu là luôn “trở thành người giỏi nhất”, trẻ em sẽ không tham gia khi chúng không có khả năng tỏa sáng.

Một đứa trẻ không phải là người chạy nhanh nhất có thể bỏ chơi bóng đá. Một đứa trẻ không phải là ca sĩ giỏi nhất trong nhóm có thể ngừng biểu diễn với dàn hợp xướng.

Trẻ em cũng có thể từ chối đến trường nếu chúng không xuất sắc. Thật không may, điều đó có nghĩa là trẻ em sẽ không nắm bắt cơ hội để rèn luyện kỹ năng của mình.

Các vấn đề về lòng tự trọng

Việc thúc ép trẻ em phải xuất sắc có thể làm tổn hại đến lòng tự trọng của chúng. Áp lực liên tục khi phải thể hiện sẽ cản trở quá trình hình thành bản sắc của trẻ em. Điều đó khiến trẻ cảm thấy mình không đủ giỏi.

Thiếu ngủ

Những đứa trẻ cảm thấy áp lực liên tục phải học tốt ở trường có thể thức khuya để học và khó ngủ đủ giấc. Hoặc, áp lực quá mức có thể gây căng thẳng khiến trẻ khó ngủ.

he luy khi tre chuy qua nhieu ap luc (1).jpg
Đôi lúc, trẻ có thể nản lòng khi cảm thấy rằng, tiêu chuẩn được đặt ra là vô lý. Ảnh: ITN.

Làm gì khi trẻ đạt điểm kém?

Điểm số kém có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của trẻ bên ngoài trường học. Bởi, không ít cha mẹ đưa ra biện pháp trừng phạt khi con mình đạt điểm kém. Điều đó gây căng thẳng trong mối quan hệ cha mẹ và con.

“Tôi đã bị phạt khá nặng khi nhận điểm kém. Có hơn một lần tôi bị buộc phải rời khỏi câu lạc bộ hoặc môn thể thao mà mình đã tham gia. Vấn đề này đã ảnh hưởng đến phần lớn thời gian học trung học của tôi”, Zach Aleba - sinh viên đại học 22 tuổi tại Mỹ chia sẻ.

Trường học và điểm số thường không phải là ưu tiên hàng đầu đối với phần lớn thanh thiếu niên. Thực tế, trẻ có thể đang phải đối mặt với căng thẳng ở trường hoặc thậm chí ở nhà mà cha mẹ không biết. Điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển của trẻ trong lớp học.

Trẻ cũng có thể đang phải vật lộn với một khuyết tật học tập chưa được chẩn đoán khiến bản thân gặp khó khăn hơn dự kiến. Trong trường hợp này, phụ huynh hãy nói chuyện với con về điểm số của trẻ. Cha mẹ cần hỏi về lý do con gặp khó khăn, nhưng không nên đưa ra giả định hay phán xét. Điều quan trọng là phụ huynh phải tiếp cận và thực sự lắng nghe, cũng như tiếp thu những gì con mình nói.

Thông thường, trẻ có thể cảm thấy như thể mình bị cha mẹ yêu cầu nói chuyện, thay vì tham gia vào cuộc đối thoại, trò chuyện thực sự một - một. Do đó, cách tiếp cận đồng cảm hơn một chút từ phụ huynh chắc chắn sẽ làm giảm bớt gánh nặng của nhiều tác nhân gây căng thẳng mà trẻ phải đối mặt hằng ngày. Khi đó, trẻ sẽ có nhiều khả năng nhờ cha mẹ giúp đỡ trong vấn đề làm bài tập về nhà, nếu cảm thấy phụ huynh lắng nghe những lo lắng từ mình.

Thay vì lo sợ vào ngày cha mẹ nhận được bảng điểm, trẻ có thể yên tâm rằng, sự lo lắng liên quan đến trường học và điểm số của mình đã được giải quyết thông qua giao tiếp rõ ràng và hiệu quả với phụ huynh.

Chọn sự tha thứ

Với quá nhiều kỳ vọng đặt lên thanh thiếu niên để thể hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, đôi lúc, trẻ có thể nản lòng khi cảm thấy rằng, tiêu chuẩn được đặt ra là vô lý.

Giống như tất cả mọi người, thanh thiếu niên sẽ mắc lỗi. Phần lớn thời gian, trẻ sẽ cảm thấy đó là một thất bại thảm hại. Tuy nhiên, thất bại là một phần của cuộc sống và là nền tảng để thành công sau này. Điều quan trọng là cả phụ huynh và con đều phải chấp nhận thất bại và biết tha thứ.

Khi tranh luận về hình phạt cho bảng điểm kém, điều tốt là hãy nhớ rằng, có rất nhiều kỹ năng khác quan trọng hơn để học ở trường chứ không chỉ là điểm số.

Thực tế, một số nghiên cứu đã chứng minh điều đó. Tiến sĩ Emily Edlynn - nhà tâm lý học lâm sàng và phụ trách chuyên mục “Hỏi mẹ” của trang web Parents.com cho biết: “Các kỹ năng xã hội mạnh mẽ đã được chứng minh là có liên quan chặt chẽ hơn đến thành công trong nghề nghiệp ở tuổi trưởng thành so với điểm số. Thanh thiếu niên cũng báo cáo rằng, sức khỏe tâm lý và động lực nội tại của trẻ tốt hơn khi tập trung nhiều vào nỗ lực hoặc quá trình học tập, thay vì chỉ điểm số”.

Tiến sĩ Edlynn nói thêm rằng, từ kinh nghiệm của bà, hiện có mối liên hệ giữa văn hóa trường học có thành tích cao và nguy cơ mắc chứng trầm cảm, lo âu, lạm dụng chất gây nghiện cũng như hành vi phạm pháp cao hơn đáng kể ở thanh thiếu niên.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thậm chí đã chỉ định, trẻ em ở các trường có thành tích cao là nhóm có nguy cơ. Nếu phụ huynh coi bảng điểm kém của con là một sự thất bại tạm thời với những nguyên nhân tiềm ẩn, thay vì khiếm khuyết cá nhân về tính cách hoặc trí thông minh, nhiều khả năng là thành tích học tập của trẻ sẽ được cải thiện đáng kể.

Hãy là người cổ vũ lớn nhất

Trẻ em học đối xử với bản thân theo cách mà cha mẹ đối xử với chúng. Vì vậy, việc cha mẹ trao quyền cho con sẽ giúp trẻ tự đánh giá cao bản thân. Một số thanh thiếu niên chia sẻ, khi thường xuyên tiếp xúc với những người tích cực, sẵn sàng hỗ trợ, cuộc sống và điểm số của họ đã được cải thiện đáng kể. Bởi, khi biết rằng cha mẹ sẽ ủng hộ mình trong mọi hoàn cảnh, trẻ có thể tin rằng, bản thân có thể vượt qua mọi thử thách.

“Điều quan trọng nhất theo quan điểm tâm lý là nếu điểm số của trẻ vị thành niên đột nhiên giảm, điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo cho những lo ngại tiềm ẩn khác, chẳng hạn như trầm cảm”, Tiến sĩ Edlynn cho biết.

Chuyên gia này khuyến khích các cha mẹ thể hiện sự quan tâm đến những thay đổi có thể xảy ra với con mình. Qua đó, tìm hiểu nguyên nhân cho tình trạng điểm số của trẻ giảm sút. Việc có cuộc đối thoại cởi mở mà không phán xét hoặc trừng phạt sau đó có thể tạo điều kiện để các thành viên gia đình cùng nhau giải quyết vấn đề. Từ đó, giúp trẻ cảm thấy được hiểu, được hỗ trợ và trao quyền.

Tiến sĩ Edlynn cũng cho biết, những cha mẹ thể hiện sự đồng cảm, hiểu quan điểm của con mình và tập trung vào khả năng tự giải quyết vấn đề của trẻ thực sự góp phần vào kết quả học tập tốt hơn. Trong đó, những trẻ có cha mẹ như vậy thường có động lực nội tại cao hơn, thái độ tích cực hơn đối với trường học, năng lực tốt và sự tham gia, nỗ lực nhiều hơn.

Theo Parents

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Châu Âu đang vật lộn khắc phục hậu quả sau trận lũ lụt kinh hoàng

Hậu quả sau trận lũ lụt kinh hoàng

GD&TĐ -Lực lượng chức năng đang chạy đua để bảo vệ bờ sông và các tòa nhà khi nước lũ tàn phá khắp miền Trung châu Âu, bắt đầu dâng cao ở các khu vực mới.