Những áp lực không tránh khỏi
Không ít phụ huynh đã bày tỏ lo lắng: Ngoài việc học tập ở trường thì những yêu cầu của xã hội ngày càng phát triển, khiến họ phải cố gắng trang bị cho con thêm các kỹ năng mềm.
Chị Lan Hương, khu đô thị Xa La (Hà Đông) chia sẻ: Con chị đang ở độ tuổi tiểu học, vì vậy bên cạnh những giờ học chính khóa chị cũng đăng ký cho con tham gia các câu lạc bộ tại trường.
Nhiều khi thấy con có dấu hiệu mệt mỏi, nhưng chị vẫn cố động viên con tham gia. Nếu như con không tham gia những buổi học ngoại khóa ấy, chị e ngại con sẽ mất đi những cơ hội trau dồi các năng lực và kỹ năng của bản thân.
Xã hội hiện đại đòi hỏi trẻ em phải được học tập và phát triển một cách toàn diện, điều này cũng tạo thêm áp lực trong quá trình hoàn thiện của các con.
Tuy nhiên, cũng có những cha mẹ lại không nhận ra chính mình đã tạo thêm áp lực cho con, bằng việc so sánh kết quả học của con với bạn bè, hoặc la mắng khi con bị điểm thấp. Việc so sánh khiến trẻ rơi và trạng thái tự ti và có mặc cảm mỗi khi tới trường.
Bởi trẻ vừa phải cố gắng để tiếp thu kiến thức, vừa phải thi đua, cạnh tranh với bạn bè. Muốn giúp con giảm bớt căng thẳng ở trường, người lớn phải hiểu rõ những nguyên nhân nào khiến trẻ thấy áp lực. Từ đó cha mẹ nên đồng hành, tư vấn và khuyến khích con vượt qua những khó khăn.
Gần gũi động viên, khuyến khích trẻ
Một trong những bí quyết để trẻ giảm bớt những căng thẳng đó là: Cha mẹ nên tìm hiểu xem con thích những hoạt động nào. Việc cho trẻ tham gia một hoạt động vui chơi mà trẻ cảm thấy hứng thú, hoặc những hoạt động ngoại khóa ngoài trời chính là phương pháp tuyệt vời giúp trẻ giải trí sau giờ học. Tâm trí thoải mái cũng là nguồn hứng khởi, khơi dậy sự sáng tạo và giúp giảm bớt căng thẳng trong học tập.
Chị Phan Thị Hồ Điệp, giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội, đã chia sẻ cách mà mình giúp con giảm bớt những căng thẳng trong quá trình học tập.
Chị thường dùng các câu nói với “công thức”: Đồng cảm + tìm ra mục tiêu và nêu cách thực hiện. Ví dụ, khi con không học bài chị hay chia sẻ: “Con chưa muốn học phải không? Hồi bằng tuổi con mẹ cũng thi thoảng như vậy (đồng cảm).
Nhưng nếu con không làm, chắc con sẽ mất thời gian ở các giờ nghỉ giải lao trong lớp để làm bù (nhận diện mục tiêu). Mẹ nghĩ nếu con bắt đầu bằng các bài tập đơn giản trước thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn (nêu cách thức).
Hoặc, khi con không muốn chơi thể thao, các bố mẹ có thể bày tỏ: Trông con có vẻ mệt, chắc là con học vất vả (đồng cảm). Nhưng chơi bóng là cách để con có thân hình khỏe mạnh, đẹp đẽ (mục tiêu). Hôm nay khi chơi, con thử tập một động tác nào đó thật vui vẻ, chắc con sẽ thấy thoải mái hơn (cách thức).
Nếu bạn thấy con có những biểu hiện như: Bồn chồn, hay cáu giận, ít kiên nhẫn, hay nói những lời tiêu cực, chống đối thì bạn nên: Ghi ra những điều mà bạn nghĩ khiến con căng thẳng và đánh giá theo thang điểm từ cao xuống thấp theo mức độ căng thẳng.
Đến lượt con, bạn khuyến khích con tự chấm điểm theo mức độ những điều con thấy căng thẳng. Và rồi bây giờ thì mẹ và con sẽ ghép cặp lại với nhau. Thông thường, kết quả sẽ khiến bạn bất ngờ. Vì những điều khiến con căng thẳng lại không giống như bạn nghĩ. Khi đã có kết quả, bạn nên dành thời gian để giúp con giải quyết từng thứ một.