Hé lộ người sở hữu tuyệt phẩm “Chân dung cô Phương”

GD&TĐ - Sau khi Báo GD&TĐ đăng bài: Tranh “triệu đô” của Việt Nam sắp tái xuất, giới nghệ thuật và bạn đọc tò mò muốn biết nhà sưu tầm người Pháp gốc Việt đang sở hữu “chân dung cô Phương” là ai?

Cách đây khoảng 1 tháng,khi Sotheby"s thông báo trên Instagram, giới sưu tập mỹ thuật thế giới vô cùng sốt ruột khi biết bức tranh “Portrait of Mademoiselle Phuong” của danh họa Mai Trung Thứ sẽ lên sàn ngày 18/4 tới tại Hồng Kông.

Sang Pháp thành người mẫu

Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Lý Đợi cho rằng: “Nếu đúng như dự đoán của giới nhà nghề, bức họa “Chân dung cô Phương” đấu giá thành công, thì giá bán cùng thuế phí có thể hơn 1.500 USD, trở thành bức tranh có giá cao nhất của tranh Việt trên thị trường công khai.

Và Mai Trung Thứ đã bất ngờ tăng tốc để vượt qua danh họa Nguyễn Phan Chánh cùng 3 “bộ tứ” để vươn lên dẫn đầu”.

Họa phẩm “Chân dung cô Phương” được họa sĩ Mai Trung Thứ sáng tác năm 1930, khi đang là giáo viên dạy vẽ tại trường Trung học Pháp tại Huế. Đây cũng là một trong số ít bức tranh được chọn cho “Triển lãm quốc tế thuộc địa” tại Paris năm 1931.

Bức họa “Chân dung cô Phương” sau này thuộc sở hữu của bà Dothi Dumonteil, một người Pháp gốc Việt. Bà không chỉ được biết đến là một nhà sưu tầm nghệ thuật danh tiếng, mà còn từng là một người mẫu thời trang.

Gia đình Dumonteil danh tiếng nước Pháp không chỉ sở hữu nhiều họa phẩm quý giá của thế giới, họ còn sở hữu những bộ sưu tập tranh của các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam – mà bức “chân dung cô Phương” là một ví dụ.

Dothi Dumonteil, tên khai sinh là Đỗ Thị Lan, sinh năm 1950 trong một gia đình ở Thừa Thiên Huế. Sau khi mất người thân trong chiến tranh, khoảng năm 1960 Đỗ Thị Lan được đưa đến Pháp cùng người thân khi mới 12 tuổi. Tại đây, cô bé nhận được nền giáo dục rất phát triển tại thành phố Angoulême.

Trước khi kết hôn, Đỗ Thị Lan là một người mẫu thời trang cao cấp. Tên tuổi của cô ngày càng được biết tới khi tham gia trình diễn trên sàn danh tiếng lúc bấy giờ như: Chanel, Pierre Cardin, Dior.

Người đẹp Đỗ Thị Lan lúc đó cũng nổi tiếng bởi trở thành “nàng thơ” của nhà thiết kế Yves Saint Laurent - một trong những tên tuổi vĩ đại của ngành thời trang Pháp thế kỉ 20.

Ông bà Pierre và Dothi Dumonteil. Nguồn: Dumonteil.com.
Ông bà Pierre và Dothi Dumonteil. Nguồn: Dumonteil.com.

Cuộc đời nghệ thuật rực rỡ

Trong suốt 30 năm theo đuổi sưu tầm nghệ thuật, vợ chồng bà Dothi Dumonteil không chỉ sở hữu một số tranh của Mai Trung Thứ, mà còn bổ sung rất nhiều tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam. Trong số đó chủ yếu là tranh của các danh họa thời kỳ đầu thuộc 3 “bộ tứ” nổi tiếng.

Sau này, người mẫu Đỗ Thị Lan kết hôn với một người đàn ông giàu có tên là Pierre Dumonteil. Từ đây, Đỗ Thị Lan có tên gọi cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt là Dothi Dumonteil.

Đến khoảng thập niên 80, bà cùng với chồng sáng lập và tạo dựng nên danh tiếng của Galerie Dumonteil ở cả 3 “kinh đô nghệ thuật” chủ chốt của thế giới là Paris, Thượng Hải và New York.

Người chồng Pierre Dumonteil được biết đến trong vai trò là một chuyên gia nghệ thuật, nhà sưu tầm và nhà đấu giá đầy thông thái. Ông đã thực hiện các nghiên cứu lịch sử nghệ thuật tại Học viện nghệ thuật thuộc Bảo Tàng Louvre, đồng thời lấy bằng thạc sĩ Luật tại đại học Paris.

Pierre Dumonteil không mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị cho việc trở thành đấu giá viên. Năm 19 tuổi, ông khởi nghiệp tại nhà đấu giá Hôtel Drouot (Paris), và đây cũng là thời gian ông bắt đầu thực hiện một cách mạnh mẽ mang tính chiến lược cho các bộ sưu tập của nhà Dumonteil.

Sau khi giành được được chứng chỉ Thẩm Định Viên về điêu khắc và tranh sơn dầu quốc gia Pháp, Pierre Dumonteil kết hôn với người mẫu Đỗ Thị Lan. Vợ chồng họ bắt đầu phát triển sự nghiệp kinh doanh nghệ thuật, và trở thành một trong những nhà sưu tầm đẳng cấp quốc tế.

Galerie Dumonteil được thành lập vào năm 1982, tập trung vào hai mảng chính là nghệ thuật hiện đại và đương đại. Galerie Dumonteil trở nên nổi tiếng trong giới nghệ thuật quốc tế khi trưng bày các tác phẩm Art Decor chủ đề thiên nhiên và động vật.

Tuy nhiên, người ta biết tới tính chiến lược căn cốt của Dumonteil khi định hướng bảo tồn tinh thần nghệ thuật diễn ra giữa các cuộc thế chiến.

Cho đến khoảng những năm 1990, Galerie Dumonteil bắt đầu giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại, đặc biệt là những nghệ sĩ sáng tác dựa trên chủ đề động vật và thiên nhiên và môi trường.

Khi nghệ thuật đương đại tại Trung Quốc bùng nổ thu hút sự chú ý của tất cả các nhà sưu tầm. Galerie Dumonteil mở rộng phạm vi hoạt động của mình vào năm 2008 bằng việc thành lập một không gian trưng bày tại Thượng Hải. Galerie Dumonteil trở thành cầu nối khi giới thiệu nghệ sĩ và nghệ thuật châu Âu đến với công chúng châu Á.

Cho đến nay, câu hỏi về “Chân dung cô Phương” được Galerie Dumonteil sở hữu vào thời gian nào vẫn là một ẩn số. Nhiều giả thiết được đưa ra nhưng không có cơ sở xác tín. Tuy nhiên, chính bà Dothi Dumonteil – với danh nghĩa đồng hương Việt Nam tại Pháp là người đã thúc đẩy họa sĩ Mai Trung Thứ nhượng lại bức tranh.

Tháng 7/2013, nhật báo Le Figaro - một tờ báo uy tín hàng đầu của Pháp sáng lập năm 1826 dưới triều đại vua Charles X, đăng tin thông báo sự ra đi của bà Dothi Dumonteil - khép lại một cuộc đời nghệ thuật rực rỡ.

Sau khoảng 90 năm từ khi bức “Chân dung cô Phương” được họa sĩ Mai Trung Thứ sáng tác, ngày 18/4 tới đây sẽ công khai tái xuất tại phiên đấu giá quan trọng của Sotheby’s ở Hồng Kông. Những ký ức về quê hương, đất nước của hai con người Việt Nam là Mai Trung Thứ và bà Đỗ Thị Lan sẽ được vinh danh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.