Trong lịch sử Trung Quốc, Hiên Viên Hoàng Đế hay còn gọi Hoàng đế là thủy tổ của dân tộc Hoa Hạ. Vị đế vương Trung Quốc này được xem là người đứng đầu trong Ngũ Đế thời viễn cổ.
Một số người cho rằng Hiên Viên Hoàng Đế chỉ tồn tại trong các truyền thuyết, giai thoại. Những câu chuyện về ông hoàng này được dân gian thêu dệt nên.
Tuy nhiên, không ít người tin tưởng Hiên Viên Hoàng Đế là nhân vật có thật trong lịch sử. Ông lập được nhiều công trạng to lớn cho dân tộc Trung Hoa.
Chính vì vậy, dưới thời nhà Hán, người dân xây dựng lăng mộ cho Hiên Viên Hoàng Đế để thờ phụng ông hoàng nổi tiếng này.
Theo đó, lăng mộ của Hiên Viên Hoàng Đế tọa lạc ở núi Kiều Sơn (Hoàng Lăng, Thiểm Tây, Trung Quốc) và tồn tại đến ngày nay.
Xung quanh khu mộ của Hoàng Đế là khu rừng bách xanh tốt. Một số cây bách có kích thước "khủng" khi cao tới gần 20m và phải tới 7 - 8 người ôm thân cây mới hết.
Dù lăng mộ của Hoàng Đế không có di hài bên trong nhưng người dân vẫn xem đây là địa điểm linh thiêng, bất khả xâm phạm.
Bên trong lăng mộ có nhiều ngọc ngà, châu báu mà người dân dâng lên để tỏ lòng tôn kính với Hiên Viên Hoàng Đế.
Điều kỳ lạ đến khó tin là lăng mộ của Hiên Viên Hoàng Đế không bị kẻ gian mạo phạm trong suốt hàng ngàn năm dù bên trong có nhiều bảo vật giá trị.
Nhiều người tin rằng, sở dĩ lăng mộ của ông hoàng nổi tiếng lịch sử Trung Quốc không bị xâm phạm là do ông được dân chúng tôn sùng, coi là thủy tổ của dân tộc. Do vậy, không có người nào cả gan trộm cổ vật bên trong vì sợ phạm tội bất kính và bị trừng phạt.