Vậy nên, Đoàn - Đội, tổ chức đoàn thể ngoài trường học cùng bắt tay xây dựng chương trình, hoạt động để tạo sân chơi, rèn kỹ năng, tinh thần tập thể… giúp học sinh thích ứng với cuộc sống bình thường mới.
Rèn kỹ năng, cải thiện thể lực
Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bắt đầu chương trình chào hè bằng thông báo sẽ hoạt động trở lại câu lạc bộ bóng rổ của học sinh. Bể bơi của nhà trường cũng được thau rửa, thay nước để đầu tháng 6 đưa vào khai thác. Sau 2 năm tạm dừng các hoạt động thể dục - thể thao vào mùa hè do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các trường học tại Đà Nẵng dần khởi động trở lại những hoạt động nhằm giúp học sinh cải thiện thể lực.
2 mùa hè gần đây, học sinh Đà Nẵng đều phải chấp hành chủ trương giãn cách để phòng dịch. Cô Phạm Thị Thùy Loan – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ - cho biết: “Hai năm qua, các hoạt động hè cho thanh, thiếu nhi của thành phố đều triển khai theo hình thức online. Việc học trực tuyến kéo dài cũng ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và thể chất của trẻ. Vì vậy, khi mở cửa trường học toàn diện, chúng tôi ưu tiên tổ chức lại các hoạt động giúp học sinh rèn luyện thể lực với các môn thể thao mang tính đồng đội, để các em có một mùa hè vui - khỏe và bổ ích, cân bằng tâm lý”.
Phòng GD&ĐT Hải Châu đang xây dựng chương trình để tổ chức Hội trại Thiếu nhi Hải Châu chào hè 2022. Dự kiến có khoảng 500 học sinh tiểu học, THCS trên toàn quận tham gia theo cụm phường. Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu - thông tin: “Đây là dịp để các em hình thành kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giao lưu với bạn bè thông qua hoạt động sôi nổi và lôi cuốn như trò chơi dân gian, vận động tập thể, biểu diễn năng khiếu...”.
Trong kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 của UBND TP Đà Nẵng có hàng loạt chương trình hướng đến trẻ em, bao gồm cả vận động, vui chơi giải trí, sức khỏe và an sinh. Đặc biệt, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào hoạt động văn hóa, xã hội tại địa phương thông qua diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, khảo sát; tạo điều kiện cho trẻ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng đối với vấn đề của bản thân hoặc liên quan. Tăng cường tổ chức các hoạt động câu lạc bộ (CLB), đội nhóm phù hợp với điều kiện thực tế và tuân thủ các quy định phòng, chống Covid-19.
Năm nay, Nhà thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa đưa thêm một số kỹ năng mới vào chương trình như: Lớp kỹ năng làm hướng dẫn chương trình, tập làm người mẫu nhí, thiết kế thời trang, đàn tranh, đàn ukulele, chương trình học lập trình robot theo định hướng STEM. Các lớp năng khiếu và kỹ năng sống vẫn được duy trì như trước đây.
Ông Nguyễn Phương Doanh - Giám đốc Nhà thiếu nhi Khánh Hòa - cho biết: “Sau một thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19, năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hội thi cho các đội viên, thiếu nhi tham gia như: Hội trại Phù Đổng các nhà thiếu nhi Khánh Hòa, Hội thi tiếng kèn đội ta, thi tài năng và hội thao thiếu nhi Khánh Hòa, ngày hội Em yêu khoa học, liên hoan nhà thiếu nhi các tỉnh, hội thi nghi thức đội…”.
Lớn lên cùng mùa hè
Ký ức mùa hè tươi đẹp của Trần Khánh Đông (học sinh lớp 8 xã Hòa Tiến, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) là những buổi tối cùng các bạn tập trung ở nhà sinh hoạt thôn. “Chơi đủ thứ trò chơi do mấy anh chị thanh niên tổ chức, tập múa dân vũ. Chỉ có chừng 30 người thôi nhưng vui quá trời đất”, Đông hồn nhiên kể.
Mỗi tuần Đông học hè 3 buổi để ôn lại kiến thức, những ngày còn lại thì đi chơi. Buổi sáng và chiều em thường đến trường chơi cầu lông, rồi đá banh. Tuy nhiên, 2 năm nay, mùa hè của Đông chỉ quanh quẩn trong nhà. Chán quá thì mở tivi xem hoạt hình, chơi game; thỉnh thoảng trốn ba mẹ đi đá bóng cùng bạn nhưng cũng bị nhắc nhở phải chấp hành các quy định giãn cách để phòng, chống dịch.
Anh Nguyễn Công Tuấn – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội đồng Đội phường Thạch Thang (quận Hải Châu) - chia sẻ: Sau buổi sinh hoạt khởi động Chào hè 2022, Đoàn phường Thạch Thang sẽ đưa vào hoạt động các CLB dân vũ, CLB kỹ năng. Các buổi sinh hoạt hè sẽ được tổ chức theo chủ điểm tại sân trường học trong phường để có không gian. Trước khi kết thúc kỳ nghỉ hè, thanh, thiếu nhi trong phường sẽ tham gia hội trại. Ở đó, học sinh được sống trong không gian thấm đẫm chất dân gian với trò chơi phong phú, đa dạng. Các em có điều kiện để rèn luyện sức khỏe cũng như kỹ năng sống, tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ, hỗ trợ, hợp tác mà không hề gượng ép.
Ngoài các lớp học kỹ năng, Mô hình hội trại là môi trường giáo dục tốt cho thiếu nhi thông qua những hoạt động “chơi mà học”. Trong quá trình tham gia trại, không có cha mẹ, người thân xung quanh để giúp đỡ, các em phải vượt qua những thách thức về sự ngại ngùng, tự ti, e ngại xấu hổ khi tham gia sinh hoạt cùng những người bạn mới.
Ông Nguyễn Phương Doanh cho biết thêm: Thiếu nhi phải học cách tự chăm sóc bản thân, dưới sự giám sát và hướng dẫn của ban tổ chức. Các em phải ghi nhớ và tuân thủ theo lịch trình, giờ giấc trong ngày như giờ ngủ, giờ ăn… Các em tự gấp chăn, mặc đồ, tắm… trong sự phối hợp với đồng đội để không làm ảnh hưởng đến tập thể…