HĐND TP Hà Nội họp bàn nhiều nội dung quan trọng

GD&TĐ - Sáng 5/12, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, khai mạc kỳ họp thứ 14 để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố.

Đại biểu dự kỳ họp.
Đại biểu dự kỳ họp.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội - Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kỳ họp sẽ xem xét 29 báo cáo và thông qua 35 nghị quyết. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó, HĐND TP sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách, đầu tư công năm 2023 và quyết nghị kế hoạch năm 2024 của thành phố; xem xét, cho ý kiến, thông qua các báo cáo, nghị quyết chuyên đề.

Trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng như: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; các nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô; Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Đề án Nâng cao năng lực về phòng cháy, chữa cháy….

Kỳ họp này, HĐND TP sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND, Cục Thi hành án Dân sự thành phố.

Thường trực HĐND TP cũng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; Báo cáo kết quả chương trình giám sát năm 2023 về thực hiện kế hoạch đầu tư công và tiến độ các công trình trọng điểm; trình HĐND TP quyết định tổ chức 2 Đoàn giám sát của HĐND TP theo chương trình giám sát năm 2024.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội - Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội - Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu.

HĐND TP thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND TP thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn, dự kiến 2 nhóm vấn đề: Tái chất vấn kết quả thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND TP đã đến thời hạn nhưng tiến độ còn chậm, chưa hiệu quả; chất vấn về nhóm vấn đề giao thông đô thị của thành phố.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng cho biết, tại kỳ họp này, tiến hành hoạt động giám sát quan trọng là thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND TP bầu theo Quy định của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội.

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND TP đã ban hành Kế hoạch và triển khai các bước đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định.

Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến từng đại biểu HĐND TP; qua ý kiến, kiến nghị của cử tri và thực tiễn theo dõi, giám sát, đề nghị các vị đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, đánh giá công tâm, khách quan, chính xác trong ghi phiếu đối với các chức danh do HĐND TP bầu theo quy định.

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Đinh Tiến Dũng phát biểu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Đinh Tiến Dũng phát biểu.

Ước cả năm 2023, GRDP của thành phố tăng 6,27%, thấp hơn kịch bản đề ra nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng trên 5%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 400,4 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với thực hiện năm 2022 (trong đó, thu nội địa năm 2023 ước đạt 373,1 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 93,18%).

Vốn FDI đạt 2.874 triệu USD, tăng 62%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%; lượng khách du lịch đến Thủ đô dự kiến đạt 24 triệu lượt khách (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế), vượt mục tiêu đề ra (22 triệu lượt khách); lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 4,5% - đạt mục tiêu đề ra (CPI bình quân 11 tháng tăng 1,8%).

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, ngoài các nội dung đã được đề cập cụ thể trong các báo cáo, tờ trình của UBND TP về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, HĐND TP sẽ thảo luận, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội và đầu tư công năm 2023 của thành phố.

Quang cảnh kỳ họp.

Quang cảnh kỳ họp.

Kỳ họp cũng đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để thảo luận kỹ lưỡng.

Đặc biệt là dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2024 đảm bảo sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao.

Trong đó, cần đặc biệt chú trọng lựa chọn những nhiệm vụ, đề án, dự án có trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2024.

Đối với các nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách đặc thù, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, HĐND TP đi sâu vào làm rõ các tác động, tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.