Nhờ đó, có thể cung cấp manh mối về nguồn gốc của Hệ Mặt trời.
Hoàn thành sứ mệnh
Mới đây, một quan chức thuộc cơ quan vũ trụ cho biết, con tàu vũ trụ của Nhật Bản đang trở về Trái đất sau chuyến hành trình kéo dài một năm. Cụ thể, tàu vũ trụ này đã tiếp cận một tiểu hành tinh xa xôi nhằm thu thập các mẫu đất và dữ liệu.
Cụ thể, tàu vũ trụ Hayabusa2 rời tiểu hành tinh Ryugu một năm trước. Ryugu cách Trái đất khoảng 300 triệu km (180 triệu dặm). Theo kế hoạch, tàu vũ trụ này hạ cánh tại Trái đất và thả khoang chứa các mẫu vật ở miền Nam Australia vào ngày 6/12.
Các nhà khoa học tại Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) tin rằng, các mẫu, đặc biệt là những mẫu lấy từ dưới bề mặt tiểu hành tinh, chứa dữ liệu quý giá. Bởi, những mẫu vật này không bị ảnh hưởng từ bức xạ không gian cũng như các yếu tố môi trường khác.
Makoto Yoshikawa - quản lý dự án Hayabusa2, cho biết các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến việc phân tích vật liệu hữu cơ trong các mẫu đất được thu thập tại tiểu hành tinh Ryugu.
“Vật liệu hữu cơ là nguồn gốc của sự sống trên Trái đất. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không biết chúng đến từ đâu. Chúng tôi hy vọng có thể tìm ra manh mối về nguồn gốc của sự sống trên Trái đất, bằng cách phân tích chi tiết các vật liệu hữu cơ do tàu vũ trụ Hayabusa2 mang về”, ông Yoshikawa thông tin.
JAXA đã lên kế hoạch thả các khoang chứa mẫu xuống một vùng xa xôi, thưa thớt dân cư ở Australia. Mẫu vật sẽ được thả từ 220.000 km (136.700 dặm) trong không gian. Đây được cho là một thách thức lớn khi đòi hỏi phải có sự điều khiển chính xác.
Các khoang chứa được bảo vệ bởi một tấm chắn nhiệt và sẽ biến thành quả cầu lửa khi bay trong khí quyển ở 200 km (125 dặm) so với mặt đất. Ở khoảng cách 10 km (6 dặm) so với mặt đất, một chiếc dù sẽ mở ra để chuẩn bị cho việc hạ cánh. Từ đó, các tín hiệu đèn hiệu sẽ được truyền để chỉ ra vị trí của những chiếc kén này.
Những nhân viên của JAXA đã bố trí đĩa vệ tinh tại một số địa điểm trong khu vực mục tiêu. Như vậy, họ có thể bắt tín hiệu, đồng thời chuẩn bị radar hàng hải, máy bay không người lái và trực thăng. Qua đó, giúp hỗ trợ nhiệm vụ tìm kiếm và thu thập mẫu vật.
Giám đốc Yoshikawa chia sẻ, nếu không có các biện pháp đó, việc tìm kiếm các khoang chứa hình chảo có đường kính 40 cm (15 inch) “sẽ là điều vô cùng khó khăn”.
Đối với tàu vũ trụ Hayabusa2, việc thành công thu thập mẫu vật từ tiểu hành tinh Ryugu chưa phải là dấu chấm hết của sứ mệnh vốn được bắt đầu từ năm 2014. Hayabusa2 đã hạ cánh xuống Ryugu hai lần, mặc dù bề mặt của tiểu hành tinh này hoàn toàn là đá. Con tàu vũ trụ của Nhật Bản đã thu thập thành công dữ liệu và mẫu vật trong 1,5 năm, kể từ sau khi đến Ryugu vào tháng 6/2018.
Trong lần tiếp cận đầu tiên vào tháng 2/2019, Hayabusa2 đã thu thập các mẫu bụi trên bề mặt Ryugu. Vào tháng 7 cùng năm, con tàu vũ trụ này đã thu thập các mẫu dưới lòng đất của tiểu hành tinh. Kết quả này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, một con tàu vũ trụ có thể thu thập mẫu vật dưới lòng đất của Ryugu. Để làm được điều đó, Hayabusa2 đã cho nổ bề mặt tiểu hành tinh Ryugu và hạ cánh xuống khu vực đó.
Tiếp tục hành trình
Sau khi thả khoang chứa, Hayabusa2 sẽ không “nghỉ hưu”. Thay vào đó, con tàu vũ trụ này sẽ trở lại không gian và hướng đến một tiểu hành tinh nhỏ ở xa khác có tên 1998KY26. Hành trình mới này dự kiến kéo dài 10 năm.
Nhiệm vụ thứ hai nhằm nghiên cứu bụi vũ trụ, phát hiện ngoại hành tinh và nghiên cứu biện pháp bảo vệ Trái đất. 1998 KY26 bay quanh Mặt trời với quỹ đạo nằm giữa Trái đất và sao Hỏa. Tiểu hành tinh này hoàn thành một vòng bay trong 1,37 năm, đôi khi cắt qua quỹ đạo Trái đất.
Theo JAXA, nó có đường kính khoảng 30m và xoay rất nhanh, chỉ mất khoảng 10,7 phút để tự xoay một vòng quanh trục.
JAXA muốn quan sát những ngôi sao này để phát hiện những đợt giảm sáng - dấu hiệu cho thấy có thể một ngoại hành tinh đã di chuyển qua phía trước ngôi sao. Nếu phát hiện ngoại hành tinh, Hayabusa2 sẽ trở thành tàu vũ trụ đầu tiên của Nhật Bản làm được điều này.
Việc nghiên cứu những vật thể gần Trái đất với kích thước như vậy có thể giúp giới khoa học chuẩn bị cho nguy cơ va chạm giữa Trái đất với các vật thể tương tự. Ngoài ra, tàu Hayabusa2 cũng sẽ nghiên cứu sự phân bố của bụi vũ trụ trong Hệ Mặt trời và quan sát những ngôi sao sáng.
Tàu vũ trụ Hayabusa2 mất 3,5 năm để đến Ryugu. Tuy nhiên, hành trình về nhà của con tàu này ngắn hơn nhiều, bởi Ryugu và Trái đất có vị trí gần nhau hơn rất nhiều so với những năm trước.
Ryugu trong tiếng Nhật có nghĩa là “Cung điện rồng” - tên của một lâu đài dưới đáy biển trong câu chuyện dân gian Nhật Bản. Ryugu 4,5 tỷ năm tuổi thuộc nhóm tiểu hành tinh đặc biệt cổ xưa, có thể ẩn chứa nhiều manh mối về thời kỳ đầu của Hệ Mặt trời.
Trong truyện, người đánh cá Urashima Tarō du hành đến cung điện trên lưng một con rùa, và khi trở về, anh ta mang theo một chiếc hộp bí ẩn, giống như tàu vũ trụ Hayabusa2 trở về cùng với khoang chứa các vật mẫu.