Hãy vì tâm lý, tình cảm và tương lai của con

GD&TĐ - Mặc dù đã có kết luận giám định ADN khẳng định BV đa khoa Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con của hai gia đình. Tuy nhiên, sau hơn hai tháng, hai đứa trẻ vẫn chưa thể trở về gia đình chính thức của mình vì nhiều vướng mắc giữa các bên.

BV đa khoa Ba Vì – nơi để xảy ra vụ việc trao nhầm trẻ sơ sinh 6 năm trước - Ảnh: Nguyễn Phương
BV đa khoa Ba Vì – nơi để xảy ra vụ việc trao nhầm trẻ sơ sinh 6 năm trước - Ảnh: Nguyễn Phương

Trước tình hình này, anh Phùng Giang Sơn (SN 1980, thị trấn Tây Đằng, Ba Vì) đã gửi đơn kiến nghị tới Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ giải quyết. Trong đơn kiến nghị, anh Sơn cho biết, con của anh đã bị trao trả nhầm cho gia đình chị Vũ Thị Hương (SN 1983, xã Phú Sơn, Ba Vì), cùng sinh ngày 1.11.2012.

Tại Công văn trả lời của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) ngày 11.5.2018 đã khẳng định cháu Phùng Thanh H. (anh Phùng Giang Sơn đang nuôi) là con đẻ của chị Vũ Thị Hương và cháu bé chị Hương đang nuôi tên Đoàn Nhật M. là con đẻ của anh Phùng Giang Sơn và vợ (chị Phùng Thị Thu Hiền).

Với kết quả này, BV đa khoa Ba Vì đã nhận trách nhiệm sai sót và thống nhất sẽ giải quyết nội bộ giữa các bên trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, đến nay hai cháu vẫn chưa được đoàn tụ với cha mẹ ruột của mình. Anh Sơn yêu cầu yêu cầu BV đa khoa Ba Vì bồi thường tổn hại về tinh thần và vật chất theo yêu cầu và các chi phí khác để khắc phục hậu quả từ lúc trao nhầm con; xử lý nghiêm các cá nhân, bộ phận liên quan đã để xảy ra sai phạm.

Theo anh Sơn, BV đã cung cấp cho gia đình anh 47 triệu để trang trải các chi phí, còn chưa tính đến tiền bồi thường, nhưng gia đình cũng không đòi hỏi nhiều. Vướng mắc ở đây là giữa gia đình chị Hương và BV. “Tôi cũng chia sẻ với thiệt thòi của chị Hương, vì bé M. không giống với gia đình nên chồng chị đã nghi ngờ chị ngoại tình, sau đó hai vợ chồng li dị. Như vậy, hậu quả của việc nhầm lẫn này khiến chị Hương mất tất cả, chồng, con, công việc…”, anh Sơn nói.

Mẹ con chị Vũ Thị Hương và Đoàn Nhật M. – con đẻ anh Phùng Giang Sơn. - Ảnh: Kênh VTC 14
Mẹ con chị Vũ Thị Hương và Đoàn Nhật M. – con đẻ anh Phùng Giang Sơn. - Ảnh: Kênh VTC 14

Trước sự việc này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ, TB&XH) cho rằng, nguyên tắc đầu tiên phải là đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em, làm sao để trẻ không bị sốc về mặt tâm lý, để trẻ phải làm quen dần dần. Các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng thực hiện các thủ tục pháp lý để xác nhận cha mẹ cho con.

Đã có nhiều trường hợp tượng tự xảy ra thì giải pháp là dành cho các em hai gia đình, một bên là cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi. “Nếu một số ý kiến cho rằng nguyên nhân của việc chậm trễ trao trả là do mức đền bù của bệnh viện chưa thoả đáng thì hai gia đình cần nghĩ đến lợi ích tốt nhất cho trẻ, không nên nghĩ đến chuyện vì mức đền bù mà quên đi lợi ích của trẻ. Các cháu đã 6 tuổi, chỉ còn vài tháng nữa là đến năm học mới, cần phải nhanh chóng để làm các thủ tục để các cháu nhập trường đúng tên tuổi, gia đình mình. Đừng vì chuyện tráo đổi, đền bù… mà ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ”, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em cho hay.

Hiện nay, gia đình anh Phùng Giang Sơn đã có đơn kiến nghị gửi Toà án nhân dân huyện Ba Vì đề nghị giải quyết. Trao đổi với phóng viên, ông ông Nguyễn Đức Thưởng, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ba Vì cho biết, đơn vị đã nhận được đơn của anh Phùng Giang Sơn gửi đến tòa án để giải quyết sự việc trao nhầm con. Nhưng hiện tại Tòa vẫn chưa thể xử lý sự việc này vì còn một số vấn đề pháp lý vướng mắc.

Hai vợ chồng chị Hương đã ly hôn, trong quyết định tòa án ghi rất rõ cháu Đoàn Nhật M. là con chung của vợ chồng chị Hương. Bởi vậy, muốn đưa sự việc này ra tòa giải quyết, chúng tôi phải kiến nghị lên Tòa án cấp cao Hà Nội tái thẩm lại, bỏ phần con chung trong quyết định ly hôn. Như vậy mới có thể xét xử và trao con về đúng với bố mẹ các cháu. “Chúng tôi vẫn luôn mong các bên có thể hòa giải với nhau, tránh kiện tụng ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và các cháu. Còn nếu nhất quyết phải đưa ra tòa thì chúng tôi sẽ làm đúng theo quy định pháp luật”, ông Thưởng nói.

 
“Việc xảy ra nhầm lẫn thường nằm ở 3 trường hợp: 1.Sau khi sản phụ đẻ, người chăm sóc phải chăm sóc 2 bé sơ sinh cùng thời gian và không để ý việc định danh nên gây ra nhầm lẫn. 2: Em bé phải nằm tách mẹ, người nhà chưa biết mặt trẻ mà nhân viên y tế đã phải đưa xuống nơi chăm sóc. Mặc dù, nơi đó có giường riêng, bảng ghi tên… nhưng người chăm sóc vì sơ suất nào đó mà có thể nhầm lẫn. 3: Khi em bé đã nằm với mẹ nhưng được đưa đi, tắm, tiêm phòng… nhưng việc nhầm lẫn vẫn có thể xảy ra. Nếu sản phụ hoặc gia đình nghi ngờ con bị trao nhầm, cái cần nhất cần báo ngay nhân viên y tế ở khoa phòng sản phụ nằm để được xem xét và giải quyết nhanh nhất”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, nguyên Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.