Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Quốc Vương - Đại học Kanazawa (Nhật Bản), môn Nghiên cứu xã hội được đề cập trong cuốn sách vốn có nguồn gốc từ Mỹ, bắt đầu trở thành một môn học quan trọng trong chương trình phổ thông của Nhật Bản từ sau cuộc cải cách giáo dục nhằm tái thiết và xây dựng Nhật Bản mới sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ông Nguyễn Quốc Vương cho rằng, 15 năm sau khi tiến hành cải cách giáo dục, Nhật Bản bắt đầu bước vào thời kỳ kinh tế phát triển thần kỳ, đạt đến đỉnh cao với nhiều thay đổi rất ấn tượng.
“Khi nhìn lại, có thể thấy rõ, toàn bộ giá trị phổ quát người Nhật tiếp nhận và sau đó thay đổi họ, bao gồm suy nghĩ về hòa bình, dân chủ, tôn trọng con người… đều bắt nguồn từ tài liệu học tập này rồi dần dần lan truyền trên khắp nước Nhật” – ông Vương cho hay.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, thông qua những hướng dẫn, gợi ý thiết thực, phong phú của cuốn sách “Hướng dẫn học tập môn Xã hội”, giáo viên sẽ thêm tự tin thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là đối với các môn: Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu Tự nhiên, Tìm hiểu Xã hội, Giáo dục lối sống, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo…
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, việc vận dụng những nội dung của cuốn sách cần kết hợp với quá trình khảo sát, tìm hiểu để nắm vững tình hình và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục ở mỗi địa phương.