Hãy đi về phía nắng của mình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 'Những đứa trẻ trong sương' đem đến cho khán giả góc nhìn khách quan hơn về tập tục kéo vợ của người Mông.

 Bộ phim 'Những đứa trẻ trong sương' gieo lại trong lòng khán giả những cảm xúc ấm áp, nhân văn. Ảnh: ĐPCC
Bộ phim 'Những đứa trẻ trong sương' gieo lại trong lòng khán giả những cảm xúc ấm áp, nhân văn. Ảnh: ĐPCC

Bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm đã khép lại những suất chiếu cuối của đợt ra mắt đầu tiên tại quê nhà trên hệ thống rạp thương mại và hy vọng sẽ có thêm những đợt chiếu mới trong thời gian tới.

Thưởng thức bộ phim này, trong tôi ngân lên lời người mẹ dạy con gái cách chối từ chàng thiếu niên muốn kéo về làm vợ: Hãy nói với người ta: Đi về phía nắng của mình…

Tiếng cười đan trong niềm vui

Bộ phim 'Những đứa trẻ trong sương' đã trụ rạp thương mại lâu hơn sự mong đợi ban đầu. Ảnh: ĐPCC

Bộ phim 'Những đứa trẻ trong sương' đã trụ rạp thương mại lâu hơn sự mong đợi ban đầu. Ảnh: ĐPCC

“Sau gần một tuần ra rạp, chúng tôi rất mừng vì “Những đứa trẻ trong sương” được mọi người biết đến và ê-kíp được “lãi về tinh thần”. Mong là, từ đây, khán giả nước nhà sẽ quan tâm hơn đến phim tài liệu độc lập và quen hơn với việc ra rạp thưởng thức phim chứ không nên mặc định rằng phim tài liệu chỉ xem trên truyền hình hay qua màn hình ledLED…”. Đạo diễn Hà Lệ Diễm

Phát hành chính thức từ 17/3, tưởng rằng, chỉ có thể trụ rạp trong 3 ngày, vậy mà bộ phim tài liệu độc lập “Những đứa trẻ trong sương” đã nối dài được thời gian đến với khán giả trọn một tuần.

Rạp chiếu thương mại ban đầu được ấn định là Beta Cinemas (hệ thống rạp toàn quốc) nhưng ngay sau đó còn được nhân thêm đến Dcine Bến Thành rồi Lotte Cinema Cộng hòa (đều ở TP Hồ Chí Minh).

Tuy rằng, các suất chiếu mỗi rạp luôn khiêm tốn và doanh thu phòng vé cũng nhỏ bé, song vẫn đủ thấy bước đầu “Những đứa trẻ trong sương” được “rón rén” chào đón ở quê nhà với gần 4 nghìn lượt khán giả đến rạp.

Bộ phim dài 92 phút, tập trung kể câu chuyện của một nhân vật, nhưng không khiến người xem rơi vào cảm giác lê thê hay nhạt nhàm. Cũng bởi, phim được dựng hợp lý, không tham chi tiết.

Đồng thời, mỗi chi tiết đều được phát triển, khai thác vừa vặn, đủ sức lôi kéo khán giả dõi theo đến tận những giây cuối cùng, thậm chí không ít người còn cảm thấy tiếc nuối khi bộ phim khép lại mà vẫn muốn biết thêm về câu chuyện của cô bé Di sau này.

“Những đứa trẻ trong sương” được mở ra bằng ký ức của Di về tuổi 12 hồn nhiên thơ ngây. Ngày ngày, cô bé cùng chúng bạn đi hái rau lợn, đào củ rừng, chơi trò kéo vợ, đuổi bắt, ném bùn ngay trên thửa ruộng đang cấy, hát ở đám cưới hay cùng đến trường học điều hay, lẽ phải.

Ở nhà, Di là cô bé nhanh nhẹn, mạnh khỏe, chăm chỉ lo toan việc nhà từ cho lợn gà ăn, phát cỏ làm rẫy đến gặt lúa, cắt chàm…, việc nào cũng thoăn thoắt. Nhiều khi, Di còn là “trụ cột”, lúc bố mẹ… say rượu vì mừng vui đám xá.

Gần nửa thời gian ban đầu của phim được dành cho những tiếng cười đan trong niềm vui trong trẻo, thơ ngây, mộc mạc không chỉ của Di mà của cả những người Mông, có thể là cha mẹ Di hay những người hàng xóm sống xung quanh cô bé.

Có những khi đạo diễn còn dành thời gian đặc tả bà Xay – mẹ Di lọc nước chàm để nhuộm vải rất điệu nghệ và say mê; ghi lại đám cưới của người Mông tưng bừng, rộn rã và đám trẻ con như Di hồn nhiên ca hát.

Hay khán giả cũng có thể bật cười khi gặp cảnh sinh hoạt đời thường chân thực, hồn hậu của bố mẹ Di: Lúc bà Xay ngủ tít vì uống thêm chén rượu mừng, bố Di chân nam đá chân xiêu miệng không ngớt mắng vợ nhưng mai tỉnh rượu lại hiền như cục đất…

Góc nhìn khác biệt

Rồi những người con nơi núi rừng ấy tiếp tục kể cho công chúng câu chuyện dựng vợ, gả chồng của họ khi tuổi mới chớm 14, 15. Đó là tập tục kéo vợ có từ bao đời và vẫn được người Mông thực hành một cách trân trọng.

Có thể, dưới góc nhìn của dân tộc khác đây là hủ tục dẫn đến nạn tảo hôn, song từ góc máy của Hà Lệ Diễm nó còn mở ra các vấn đề khác mang tính nhân văn được nương theo những giá trị văn hóa đặc sắc của người Mông như nhờ kéo vợ mà nhiều đôi trai gái yêu nhau, đến được với nhau; nhất là với những chàng trai nghèo…

Còn ở “Những đứa trẻ trong sương” là câu chuyện của cô bé Di khi 14, 15 tuổi bắt đầu biết làm đỏm. Cô bé sẵn sàng cự cãi lại mẹ, sử dụng điện thoại thông minh nhắn tin kết bạn đó đây. Ngày Tết, Di theo chúng bạn đến chợ phiên rồi theo người bạn trai tên Vàng đi chơi lẻ nên cuối ngày thì trở thành người bị cậu thiếu niên kia lừa kéo về nhà làm vợ…

Chắc chắn câu chuyện sẽ thật giản đơn nếu như Di chấp nhận trở thành vợ Vàng, giống như chị gái của cô bé đã sớm trở thành người mẹ 2 con lúc tuổi còn rất trẻ do bị kéo về làm vợ người ta và ưng thuận.

Nhưng Di thì không, cô bé phản kháng vì trong đầu chỉ có ý nghĩ “phải thoát khỏi bạn ấy và được tự do” (Di chia sẻ tại buổi chiếu phim và giao lưu). Nhưng khi được trở về nhà, cô bé bị mắc kẹt giữa việc ngoan ngoãn thực hành tập tục để mẹ cha không bị mang tiếng có con gái bị chồng bỏ hay quyết phản kháng, từ chối và được cộng đồng chấp thuận để tiếp tục cắp sách đến trường.

Bộ phim đã dành nhiều thời lượng để kể về cuộc đấu tranh này của cá nhân Di. Ban đầu, Di trốn tránh ra trường lớp vì cô bé biết không thể nhờ đến hàng xóm, người thân khi ai cũng trân trọng tập tục ấy mà chỉ có thầy cô mới có thể giúp đỡ. Thế nhưng, Di vẫn bị mẹ bắt về vì nhà trai tiếp tục sang.

Di cũng được thầy cô đến nhà hỗ trợ khuyên giải, nhưng cậu con trai vẫn cương quyết ở lại nhà Di, không bỏ cuộc. Một cuộc kéo vợ lần nữa được nhà trai tiếp tục thực hiện và đạo diễn Hà Lệ Diễm đã may mắn không chỉ ghi lại một cách trực diện, mà còn là người được cô bé Di tin cậy nhờ giúp đỡ.

Ban đầu, những thước phim ấy có thể khiến người xem giật mình thảng thốt vì rất bạo liệt nhưng sau đó lại vỡ òa niềm vui khi hiểu ra rằng đó là nút thắt cuối cùng cô bé Di phải đối diện và phải trực tiếp thực hiện chứ không thể trông chờ vào bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài.

Ở đây có những chi tiết được trở đi, trở lại như: Đôi thiếu niên uống rượu để thể hiện sự đồng ý hay không đồng ý chuyện trở thành vợ, chồng của nhau. Đó là tục lệ của người Mông mà bất kỳ ai cũng phải tuân thủ.

Điều quan trọng là đối phương phải có lý lẽ thuyết phục để cùng thuận hòa uống hết chén rượu hoặc không, để từ đó hóa giải cho nhau. Những quyết định của đối phương không lệ thuộc vào ý muốn của cha mẹ mà do cá nhân tự lựa chọn, song phải thể hiện được sự dứt khoát, quyết tâm đến cùng.

Bà mẹ hiện đại trong truyền thống

Khán giả giao lưu và trò chuyện với đoàn làm phim 'Những đứa trẻ trong sương'. Ảnh: ĐPCC

Khán giả giao lưu và trò chuyện với đoàn làm phim 'Những đứa trẻ trong sương'. Ảnh: ĐPCC

Ở “Những đứa trẻ trong sương”, tập tục kéo vợ này được bà Xay - mẹ của Di trân trọng và thực hành rất khéo léo. Người mẹ mê nhuộm vải chàm rồi luôn tự tay cắt may những chiếc váy, cái áo; mê uống rượu đến say và rất lắm điều với chồng con ấy cũng hết sức hồn nhiên khi tựa cửa khóc rấm rứt than phiền qua điện thoại với cô con gái đang bị nhà trai kéo về làm vợ khiến khán giả phải bật cười: “Di, mẹ mắng con nhiều như thế nhưng nay mẹ hối hận. Con bỏ đi thì mẹ làm sao có thể đi uống rượu say được vì không có con ở nhà trông nom, cho gà lợn ăn…”.

Nhưng cũng chính bà mẹ ấy đã rất thấu hiểu, yêu thương và luôn tìm cách bảo vệ, hỗ trợ, vỗ về khi biết con gái muốn thoát khỏi nhà trai. Bà đã dạy con cách giữ gìn trinh tiết, nhân phẩm vì bất đắc dĩ phải ở lại nhà trai những 3 ngày: “Di, hãy buộc chặt cái thắt lưng, không được để cho nó đụng vào người”.

Thấy con gái trở về, bà Xay mừng ra mặt. Bởi vậy, việc bà đến trường bắt Di về nhà không phải để ép buộc con, mà chỉ là muốn Di không được chạy trốn, phải tự trả lời cho nhà trai, tự quyết định lấy số phận của mình.

Bà hiểu sâu sắc tập tục nên lúc con gái đã bị kéo, nhà trai đưa ông ba mối đến dạm mời mồi thuốc lào, mang can rượu, con gà… bà vẫn nhận. Bà cũng tính cả chuyện thách cưới thế nào cho con gái không bị rẻ rúng.

Cao trào của bộ phim là cảnh nhà trai kéo Di ra tận ngoài ngõ, trong khi cô bé quyết liệt phản đối. Ở tình huống nước sôi lửa bỏng ấy, theo tập tục bà Xay không được ngăn cản, song bà có thể mở lời để nhà trai dừng lại. Thế nhưng, bà vẫn chỉ nhìn và lặng im.

Sự lặng im đó không phải để phó mặc Di mà vì muốn hàng xóm láng giềng thấy được sự phản ứng đó để sau này không thể ì xèo, gieo điều tiếng xấu cho con gái và gia đình.

Khi thấy đã đến lúc cần mở lời, người mẹ ấy liền xuất hiện, phân giải theo đúng tập tục, chức phận của mình rồi bắc nhịp cầu để hai con trẻ đối diện, tự giải quyết vấn đề. Trước đó, ở trong buồng, bà đã sốt sắng, cẩn thận dạy con cách ăn nói, không được quá hung hãn, cộc cằn.

Muốn chối từ thì phải cho khéo, để nhà trai nghe lọt tai mà đồng ý trả về, ý là: “Không được nói cục cằn mà phải nói cho nhẹ nhàng. “Anh là người tốt. Gia đình nhà anh cũng tốt. Nhưng chúng ta không có duyên nên nắng của anh bên nào anh đi về bên đó, nắng của em bên nào em đi về bên đó…”, nhớ chưa, Di?”.

Những lời khuyên bảo của bà Xay không chỉ ngọt như dòng nước suối đầu nguồn, mà còn giàu chất thơ khiến cho khán giả hồ nghi, phải chăng người dịch từ tiếng Mông sang tiếng Việt đã có sự thêm thắt nên hỏi lại nhân vật ngay sau buổi chiếu. Giao lưu với khán giả, bà Xay thêm một lần nữa nhắc lại câu nói ấy bằng tiếng Mông và Di đã trực tiếp phiên dịch.

Từ những chi tiết đắt giá, được kết nối một cách logic ấy, “Những đứa trẻ trong sương” đem đến cho khán giả góc nhìn khách quan hơn về tập tục kéo vợ của người Mông.

Thêm một lần bộ phim góp phần khẳng định, tập tục ấy đã khiến nạn tảo hôn ở Sa Pa trở thành phổ biến vì cứ tầm 15, 16 tuổi, những thiếu niên có thể đi chơi chợ Tết và kéo vợ (là những người con gái tầm tuổi 14, 15 mà cậu ta vừa mắt).

Câu chuyện của chị gái Di không được kể quá cặn kẽ trong phim nhưng cũng đủ để người xem hiểu được mặt trái của nạn tảo hôn vẫn tồn tại ở nơi đây. Ngoài ra, phim còn có chi tiết thoáng qua nhắc đến nạn buôn người - từ việc bà Xay đi tìm, lo Di bị lợi dụng tập tục kéo vợ của cộng đồng mà bị bắt cóc rồi buôn bán sang biên giới Trung Quốc.

Bên cạnh đó, từ việc trải nghiệm cùng những thước phim chân thực, lắng sâu, người xem được vỡ lẽ, hóa ra tập tục này không phải quá đáng sợ như bấy lâu vẫn đồn thổi mà nếu người con gái biết giữ mình, quyết liệt từ chối, được bên nhà trai thông tỏ, đồng ý và công khai với hàng xóm thì vẫn có thể được “giải phóng” mà không mang điều tiếng gì.

Tất cả được kết nối và thông báo bằng chén rượu. Và cũng thật thú vị khi trong cộng đồng người Mông có những bậc làm cha mẹ như bố mẹ Di rất hiện đại trong truyền thống, luôn tôn trọng sự quyết định của con cái.

Có thể, họ ưng chàng trai đến kéo con mình về làm vợ nhưng nếu cô con gái không đồng ý thì cũng không thể ép buộc. Trái lại, họ còn vui vẻ dạy con cách ứng xử văn minh với bạn trai rằng: Hãy đi về phía nắng của mình…

Có thể thấy, phải là người tinh tế và có những trải nghiệm đầy thấu hiểu cũng như góc nhìn hướng đến điều tốt đẹp, ý nghĩa thì đạo diễn Hà Lệ Diễm cũng như người biên tập, dựng phim Swann Dubus mới có thể đem đến cho khán giả trong nước và quốc tế những thước phim đẹp, câu chuyện khách quan và đầy tính nhân văn đối với một tập tục gắn với truyền thống lâu đời của người Mông như thế.

Cùng với trải nghiệm văn hóa ấy, “Những đứa trẻ trong sương” còn dẫn cảm xúc của khán giả đến sự huyền ảo, kỳ vĩ của núi rừng Tây Bắc qua những góc máy rất điện ảnh, quyến rũ được Hà Lệ Diễm ghi lại đầy kỳ công khi cô có đến 3 năm một mình rong ruổi thực hiện bộ phim này…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.