“Chiếc lá hy vọng” - phim tài liệu mang đậm tính nhân văn

GD&TĐ - Phim do Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ sản xuất đã truyền động lực cho cộng đồng, những người làm cha, làm mẹ có con bị bại não và mong muốn trao cơ hội học tập để các em trở thành người có ích cho xã hội.

Mai Anh (đứng giữ) là nhân vật chính trong phim tài liệu Chiếc lá hy vọng
Mai Anh (đứng giữ) là nhân vật chính trong phim tài liệu Chiếc lá hy vọng

Nhân vật truyền cảm hứng

Phim tài liệu “Chiếc lá hy vọng” là câu chuyện về hành trình vượt lên số phận của Nguyễn Mai Anh (quê ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) do nhóm tác giả Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Lê Hồng Khanh, Phan Thị Thu Hiền, Vũ Thanh Hằng, Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Ngọc Tân - Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ thực hiện.

Mai Anh – nhân vật chính trong phim hiện đang là sinh viên năm 3 Trường Đại học Luật Hà Nội. Em được phát hiện bị bại não thể co cứng lúc 13 tháng tuổi. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của bản thân cùng tình yêu vô bờ bến của gia đình, em đã vượt qua hành trình gian nan, trở thành một cô gái đầy tự tin vào bản thân. Không những thế, Mai Anh còn khẳng định được bản thân khi thi đỗ trường THPT Chuyên Hùng Vương năm 2016, trường Đại học Luật Hà Nội năm 2019.

Mai Anh rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội gia đình trẻ bại não Việt Nam.
Mai Anh rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội gia đình trẻ bại não Việt Nam.

Trong môi trường đại học, cô sinh viên Mai Anh tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người, đặc biệt là khi tham gia vào các hoạt động của Hội gia đình trẻ bại não Việt Nam. Năm 2020, Mai Anh được Cộng đồng xanh lá (Cộng đồng trẻ bại não Việt Nam) bình chọn là nhân vật truyền cảm hứng.

Tác phẩm thể hiện bằng hình thức không lời bình, để hai nhân vật là Mai Anh và chị Đinh Thị Thu Hảo (mẹ Mai Anh) tự kể chuyện về hành trình vượt qua chứng bại não để theo đuổi con đường tri thức. Qua câu chuyện về Mai Anh, nhóm tác giả hy vọng truyền thêm cảm hứng, động lực cho những ông bố, bà mẹ đang có con không may mắc chứng bại não cũng như gửi gắm thông điệp “với sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là việc trao cơ hội học tập cho các em, trẻ bại não cũng có thể chinh phục được tri thức, trở thành người có ích cho xã hội”.

Mong sự lan tỏa

Chia sẻ về quá trình thực hiện tập phim, nhà báo Vũ Thanh Hằng đại diện ekip sản xuất cho biết: Là phóng viên theo dõi mảng Giáo dục, tôi tình cờ biết đến Mai Anh qua facebook của một giáo viên trường THPT Chuyên Hùng Vương và ấp ủ ý tưởng làm phim tài liệu khi xem chương trình Điều ước thứ 7 của Đài truyền hình Việt Nam vào tháng 6/2020. Tuy nhiên, với một cô bé bị mắc chứng bại não, việc thuyết phục em đồng ý ghi hình cũng như mở lòng để nói về câu chuyện của mình là rất khó khăn. Vì thế, tôi vẫn thường xuyên liên lạc qua facebook để trò chuyện, làm quen với Mai Anh trước.

Nhà báo Vũ Thanh Hằng đại diện cho ekip sản xuất phim chia sẻ thông tin với Báo GD&TĐ
Nhà báo Vũ Thanh Hằng đại diện cho ekip sản xuất phim chia sẻ thông tin với Báo GD&TĐ

Tháng 12/2020, khi Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ tổ chức chương trình Gala PTV - Xuân yêu thương, tôi được Giám đốc Đài Nguyễn Thị Tuyết Chinh chỉ đạo mời Mai Anh tham gia chương trình và làm một clip giới thiệu về em. Ekip sản xuất được thành lập do đồng chí Giám đốc Đài chịu trách nhiệm nội dung, đồng chí Phó giám đốc Lê Hồng Khanh chỉ đạo sản xuất, đồng chí Trưởng phòng Thời sự Phan Hiền tổ chức sản xuất, tôi xây dựng kịch bản. đồng chí Việt Hưng quay phim và đồng chí Ngọc Tân dựng hậu kỳ.

Sau quá trình liên lạc với sự giúp đỡ của chị Hảo mẹ Mai Anh, chúng tôi đã thuyết phục được Mai Anh nhận lời. Tôi và quay phim Việt Hưng đã xuống Đại học Luật, thành phố  Hà Nội để gặp Mai Anh, rồi lên thị xã Phú Thọ gặp bố mẹ em. Sau chương trình Gala PTV - Xuân yêu thương, ekip chúng tôi tiếp tục nhiều lần gặp gỡ Mai Anh để ghi hình và chứng kiến sự thay đổi từng ngày của em khi sống trong môi trường đại học cũng như tham gia các hoạt động của Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam.

Đến tháng 4/2021, phim tài liệu mới được hoàn thành và phát sóng. Những khuôn hình chăm chút, tỉ mỉ của quay phim Việt Hưng, sự đóng góp ý kiến tâm huyết của Giám đốc Tuyết Chinh, Phó giám đốc Hồng Khanh, Trưởng phòng Thời sự Thu Hiền đã giúp chúng tôi hoàn thiện tác phẩm của mình.

“Năm nay là năm thứ 3, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ tham gia Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam. Hai năm trước, tác phẩm của Đài đã đạt giải khuyến khích. Vì thế, năm nay, khi tiếp tục nhận được thông báo đạt giải, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi. Chúng tôi cho rằng Giải không chỉ tạo thêm một sân chơi nghiệp vụ cho những người làm báo ở địa phương mà còn giúp chúng tôi góp thêm tiếng nói phản ánh giáo dục của địa phương mình trong bức tranh giáo dục chung của cả nước"– Nhà báo Vũ Thanh Hằng chia sẻ thêm.

Nhà báo Vũ Thanh Hằng: Để Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam lan tỏa hơn nữa, chúng tôi hy vọng: Về công tác tổ chức cần tiếp tục tuyên truyền rộng hơn, dài hơi hơn; đồng thời cũng nên hướng các nhà báo vào những vấn đề giáo dục đang được quan tâm để tác phẩm đúng, trúng, chuyên sâu. Bên cạnh tìm kiếm, phát hiện những tấm gương nhà giáo ở những nơi khó khăn, cũng cần chú ý thêm để tôn vinh những tập thể, cá nhân đã và đang nỗ lực cống hiến, có nhiều đóng góp để tạo ra thương hiệu giáo dục cho Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ